Di sản hôm qua, tài sản hôm nay
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 08:35, 23/04/2023
Phố nghề xưa - nay
“Rủ nhau chơi khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai...”. Bài ca dao đã khái quát những nét nổi bật của khu phố cổ Hà Nội, được giới hạn trong địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Đây là vùng lõi trung tâm của Thủ đô, với những đường phố gắn với chữ “Hàng” đi kèm các ngành nghề và mặt hàng chuyên doanh, tạo nên nét đặc trưng chỉ có ở Hà Nội.
Trong ký ức của người Hà Nội, phố Hàng Đào xưa là nơi bán yếm lụa và các loại vải nhuộm màu đỏ, hồng. Phố Hàng Thiếc có nghề gò hàn tôn, thiếc. Phố Hàng Bồ chuyên sản xuất, kinh doanh bồ, sọt, thúng mủng. Phố Hàng Phèn chuyên bán phèn lọc nước. Còn phố Hàng Bạc chuyên nghề đúc bạc, đổi tiền và làm đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ bằng bạc. Nếu muốn tìm các mặt hàng tơ lụa, thêu may, người ta tìm đến phố Hàng Gai.
Theo dòng chảy thời gian, đặc biệt là giai đoạn Đổi mới vào thập niên 1980-1990, việc chuyển đổi cơ chế thị trường, mở rộng giao lưu văn hóa, thương mại quốc tế đã tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng khiến nhiều phố nghề xưa bị biến đổi, chỉ còn ít hộ giữ nghề. Thay vào đó là các mặt hàng, ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Nếu như phố Hàng Gà trước đây chuyên buôn bán gà, vịt thì nay được thay bằng nghề kinh doanh ăn uống, in thiệp mời. Phố Bát Đàn, Bát Sứ xưa chuyên bán buôn bát, đĩa, ấm chén, đồ gốm... nay chuyển hướng kinh doanh khách sạn, cà phê, tạp phẩm...
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại đang từng ngày từng giờ tác động vào các phố nghề, tại nhiều tuyến phố, số lượng cửa hàng chuyên doanh các mặt hàng truyền thống đã sụt giảm nhanh chóng. Số cửa hàng kim hoàn trên phố Hàng Bạc giảm từ 90 xuống còn 40. Tại phố Lãn Ông, số cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống giảm từ 85 xuống 35. Phố Hàng Gai trước đây có 91 cửa hàng kinh doanh tơ lụa thì nay chỉ còn 40 cửa hàng.
Đặc biệt, một số tuyến phố có sự hoán đổi về nghề, như phố Hàng Vải xưa chuyên bán các mặt hàng vải may mặc khổ nhỏ thì nay chuyển sang kinh doanh các sản phẩm từ tre, nứa, vầu (vốn gắn bó với phố Hàng Bồ) và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, ăn uống. Nghề kinh doanh giấy, vở, bút, mực vốn gắn với phố Hàng Bút, nay đã dịch chuyển sang phố Hàng Phèn.
Bên cạnh đó, một số tuyến phố vẫn giữ được nghề truyền thống. Phố Hàng Đồng còn khoảng 60% số hộ kinh doanh buôn bán đồ thờ tự, tranh, lọ hoa đồng. Khoảng 70% số hộ dân ở phố Lò Rèn còn duy trì sản xuất, kinh doanh các sản phẩm như lưỡi cày, cuốc, xẻng, cửa sắt; trong đó có 1 hộ gia đình giữ nghề kéo bễ thổi lửa thủ công với kỹ thuật truyền thống đỉnh cao. Phố Lãn Ông tuy cũng có sự sụt giảm nhưng cho đến nay vẫn là con phố duy nhất trong khu phố cổ còn duy trì ổn định nghề truyền thống và là địa chỉ để du khách trong và ngoài nước tới bắt mạch, kê đơn, mua thuốc.
Có thể thấy, nghề thủ công truyền thống lâu đời ở khu phố cổ tuy đã mai một nhưng vẫn được người dân cố gắng gìn giữ, phát triển. Các con phố nghề gắn với đặc trưng tên gọi của phố “Hàng” mang tính chất vừa làm sản phẩm vừa kinh doanh, thể hiện quan điểm của người xưa là “buôn có bạn, bán có phường”, tạo nên những phố nghề, phường nghề đặc trưng của Hà Nội. Ngày nay, tuy các phố nghề không còn tấp nập như xưa nhưng người ta vẫn thấy đâu đó dấu ấn của nghề gắn với các công trình kiến trúc và các di tích lịch sử, tạo thành giá trị văn hóa độc đáo. Những nét đặc trưng văn hóa này đã tạo cho quận Hoàn Kiếm một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần đưa du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phát triển kinh tế chung của quận.
Cần thiết thành lập bảo tàng nghề thủ công?
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như quá trình đô thị hóa làm biến đổi không gian cảnh quan, kiến trúc và hoạt động trên các tuyến phố chuyên doanh nói riêng và khu phố cổ nói chung, nhưng quận Hoàn Kiếm đã tranh thủ nhiều nguồn lực và tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của phố nghề gắn với phát triển du lịch. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Quang Cường, những năm qua, quận đã tập trung nguồn lực để bảo tồn một số phố chuyên doanh như trùng tu đình Kim Ngân, ngôi nhà 51 Hàng Bạc, đình Tú Thị hay trùng tu mặt đứng tuyến phố đông nam dược Lãn Ông. Bên cạnh đó, quận cũng quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các lễ hội nghề như Lễ hội nghề Kim hoàn, Tuần lễ phố nghề thuốc truyền thống đông nam dược Lãn Ông... nhằm lan tỏa các giá trị của phố nghề kết hợp với việc quảng bá, phát triển du lịch.
Ở góc nhìn của một người có nhiều năm gắn bó với du lịch Thủ đô, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần bảo tồn, phát huy tối đa giá trị nghề thủ công truyền thống gắn với việc đa dạng hóa hình thức tổ chức tour thăm các phố nghề ở Hà Nội, trong đó chú trọng đến các không gian trình diễn nghề của nghệ nhân để du khách được tận mắt thấy các quy trình và tìm hiểu giá trị văn hóa đằng sau di sản.
“Không gian trình diễn nghề sẽ góp phần truyền tải tới du khách giá trị tinh hoa của nghề cũng như giá trị của sản phẩm thủ công truyền thống. Cần tiếp cận nghề truyền thống từ góc độ sáng tạo của nghệ nhân nhằm biến nghề thủ công truyền thống thành sản phẩm du lịch với mẫu mã tinh xảo, kích thước nhỏ gọn để khách du lịch có thể dễ dàng mua về làm quà” - ông Thắng nói.
Nếu dạo quanh một vòng thị trường quà tặng cho khách du lịch ở khu phố cổ, dễ dàng nhận thấy nhiều sản phẩm chưa truyền tải được nét đặc trưng, đặc sắc của các nghề truyền thống ở Hà Nội mà vẫn bị cũ và trùng lặp về hình thức, mẫu mã. Đó là chưa kể tình trạng thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, trộn hàng nhập khẩu chất lượng kém để bán cho du khách vẫn tồn tại.
Từ câu chuyện phố nghề Đông - Nam dược Lãn Ông, nơi sở hữu nhiều phương thuốc bí truyền, giảng viên khoa Du lịch (Trường Đại học Đại Nam) Đỗ Diệu Linh cho rằng, Hà Nội có thể thiết kế các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe với các loại dược liệu quý của Việt Nam, giống như cách người Hàn Quốc đang khiến khách du lịch phải chi tiền mua nấm linh chi, sâm với giá không hề rẻ. Quan trọng là phải tạo được thương hiệu và chất lượng tương xứng với giá cả thì các sản phẩm này mới có thể trở thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Đi kèm với đó, cần phải đưa vào không gian trưng bày sản phẩm và trải nghiệm hoạt động gắn với làng nghề tại các di tích, nhà cổ để tạo thành một tour hoàn chỉnh. Mô hình này có thể áp dụng ở mỗi phố nghề của Hà Nội bởi hầu hết các phố nghề đều có đình thờ tổ nghề gắn liền với nghề truyền thống. Đó là một nét đặc trưng riêng có của khu phố cổ Hà Nội.
Đề cập đến việc cần nhanh chóng bảo tồn trước nguy cơ mai một và sự biến mất của các phố nghề, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều khẩn thiết đề nghị thành phố Hà Nội nói riêng và quận Hoàn Kiếm nói chung sớm nghiên cứu xây dựng một bảo tàng nghề thủ công, nếu không, sẽ không thể lưu giữ những hiện vật, công cụ truyền thống đang trên đà mất mát, hư hỏng và không còn khả năng sưu tầm, tu sửa lại được.
Việc thành lập bảo tàng nghề thủ công là cần thiết để lưu giữ ký ức của nghệ nhân khi số lượng nghệ nhân nắm giữ bí quyết nghề ngày càng ít. Bên cạnh đó, việc thành lập bảo tàng nghề thủ công còn góp phần lưu giữ các sản phẩm tiêu biểu hiện đang bị phân tán trong dân hoặc bán ra nước ngoài, gây tình trạng “chảy máu” di sản. Nếu điều kiện chưa cho phép, quận Hoàn Kiếm có thể sử dụng hệ thống di tích sẵn có làm bảo tàng nghề, hoặc huy động các nguồn lực nhằm khuyến khích việc xây dựng bảo tàng tư nhân để lưu giữ di sản. Đó cũng chính là cách biến di sản thành tài sản nhằm phát huy giá trị phố nghề ở Hà Nội trong dòng chảy cuộc sống hôm nay.