Phụ nữ Thanh Oai “nói không” với rác thải nhựa
Sống đẹp - Ngày đăng : 06:56, 03/05/2023
Từ thói quen thành ý thức
Cuối năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Oai đã phát động chương trình phụ nữ “nói không” với túi ni lông khi đi chợ. Đến nay, Hội đã phát được hơn 10.000 làn nhựa, túi vải cho chị em đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông.
Trước đó, suốt hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Thúy (xã Cao Viên) luôn có thói quen, mỗi lần đi chợ đều mang về hàng chục chiếc túi ni lông đựng thịt, cá, rau... Thế nhưng, kể từ năm 2018, khi được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa với môi trường, chị đã thay đổi, chỉ sử dụng túi vải khi đi chợ. “Thịt, cá tươi sống, tôi cho vào hộp nhựa; đồ ăn nóng thì có cặp lồng, còn các loại thực phẩm khác để vào túi vải rất tiện lợi và sạch sẽ…”, chị Thúy nói.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cao Viên Đào Thị Năm, tháng 7-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập “Chi hội thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” với 21 thành viên. Tham gia chi hội, mỗi thành viên được tặng túi vải thân thiện môi trường và bộ hộp nhựa (bảo đảm quy chuẩn chất lượng) để đi chợ. Đồng thời, mỗi thành viên cần gương mẫu trong hoạt động hằng ngày, tuyên truyền đến hội viên và người dân cùng tham gia trong chiến dịch "nói không" với rác thải nhựa.
Trong các phong trào, mô hình nhằm thay đổi thói quen dùng túi ni lông, rác thải nhựa của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Oai, không thể không kể đến mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy màu xanh” của Hội Liên hiệp phụ nữ các xã: Cự Khê, Cao Viên, Dân Hòa, Bình Minh và thị trấn Kim Bài. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cự Khê Phạm Thị Thu cho hay, “công thức” quy đổi là 1kg lọ nhựa (hoặc giấy vụn, sắt vụn…) sẽ nhận được một chậu cây hoa, cây cảnh. Từ khi triển khai mô hình này, ý thức của hội viên phụ nữ, người dân đã thay đổi rất nhiều, họ đã bỏ thói quen cũ và hình thành thói quen mới.
Bà Nguyễn Thị Soi (xã Bích Hòa) phấn khởi cho biết, nhờ có phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, mà giờ đây, ở các khu vực công cộng đã giảm rác thải nhựa. Đặc biệt, khi đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, người dân thường đem trồng tại khu vực nhà văn hóa, không gian công cộng…, làm cho không gian thôn, xóm trở nên xanh, sạch hơn.
Cùng với các phong trào nêu trên, mô hình “Phân loại và xử lý rác tại hộ”, “Chợ văn minh, sạch - đẹp, an toàn” cũng đang được triển khai rộng rãi ở các cấp Hội trên địa bàn huyện.
Đa dạng các hoạt động
Cùng với các mô hình, phong trào truyền thống, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Oai còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, trao đổi thông tin bằng hình thức lập nhóm Zalo: “Hội phụ nữ tiêu dùng thông thái”, “Phụ nữ lựa chọn thực phẩm an toàn”, “Phụ nữ trồng rau sạch”… Nội dung truyền thông đều là những kiến thức về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, như: Cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thịt sạch, thực phẩm sạch; nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm; tác hại của túi ni lông, rác thải nhựa; phân loại rác tại nguồn… và đều có hình ảnh, video rất sinh động.
Hằng tháng, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đều tổ chức đánh giá công tác tổ chức thực hiện; các hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể trong hoạt động giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên và người dân trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Oai Nguyễn Thúy Mai cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ khối chợ, khu di tích lịch sử, nữ chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gương mẫu thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Đánh giá về các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng, các phong trào, mô hình đang được triển khai là hết sức thiết thực, sáng tạo, tiết kiệm, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Các cán bộ, đảng viên tích cực, đi đầu trong việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các hoạt động ở công sở cũng như đời sống gia đình và ở khu dân cư bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
“Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và các vật liệu bằng nhựa để cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình, xây dựng huyện Thanh Oai trở thành đô thị sinh thái, vành đai xanh của Thủ đô”, ông Bùi Văn Sáng đề nghị.