Lời chào cao hơn mâm cỗ
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 11:54, 11/05/2023
Tôi từng có nhiều năm sống tại chung cư ở Hà Nội, hiện giờ thì không nhưng vẫn có nhiều người thân sống tại chung cư. Để ý về lối sống hiện nay của cộng đồng cư dân trong các khu chung cư, có thể nhận xét khái quát rằng, nếu khu chung cư nào có hạ tầng kém, nước sạch kém, hệ thống tiêu thoát chất thải kém, không có thang máy... thì nơi đó sự va chạm nhiều hơn, mâu thuẫn nhiều hơn. Song, cũng có khi do “đụng chạm” nhiều mà cộng đồng ở đó gắn bó hơn, thân thiết với nhau, ấm áp tình người “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Nghĩa là họ luôn có nhau và giúp đỡ nhau khi cần thiết. Trái lại, ở các chung cư cao cấp, nơi thứ gì cũng đều tốt cả thì bầu không khí yên ả hơn nhưng lại thiếu hơi thở cuộc sống do ít “ra đụng vào chạm” nếu họ không cùng đi thang máy mỗi ngày...
Mới đây, tôi tới một chung cư cao cấp. Vào thang máy, tôi gặp một cháu nhỏ mà sau đó, theo lời mẹ cháu mới biết cháu chưa được 20 tháng tuổi. Thế rồi cháu rối rít “Ạ ông! Ạ bà!”, rất đáng yêu. Người trong thang máy đều cười vui, khen cháu còn bé thế mà lễ phép, rất ngoan... Cháu đang tập nói, hễ cứ là nam thì cháu "Ạ ông!", còn là nữ thì "Ạ bà!" do chưa phân biệt được rằng với người trẻ, già thì phải có câu chào khác nhau. Một phụ nữ được bé chào bữa đó cười rõ tươi đáp: “Con ạ, bác thôi nhé!”, bởi chị còn rất trẻ. Hình ảnh đứa trẻ trong thang máy hôm đó gián tiếp nhắc nhở rằng, chúng ta đang thiếu đi một khóe môi, một ánh mắt thân thiện hay lời chào hỏi mỗi khi đi thang máy.
Tôi kể lại câu chuyện trên vì muốn nói một điều, trong văn hóa ứng xử tại các khu chung cư hay tại công sở của chúng ta hiện đang thiếu đi lời chào xã giao khi bước vào thang máy. Người xưa đã dạy “lời chào cao hơn mâm cỗ” kia mà!
Có lẽ, theo tôi, cũng không nhất thiết phải chào thành lời, nhất là trong thời buổi dịch Covid-19 còn khó lường. Một cái gật đầu nhẹ nhàng cùng ánh mắt thân thiện, khóe miệng tươi tắn cũng đủ để thể hiện thái độ thân thiện, lịch thiệp, văn minh rồi.
Có dịp ra nước ngoài, tôi nhận thấy những cái gật đầu nhẹ cùng nét mặt thân thiện luôn bắt gặp trong thang máy, hành lang khách sạn, chung cư hoặc hành lang công sở khi người ta gặp nhau, dù không thân thiết. Điều này theo tôi là rất nên. Nó dễ tạo nên bầu không khí thân thiện, ấm áp. Ở Cộng hòa Nam Phi, vào năm mà quốc gia này chuẩn bị tổ chức World Cup 2010, tôi đã thấy cảnh những cô gái tươi tắn nhún nhảy, lắc người nhẹ nhàng trong thang máy, như thể vươn vai tập thể dục, ánh mắt thì tươi cười nhìn mọi người hết sức tự nhiên. Khi đó tôi đã rất ngạc nhiên. Nhưng khi có dịp hỏi lại bạn thì họ nói, đó là phong cách rất riêng, rất tự nhiên của những thiếu nữ nơi này...
Sẽ thật buồn khi người ta ở cùng chung một tầng nhà mà như thể không ai biết ai. Ngộ nhỡ có sự cố thì làm sao chúng ta thể giúp nhau như giúp người thân của mình đây? Và, tôi sực nhớ đến mấy câu thơ trong bài: “Mẹ ra Hà Nội” của nhà thơ Lê Đình Cánh viết vào khoảng giữa những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Nó thể hiện cốt cách người Việt chúng ta từ thôn quê ra phố qua hình ảnh một người mẹ lên Thủ đô thăm con. Nhà thơ viết: “Bà ra bế cháu của bà/ Những mong cùng ước lòng bà hôm mai/ Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”.
Hãy xem những việc nhỏ như chuyện chào hỏi nhau qua cử chỉ, ánh mắt mỗi người trong thang máy chung cư hoặc công sở vào mỗi buổi sáng đi làm và trở về nhà như một nếp sống có văn hóa. “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ” chính là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam chúng ta tự ngàn xưa, rất cần giữ lại.