Về thăm ngôi làng có hai đình
Đi đâu - Xem gì - Ngày đăng : 16:14, 06/05/2021
Dấu tích đình làng
Đình Tây Đào Xá vốn là đền thờ Chử Đồng Tử (một trong Tứ bất tử của người Việt) và Tiên Dung công chúa. Tương truyền, Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong một lần đi ngang qua làng Đào Xá thấy phong cảnh hữu tình bèn dừng lại nghỉ chân. Để tưởng nhớ đức thánh và công chúa, người dân đã lập đền thờ. Đền được xây dựng thời Chính Hòa nguyên niên (1680-1705), đời vua Lê Hy Tông, có kiến trúc theo kiểu chữ "nhị". Sau này, đền trở thành đình làng.
Đình Đông trước là đền Lá Cọ, đầu thế kỷ XX được xây dựng theo kiểu kiến trúc liên hoàn hình chữ "tam". Ngôi đền thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661), quê gốc ở làng Quất Động (nay thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín). Tiến sĩ Lê Công Hành từng đi sứ Trung Quốc năm 1646 và học được nghề thêu lọng, về truyền lại cho người dân quanh vùng, sau mở mang khắp chốn. Nhờ giá trị tâm linh to lớn, đền được chuyển thành đình và được gọi là đình Đông để phân biệt với đình Tây thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Nằm giữa hai ngôi đình là chùa Đào Xá (Vân La tự), có quy mô nhỏ, với 36 pho tượng được bài trí theo từng lớp từ bái đường đến thượng điện. Trước sân chùa có cây hương thạch chạm chữ Hán: “Vĩnh Khánh nguyên niên tuế tại Ất Dậu ngũ nguyệt cốc nhật” (dựng năm 1729, thời vua Lê Duy Phường). Ngoài ra, các đạo sắc phong trong đình làng cũng chỉ rõ lịch sử và việc xây dựng hai ngôi đình. Đạo sắc phong cổ nhất còn lưu giữ là năm 1622, thời vua Lê Thần Tông; đạo gần đây nhất là vào năm 1925, thời vua Khải Định. Các đạo sắc phong đều có nội dung phong Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tiến sĩ Lê Công Hành là những bậc minh thánh, riêng Tiến sĩ Lê Công Hành có tới 9 đạo sắc phong. Chùa Đào Xá cũng có 13 đạo sắc phong.
Quần thể kiến trúc, điêu khắc độc đáo
Đào Xá là một trong số ít làng còn giữ được kiến trúc tâm linh liên hoàn đình - đền - chùa và hệ thống sân, cổng, ao cùng cây cổ thụ. Tam quan là cổng chung cho cả quần thể, mang vẻ bề thế, cổ kính và được điêu khắc chi tiết. Mỗi cổng đều có 2 tầng, gác chuông, lầu khánh. Cổng chính đề 4 chữ Hán “Nhật chiếu nguyệt lâm”, hướng về phía tây nam, cao 15m, trước mặt là sân rộng tạo vẻ uy nghi, bề thế khi nhìn từ phía xa.
Bước qua cổng tới sân đình, nơi có cây muỗm trăm tuổi cao vút, tán xòe rộng như cái ô lớn tỏa bóng xuống sân đình, chùa. Trước sân chùa là cây hương thạch, bên trong có cây đa nhỏ hàng trăm năm nay chỉ mọc 2-3 lá. Trên cây hương thạch ghi: “Phật nói, sự trong sáng phải được tăng lên mãi để quy tụ lòng người bốn phương” như lời nhắc nhở Phật tử cần phải sống thanh bạch, liêm khiết.
Trước đại bái đình Tây có đôi sấu đá - linh vật phổ biến thời Lý - Trần, còn nguyên vẹn. Đại bái có 5 bậc lên, mái lợp ngói vảy cá, trên đắp nổi hình lưỡng long tranh châu, hai bên hồi có mái. Khoảng cách nối giữa đại bái và thượng điện khoảng 1m, hai bên cổng đắp hình tờ thánh chiếu đang mở ra. Hai bên vách đại bái có hai tấm bia đá chìm ghi lại sự kiện trùng tu đình.
Đại bái có 2 bức đại tự chữ Hán “Nhạc độc chung linh” và “Thượng đẳng linh từ” ca ngợi công đức của đức thánh Chử Đồng Tử. Hệ thống cột gỗ được đặt trên các bệ đá, các đầu bảy được điêu khắc hình rồng tinh xảo cùng các linh vật được điêu khắc rời đặt trên hệ thống xà.
Lễ hội làng Đào Xá tổ chức vào ngày 12 tháng Hai (âm lịch), cứ 5 năm lại tổ chức lễ tắm thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa bằng nước lấy ở đầm Dạ Trạch (Hưng Yên).
Đình Đông có quy mô nhỏ hơn, nằm sát với giếng mắt rồng. Ba nếp nhà cao dần từ ngoài vào trong, nhà tiền tế có 4 hàng cột gỗ đặt trên trụ đá kiểu thắt cổ bồng, bên trái là một con chó đá nằm quay đầu ra ngoài. Đình Đông Đào Xá là nơi tổ chức lễ giỗ tổ nghề thêu Lê Công Hành vào ngày 12 tháng Sáu (âm lịch) hằng năm.
Với những giá trị lịch sử to lớn, 3 di tích đình Đông, đình Tây và chùa Đào Xá đều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2000. Làng Đào Xá cũng được thành phố công nhận là Làng nghề truyền thống năm 2009.
Đến làng Đào Xá hôm nay, du khách vừa được thả mình vào không gian tâm linh thanh tịnh, khám phá lịch sử, huyền tích của quần thể đình - đền - chùa vừa được mục sở thị kỹ nghệ thêu tinh xảo của người thợ thủ công Đào Xá.