Thú sưu tầm tem của người Hà Nội
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 12:41, 15/05/2023
Thú chơi tao nhã
Ở Hà Nội không thiếu những người sưu tầm tem nhưng để chỉ ra người tâm huyết với thú chơi này thì chắc chắn phải nói đến họa sĩ Phạm Hào. Ông chơi tem từ khi mới 12 tuổi, đến nay đã có khoảng 60 năm gắn bó với những con tem. Trong căn nhà nhỏ của ông, những quyển sưu tập tem là điểm nhấn đặc biệt. “Tôi đến với thú sưu tầm tem hết sức tình cờ. Cha tôi hướng dẫn tôi chơi tem để hạn chế những trò nghịch ngợm của trẻ con hồi đó... Có lẽ vì yêu những con tem nên tôi đã trở thành thầy giáo dạy mỹ thuật. Dạy học trong thời đất nước còn chiến tranh, thiếu thốn đủ bề, tôi đã dùng những con tem để minh họa cho bài giảng. Cứ thế, qua mỗi năm số lượng tem của tôi lại nhiều thêm. Hiện tôi đã lưu giữ được toàn bộ con tem của Việt Nam từ năm 1946 đến nay” - họa sĩ Phạm Hào tự hào kể.
Để tiện cho việc tìm kiếm, họa sĩ Phạm Hào đã cất giữ những con tem vào các tủ, hộp khác nhau và phân loại chúng theo năm hoặc theo chủ đề một cách khoa học. Ông đang nắm giữ những con tem rất quý hiếm, như 5 con tem phát hành năm 1946 hay bộ tem về nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi... “Việc sưu tầm tem không chỉ là sở thích mà còn là niềm đam mê với những câu chuyện cuốn hút gắn với con tem. Bộ tem nào cũng có giá trị và câu chuyện riêng của nó, như bộ tem về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam đã từng giành được Giải Vàng trong một triển lãm tem. Bộ tem này khắc họa đầy đủ các thời kỳ của Bác Hồ, từ khi sinh ra ở làng Sen, sau vào Huế, Phan Thiết dạy học rồi ra đi tìm đường cứu nước ở Bến Nhà Rồng” - ông nhấn mạnh.
Sôi nổi người bán, kẻ mua
Không chỉ là người sở hữu số lượng lớn tem, họa sĩ Phạm Hào còn sáng lập “chợ tem” trong quán cà phê ở số 160 phố Triệu Việt Vương (nay đã chuyển về số 129 phố Triệu Việt Vương) để giao lưu, chia sẻ với những người có cùng sở thích từ cách đây 21 năm. Mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, những người yêu tem lại tìm về quán cà phê quen thuộc để trao đổi, kể chuyện về nguồn gốc của những con tem cũng như tìm ra những nét độc đáo của bộ sưu tập mà mỗi người đang lưu giữ. Nếu như trước đây mỗi lần tụ họp có khoảng 40 - 50 người thì nay số lượng có giảm đi, còn khoảng 20 - 30 người.
“Nói quán cà phê này là “chợ tem” cũng đúng, bởi có người bán, kẻ mua. Nhưng khác với các loại chợ khác, mọi người đến đây chẳng cần vội vã. Thời đại công nghệ người ta có thể tìm kiếm những con tem trên mạng, nhưng người yêu tem vẫn muốn đến tận nơi để được tận mắt thấy con tem mà mình tìm kiếm bấy lâu nay. Đó chính là niềm hạnh phúc mà chẳng câu chữ nào có thể diễn tả được” - họa sĩ Phạm Hào bộc bạch.
Là người thường xuyên đến chợ tem ở phố Triệu Việt Vương, ông Đào Phi Long chia sẻ: “Người tham gia “họp chợ” đến từ Hà Nội và vùng phụ cận, làm đủ các nghề khác nhau nhưng đều có chung tình yêu với những con tem. Tùy sở thích mỗi người mà “chợ tem” có các nội dung khác nhau như 12 con giáp; cỏ, cây, hoa, lá; động vật; quốc tế; danh nhân... Có thể nói, sau một tuần làm việc mệt mỏi thì việc đến với chợ tem vào dịp cuối tuần giúp chúng tôi giải trí, tiếp thêm năng lượng cho tuần mới”.
Cũng là “người quen” ở chợ tem, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Chợ tem” ở phố Triệu Việt Vương đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người chơi tem Hà thành. Người đến chợ tem để gặp gỡ, trò chuyện nhiều hơn là mua bán. Tùy giá trị, độ hiếm của những con tem mà chúng tôi định giá cho chúng, từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Có giá cao nhất là những con tem vẫn được giữ nguyên trên phong bì có dấu gửi đi/ đến và địa chỉ người gửi. Đằng sau mỗi con tem nhỏ bé là giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Chính vì thế, những người chơi tem luôn tự hào coi album sưu tập của mình như món bảo vật vô giá”.
Họa sĩ vẽ tem, sưu tầm tem
Không tham gia “chợ tem” ở phố Triệu Việt Vương nhưng họa sĩ Hoàng Thúy Liệu là một người chơi tem đặc biệt. Từng công tác tại Công ty Tem Việt Nam (thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) nên ban đầu nữ họa sĩ chỉ nghĩ lưu giữ lại những con tem mà mình vẽ. Sau đó, vì quá yêu thích mà bà đã sưu tầm hàng nghìn bộ tem. Bà là chủ nhân của hơn 200 mẫu tem bưu chính, trong đó có những bộ tem quý, như bộ tem Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Cung đình Huế; Âu Cơ - Lạc Long Quân, Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhã nhạc cung đình Huế... Bà cũng đã giành nhiều giải thưởng về tem như Giải Ba cuộc thi thiết kế tem quốc gia Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn; Giải Ba cuộc thi thiết kế tem quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010); Giải bình chọn bộ tem nước ngoài đẹp nhất cho bộ tem Hoa Trà tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2004... Tình yêu với tem càng cháy bỏng khi vào năm 2015, bà cùng nhà sưu tầm tem Vũ Văn Tỵ tổ chức triển lãm “Câu chuyện của tem” tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền. Đây là triển lãm quy mô và thu hút đông đảo công chúng Thủ đô.
Về hưu đã hơn 10 năm, hiện nay, mỗi khi ngắm nhìn những con tem do mình vẽ ra là một bầu trời ký ức lại hiện về trong tâm trí của bà Hoàng Thúy Liệu. Đó là quãng thời gian làm việc đầy sôi nổi và tràn đầy đam mê. Bà Liệu chia sẻ, có những bộ tem đến với bà hết sức ngẫu nhiên, như trong đợt sang Hà Lan công tác, một người sưu tầm tem đã tặng bà những bộ tem quý của đất nước Hà Lan.
“Họa sĩ thiết kế tem cũng như người viết sử. Các sự kiện, các thời kỳ lịch sử đều được người họa sĩ thiết kế tem “nén” một cách độc đáo trong các con tem nhỏ bé. Tổng hợp các con tem lại ta sẽ có một bức tranh lịch sử sống động, rõ nét. Còn người sưu tầm tem như những người lưu giữ ký ức và tình yêu với lịch sử, với giá trị truyền thống của dân tộc, qua đó góp phần quảng bá văn hóa, nét chơi văn hóa xưa cũ cho dù công nghệ đang phát triển mạnh mẽ. Mỗi con tem là một câu chuyện văn hóa thể hiện vẻ đẹp của con người cũng như nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi thế, với tôi, thật hạnh phúc khi vừa là người vẽ tem vừa là người sưu tầm tem” - họa sĩ Hoàng Thúy Liệu bộc bạch.
Nhịp sống Hà Nội ngày càng nhộn nhịp, gấp gáp nhưng không vì thế mà mất đi những thú chơi tao nhã. Lưu giữ, sưu tầm và quảng bá những con tem cũng chính là nét đẹp văn hóa của người Tràng An. Và, đến với “chợ tem” Triệu Việt Vương cũng là một cách để cảm nhận lối sống chậm của người Hà Nội.