Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội truyền thống đình Yên Phụ

Hà Nội 360 - Ngày đăng : 15:01, 01/03/2023

(NSHN) - Sáng 1-3, tại di tích đình Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), UBND phường Yên Phụ đã tổ chức lễ hội truyền thống đình Yên Phụ.

Theo thần phả được lưu truyền, đình Yên Phụ thờ Đức thánh Uy Đô Linh Lang Đại Vương cùng 2 em của Ngài là Vương Duy Đại Vương và Vương Ba Đại Vương. Các ngài là chính phái của họ Hồng Bàng, tông thứ hai của Bách Việt.

Đời vua Trần Thánh Tông, Đức thánh Uy Đô Linh Lang Đại Vương đầu thai làm con trai Hoàng hậu Minh Đức (sinh ngày 2-2 năm Ất Sửu - 1265) được đặt tên là Hoàng tử Uy Lang.

Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Nguyễn Hưng Quốc khai mạc lễ hội truyền thống đình Yên Phụ.

Đến đời vua Trần Nhân Tông, năm 1287 tướng giặc Nguyên Mông là Toa Đô đem 40 vạn quân xâm lược nước ta. Hoàng tử Uy Lang chiêu tập quân sĩ đánh giặc, có ngày đánh 8 trận thắng cả 8, chém 3 vạn tên giặc… Do có công lớn, Hoàng tử được phong là Dâm Đàm Đại Vương (Đại vương vùng Hồ Tây).

Hoàng tử Uy Lang đã làm việc nước tại đình Yên Phụ, đình An Thọ, đình Nhật Tân (nay đều thuộc địa bàn quận Tây Hồ). Sau đó ngài bỏ quan phục, công danh, theo cửa Phật đi giáo hoá khắp nơi trong hơn 10 năm. Đến giờ Ngọ ngày 8-8 năm Canh Tý (1300), ngài không bệnh mà qua đời trên đất Yên Phụ, thọ 36 tuổi.

Đại diện lãnh đạo phường Yên Phụ và du khách thập phương vào lễ thánh.

Lễ hội truyền thống đình Yên Phụ và những nơi thờ Đức thánh Uy Đô Linh Lang Đại Vương đều diễn ra vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm.

Hội đình Yên Phụ bắt đầu bằng phần lễ với nghi thức tế lễ trang nghiêm của các bô lão. Sau nghi thức lễ tế là màn biểu diễn múa lân, múa rồng của các thanh niên trong làng. Lễ hội được diễn ra tiếp theo với màn rước kiệu do các thanh niên cường tráng, khoẻ mạnh mặc trang phục truyền thống, đai đỏ, đai xanh khênh, đi theo là đoàn múa sinh tiền, các vị chức sắc bô lão và nhân dân cùng hưởng ứng.

Đoàn rước kiệu thánh di chuyển từ đình Yên Phụ sang chùa Trấn Quốc.

Đoàn rước đi dọc phố Yên Phụ, qua đường Thanh Niên tới chùa Trấn Quốc để thỉnh nước về tắm tượng. Đoàn rước sau khi vào chùa sẽ được Hòa thượng trụ trì đọc sớ ban phép vào nước thỉnh. Khi thỉnh được nước, cả đoàn lại rước về đình và tổ chức lễ tắm tượng. Sau phần lễ là phần hội đặc sắc với nhiều trò chơi dân gian nổi tiếng như đánh cờ người, chọi gà, chọi chim, bơi thuyền... Đình Yên Phụ đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá ngày 27-1-1986.

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội truyền thống đình Yên Phụ.

Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống đình Yên Phụ năm 2023 (diễn ra trong 3 ngày 27, 28-2 và 1-3) đã diễn ra Hội thi Tiếng hót chim vành khuyên; chương trình văn nghệ chào mừng lễ hội đình Yên Phụ và lễ vinh danh 138 giáo viên, học sinh có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hương Ly