Tháng Ba về với hội diều…
Xưa và nay - Ngày đăng : 09:09, 26/04/2023
Từ sự tích làng diều bên dòng sông mẹ…
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, căn cứ các tư liệu lịch sử, làng Bá Dương Nội là vùng đất người Việt cổ sinh sống từ rất sớm, cách đây khoảng 3.500 đến 4.000 năm. Làng hiện có 22 xóm, trong đó, 11 xóm phía ngoài đê và 11 xóm trong đê. Trải qua quá trình phát triển hàng nghìn năm lịch sử, người dân làng Bá Dương Nội đã tạo dựng quần thể di sản văn hóa độc đáo như: Chùa Già Lê, đình Bá Dương Nội, Miếu Châu Trần… gắn với đó là các lễ hội: Lễ hội Rước bánh giầy (mùng Ba) và Hội vật truyền thống (mùng Bốn) Tết Nguyên đán; Lễ hội thi thả diều truyền thống ngày 15 tháng Ba (âm lịch) hằng năm...
Là người nhiều năm phụ trách lĩnh vực văn hóa của xã Hồng Hà, công chức Nguyễn Khắc Mai cho biết, thú chơi diều và lễ hội thả diều của địa phương có từ bao giờ không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, sự tích kể lại, cách đây hàng nghìn năm, làng Bá Dương Nội là vùng bãi phù sa rộng lớn của sông Hồng.
Hằng ngày, nhân dân trong làng ra bãi trồng trọt; trẻ em ra bãi chăn trâu, cắt cỏ, mang theo cơm nắm, ngô, khoai để ăn trưa; chiều tối mới về làng. Khi đàn trâu ung dung gặm cỏ, lũ trẻ nằm trên thảm cỏ ngắm nhìn đàn chim trên bầu trời chao liệng và nghĩ ra trò chơi mới: Dùng tre vót uốn thành hình con chim đang bay, dùng giấy dán vào khung tre, dùng dây níu thăng bằng rồi thả bay lên trời. Để có thêm âm thanh, lũ trẻ dùng mảnh gỗ khoét miệng gắn vào hai bên ống tre làm sáo, buộc vào thân diều...
Theo các cụ kể lại, để biết diều của ai vừa đẹp, vừa bay cao, lũ trẻ nghĩ ra cách sau khi diều lên thì kéo về gò cao giữa bãi để dễ quan sát và “chấm” thi. Một ngôi miếu nhỏ bằng những chiếc que được chúng dựng lên để cầu mong cho diều thuận gió. Từ hôm dựng miếu, lũ trẻ mang gạo sang bãi nấu cơm chung. Trước khi ăn, chúng đều mang cơm vào miếu thắp hương khấn thần linh. Khi người lớn biết chuyện, ngăn cản, trời đã không nổi gió, diều thả không lên được. Lũ trẻ chán nản dắt trâu bò về làng sớm, trời lại nổi giông bão, ngôi miếu và cả trâu bò đều biến mất…
Dân làng cho rằng tâm nguyện của lũ trẻ đã cảm động đến thần linh, thổ địa ngự giá tại ngôi miếu nhỏ này nên quyết định cho dựng ngôi miếu trên nền miếu nhỏ. Ngày khánh thành miếu, dân làng mở hội thả diều, tế lễ, đánh trống cầu phong, cầu thổ thần trên bãi sông che chở, phù hộ cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Dân làng cũng quyết định lấy ngày Rằm tháng Ba âm lịch hằng năm là ngày lễ chính thờ thần linh Châu Thổ (còn gọi là miếu Châu Trần).
Khoảng năm 1950, khuôn viên khu vực ngôi miếu thờ thần linh Châu Thổ bị lở do thay đổi dòng chảy sông Hồng. Nhân dân trong làng họp bàn và quyết định di chuyển miếu thờ thần từ ngoài bãi vào trong làng như hiện nay.
... đến gìn giữ và phát huy giá trị di sản
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân làng Bá Dương Nội hôm nay vẫn hằng ngày bảo tồn, phát huy thú chơi diều và Lễ hội thi thả diều truyền thống mỗi dịp tháng Ba về. Đây là lễ hội thả diều độc đáo duy nhất trên cả nước.
Theo Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm - người được xem có “đôi tay vàng” làm ra những cánh diều lên cao mà không chao đảo, kết hợp những cây sáo đạt đến độ tinh tế ở làng Bá Dương Nội: Người dân làng Bá Dương Nội chơi diều quanh năm, chỉ cần thời tiết đẹp, có gió nhẹ, người chơi rảnh việc là mang diều ra đồng thả, nhưng vui nhất vẫn là được thả diều vào những chiều hè. Những “tay chơi” lão luyện thường chọn bầu trời đêm bởi khi đó, tiếng sáo diều mê hoặc hơn. Trong không gian tĩnh lặng, yên bình, tiếng sáo diều vi vu, trong trẻo... như trải lòng, như tâm tình, tự sự mà vô cùng phóng khoáng, đầy chất thơ...
Ở làng Bá Dương Nội, gần như ai cũng biết làm diều. Trẻ con làm những chiếc diều nhỏ xinh, người lớn thì làm những chiếc diều sải cánh hơn 2m. Với những con diều lớn, khi thả, cần một nhóm 2 đến 3 người để thay nhau giữ chắc dây diều, tránh bị bay mất… Tre làm diều thường là những cây tre già, tre gai có độ cứng, dẻo, bền đoạn được phơi khô, vót nhẵn. Cánh diều được người Bá Dương Nội ưa chuộng thường là diều cánh muỗm, cánh chanh, cánh mộc… Việc gài sáo vào diều cũng có bí quyết riêng, mỗi diều thường từ 1 đến 3 sáo. Nếu chơi “sáo một” thì sáo đó phải kêu to, hồi cực chuẩn mới nghe được; còn với “sáo đôi, sáo ba” (còn gọi là cặp "mẹ - con") thì các sáo phải hòa với nhau theo lối “mẹ gọi - con thưa” mới tạo được âm thanh hay. Không nên gắn nhiều sáo trên một diều bởi dễ tạo âm thanh hỗn độn, không tinh tế…
Tháng Ba năm nay đã về. Không khí chuẩn bị Hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội chộn rộn khắp các ngả đường. Cờ, hoa, pano, áp phích… được trang hoàng dọc tuyến đê hữu Hồng đoạn qua làng và tuyến đường Diều sáo (từ xóm Cổng Tây đến Nhà văn hóa cụm 4, xã Hồng Hà). Hơn 50 cánh diều được trang trí cách điệu đẹp mắt dọc tuyến đường, thu hút sự chú ý của mọi người. Một triển lãm các tác phẩm diều sáo, tranh, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về diều sáo cũng đang được sắp đặt, dự kiến khai mạc vào ngày 28-4 (tức ngày 9 tháng Ba âm lịch) tại miếu Châu Trần. Trong khuôn khổ lễ hội, địa phương cũng sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày sinh vật cảnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp làng nghề của địa phương; đêm văn nghệ chào mừng…
Về nội dung chính của hội thi thả diều, năm nay, Ban tổ chức mở rộng giải. Ngoài các chủ diều trong làng, còn có sự tham gia của các câu lạc bộ diều trong và ngoài thành phố. Theo truyền thống, những cánh diều dự thi dành cho người lớn trên 18 tuổi phải bảo đảm quy định khắt khe: Sải cánh dài 2,2m, đeo 1-3 sáo trở lên, diều lên cao và đứng im nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng có phần thi diều dành cho thiếu nhi - là những chiếc diều nhỏ, sinh động, đẹp mắt và lên cao…
Người dân làng Bá Dương Nội luôn tự hào khi duy trì được nét văn hóa đặc sắc của làng quê. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, lễ hội thi thả diều truyền thống của làng Bá Dương Nội góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là tiềm năng để địa phương phát triển thành sản phẩm văn hóa. Xã Hồng Hà và huyện Đan Phượng đang hoàn thiện hồ sơ trình các cấp công nhận Lễ hội thi thả diều truyền thống của làng Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.