Khởi sắc ở “Kinh đô người Việt cổ”
Đi đâu - Xem gì - Ngày đăng : 08:59, 05/04/2023
Trung tuần tháng 3 vừa qua, đoàn khách 20 người từ nội thành Hà Nội đăng ký mua tour du lịch mới với tên gọi “Tìm về kinh đô người Việt cổ”. Đây là sản phẩm du lịch mới do UBND xã Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Công ty Du lịch bền vững S.I.T.D xây dựng, mong muốn mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách với lịch trình khám phá Cổ Loa trong ngày. Với sản phẩm này, du khách được khám phá hành trình về miền di sản của Hà Nội, khởi hành từ Hoàng thành Thăng Long đến Cổ Loa qua những trải nghiệm mới dựa trên các điểm tham quan quen thuộc như: Nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Cổ Loa, 3 vòng thành, ngự triều di quy (đình Cổ Loa), am bà Chúa (nơi thờ Công chúa Mỵ Châu), đền thờ Cao Lỗ, đền Thượng thờ An Dương Vương… Nét mới của sản phẩm du lịch này là du khách được trải nghiệm làm mũi tên bằng đất sét, mô phỏng từ bộ khuôn mũi tên cổ được tìm thấy tại Cổ Loa và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia; trải nghiệm và thưởng thức món bún xào cần Mạch Tràng nức tiếng.
Lần đầu tiên trải nghiệm sản phẩm du lịch mới tại Cổ Loa, chị Nguyễn Thị Tâm (ở quận Ba Đình) bày tỏ, dù từng nhiều lần đến Cổ Loa nhưng trải nghiệm mới này đã mang đến cho chị nhiều cảm xúc. “Câu chuyện truyền thuyết về vua An Dương Vương xây thành ốc, nỏ thần Kim Quy hay mối tình của Công chúa Mỵ Châu với Trọng Thủy đã được kể nhiều trong dân gian, nhưng với sản phẩm mới này, chúng tôi không chỉ được nghe lại những huyền tích xưa mà còn được trải nghiệm, khám phá nét đẹp của Cổ Loa mới. Cảnh đẹp yên bình, sự thân thiện của người dân và các hoạt động du lịch mới khá hấp dẫn, ngay cả với những người trẻ”, chị Nguyễn Thị Tâm nói.
Sau nhiều nỗ lực làm mới các hoạt động, du lịch Cổ Loa đã tạo thêm sức hút để níu chân du khách. Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm mới cho người dân và du khách. Ngoài các hoạt động tham quan di tích, đơn vị đã xây dựng khu Ngự xạ đài (trường bắn nỏ mô phỏng) để du khách được tập bắn nỏ, làm bỏng chủ - loại thực phẩm đặc trưng của Cổ Loa, làm mũi tên đất. “Trước mắt, các hoạt động này đã được đưa vào chương trình giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn huyện. Tới đây, những trải nghiệm này sẽ được đưa vào các tour phục vụ du khách”, ông Hoàng Công Huy bày tỏ.
Còn Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (đơn vị quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa) Ngô Văn Nam thông tin, Trung tâm đã có kế hoạch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phối hợp quảng bá, tuyên truyền, đưa hoạt động khám phá Cổ Loa vào chương trình giáo dục di sản tại nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội.
Chia sẻ thêm về những đổi mới trong cách làm du lịch tại Cổ Loa, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Khả Nghị cho biết, xã đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch xanh bền vững, du lịch cộng đồng tại Cổ Loa. Chính quyền xã thường xuyên kêu gọi người dân, các đoàn thể, tổ dân phố tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, trồng hoa, cây cảnh, làm xanh đường làng, ngõ xóm. “Chúng tôi huy động bà con sử dụng đồ nhựa tái chế tạo thành những thùng rác để người dân và du khách ý thức hơn việc chung tay bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẵn sàng tổ chức các lớp tập huấn cho bà con cách làm du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh”, ông Nguyễn Khả Nghị nói.
Du lịch Cổ Loa đã có nhiều đổi mới so với những năm trước. Tới đây, để hấp dẫn du khách hơn, các đơn vị quản lý tại Cổ Loa đã có kế hoạch liên kết với nhiều doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tuyến du lịch trên địa bàn huyện Đông Anh cũng như kết nối với nhiều điểm du lịch ở các địa phương khác.