Văn Từ Thượng Phúc - Thường Tín: Lưu giữ, kết tinh truyền thống hiếu học quê hương
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 11:36, 04/06/2023
Di sản văn hóa mang nhiều ý nghĩa
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, khu vực Văn Từ Thượng Phúc lại tấp nập các bạn trẻ đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên hiền, ước nguyện thành công trong học hành thi cử.
Em Nguyễn Đức Phú, học sinh lớp 9G4 - Trường THCS Marie Curie Hà Nội cho biết, trước kỳ thi vào lớp 10 THPT, Phú được gia đình và thầy cô đưa đến Văn Từ Thượng Phúc dâng hương, được lắng nghe về cuộc đời của các bậc tiên hiền, qua đó giúp em có thêm động lực cố gắng hơn trong kỳ thi tới.
Cụ Nguyễn Viết Thắng - người được dân tiến cử trông nom Văn Từ Thượng Phúc cho biết, trước mỗi kỳ thi, học sinh Thủ đô và các tỉnh, thành phố thường về chùa Đậu và Văn Từ Thượng Phúc của huyện Thường Tín để dâng hoa, dâng hương với mong muốn đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi.
Huyện Thường Tín xưa có tên là Thượng Phúc, được mệnh danh là đất học - đất danh hương, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, nhiều nhà khoa bảng như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Lê Nguyên Kỷ… Theo một thống kê, đất này có 128 người đỗ đại khoa, trong đó, 2 người đỗ trạng nguyên, 3 người đỗ bảng nhãn, 2 người đỗ thám hoa.
Các tài liệu Viện Hán Nôm và hệ thống văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc cho thấy, Thường Tín là huyện có số lượng khoa bảng nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội.
Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ - người Nhị Khê xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An (nay thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695). Song hành việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ soạn văn, khắc lên bia đá 4 mặt chữ tên tuổi của 75 nhà khoa bảng. Nối tiếp truyền thống, thừa mệnh bản huyện cùng quan triều đình và quan viên qua các thời kỳ đó, Văn Từ Thượng Phúc được tu sửa, có thêm tòa nội đường từ vũ, tiền đường, khắc thêm phần bia ký của các bậc hiền tài tiếp theo.
Văn Từ Thượng Phúc có mái che rất đẹp và có người trông coi, nơi này cũng là trường học của huyện. Trong câu chuyện ngược dòng lịch sử, ông Nguyễn Duy Ngoạn nay 88 tuổi - người theo tế lễ nhiều năm tại Văn Từ kể lại: Khuôn viên Văn Từ nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút nên lễ hội thường vắng vẻ. Thêm nữa ở nơi đất thấp, cuối mùa thu hay lụt lội nên việc tế lễ thường không đúng kỳ. Đến năm Tân Mùi (1811), tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi. Năm Nhâm Thân (1812), Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc bàn tính, dời chuyển đồ thờ tự, văn bia… về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) rồi dựng lại khu Văn Từ tráng lệ, uy nghi hơn...
Gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học
Trải qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian, Văn Từ Thượng Phúc từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử của mảnh đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt, năm 2018, huyện Thường Tín tổ chức khảo sát, nghiên cứu về nguồn gốc Văn Từ, qua đó khẳng định rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa nơi đây.
Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, vốn coi văn hóa là gốc, là nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển, trong khi đó, Văn Từ Thượng Phúc bị xuống cấp, kiến trúc, quy mô nhỏ hẹp không xứng tầm là nơi tôn vinh giáo dục, truyền thống hiếu học của huyện nên Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XXIII (2015-2020) đã ra nghị quyết xã hội hóa việc “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”.
Dự án Văn Từ Thượng Phúc được hình thành, tổng diện tích 3.516m2, trong đó diện tích xây dựng công trình 622m2; cây xanh, thảm cỏ, mặt nước 1.433m2, đất giao thông 1.463m2. Các hạng mục công trình gồm: Nhà Văn Từ, nhà khách, nhà đón tiếp, hồ sen, sân vườn, tường rào và một số hạng mục khác... Ngày 24-11-2019, dự án được khởi công, sau hơn một năm thi công, công trình được đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư cho dự án là gần 50 tỷ đồng với 100% nguồn vốn xã hội hóa.
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, người dân Thường Tín chọn ngày mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm tổ chức Lễ hội khai bút tại Văn Từ Thượng Phúc.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết, Lễ hội khai bút và tôn vinh làng nghề truyền thống là tôn vinh truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đây cũng là dịp để tri ân các bậc tiền nhân có công truyền nghề; biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong gìn giữ, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, khẳng định vai trò của làng nghề truyền thống với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...
Việc khôi phục lại trung tâm thờ tự và tôn vinh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống hiện tại. Từng đoàn học sinh nối tiếp nhau đến Văn Từ Thượng Phúc dâng hương trong những ngày này là minh chứng hết sức cụ thể.
Ông Nguyễn Viết Thắng, người trông nom Văn Từ Thượng Phúc cho biết, học sinh về dâng hương mỗi dịp cận kề các kỳ thi đã trở thành hình ảnh quen thuộc, trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Trong dòng sĩ tử tìm về Văn Từ Thượng Phúc, có người thỏa ước nguyện và cũng có người tìm lối đi khác trên con đường lập thân, lập nghiệp nhưng ước vọng đỗ đạt của học trò và tấm lòng thành kính với các bậc tiên hiền, khát khao cống hiến trí lực cho sự phát triển của Thủ đô trong thời đại tri thức là rất đáng trân trọng.