Cổ vật kể chuyện “Gốm cổ Bát Tràng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 14:45, 18/05/2023
Trưng bày Gốm cổ Bát Tràng kể câu chuyện lịch sử hình thành cùng hành trình hoàn thiện, phát triển nghệ thuật làm gốm của làng nghề cổ truyền trên đất Thăng Long - Hà Nội. Theo đó, trưng bày tổ chức thành 4 phần nội dung.
Cụ thể, trong phần Lịch sử hình thành, dựa trên kết quả khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu quanh khu vực làng cổ Bát Tràng, với những di tích, di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIX - XX, đặc biệt là các tầng văn hóa có niên đại thế kỷ IX - X và thế kỷ XIII - XIV, trong đó, số lượng lớn là các đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn.
Bảy thế kỷ làm nghề của làng gốm Bát Tràng tiếp tục được kể lại một cách sâu sắc tại các nội dung: Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV; Gốm Bát Tràng thế kỷ XV-XVIII và Gốm Bát Tràng thế kỷ XIX-XX, với những tác phẩm gốm tiêu biểu, được lựa chọn theo từng thời kỳ phát triển của làng.
Chẳng hạn Gốm cổ Bát Tràng thế kỷ XIV có đại diện là thạp hoa nâu đắp nổi hình rồng tô men nâu và vẽ men chàm mờ, đĩa hoa lam…, thể hiện giai đoạn sản xuất chủ yếu đồ dùng từ gốm men trắng, men ngọc, men nâu và "men tiền lam"; trong đó "men tiền lam" là dòng gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng. Từ một kỹ thuật thô sơ, “men tiền lam” nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời.
Thế kỷ XV-XVIII đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong đó đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam nói chung và Bát Tràng nói riêng phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Với xu thế chung, Bát Tràng trở thành trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hóa, với nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ, mỹ thuật cao thể hiện qua các sản phẩm nổi tiếng: Gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn...
Sự phát triển này kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII, khi những biến động lịch sử của quốc tế và trong nước khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam dần lụi tàn. Gốm Bát Tràng cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và đồ kiến trúc rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội.
Thế kỷ XIX-XX, bên cạnh các đề tài truyền thống, đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này còn xuất hiện các đề tài theo các điển tích "Ngư ông đắc lợi", "Tô Vũ chăn dê", "Tam quốc chí", "Bát tiên quá hải"… để chiều theo thị hiếu gốm sứ Trung Quốc của một bộ phần người dùng. Tuy nhiên, việc thể hiện các đề tài vẫn đạt được hiệu quả riêng biệt nhờ các thủ pháp truyền thống và tri thức sáng tạo của người thợ gốm Bát Tràng mà hiện vật tiêu biểu cho giai đoạn này là cặp đế chậu men rạn vẽ lam, đề tài Long Mã - Hà Đồ, Thần Quy - Lạc Thư; hũ men rạn vẽ lam, đề tài sơn thủy…
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Viết Đoàn, làng nghề gốm sứ Bát Tràng có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc. Bát Tràng cũng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống tồn tại và phát triển đến ngày nay. Gốm Bát Tràng đã trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.
“Thông qua trưng bày chuyên đề "Gốm cổ Bát Tràng", Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc”, ông Nguyễn Viết Đoàn bày tỏ.
Trưng bày kéo dài đến hết tháng 9-2023.