Thành phố Ghent: Giữ gìn di sản, phát triển bền vững
Đô thị các nước - Ngày đăng : 11:10, 17/10/2022
Thành phố lịch sử
Ghent là thị trấn được hình thành vào thế kỷ X và phát triển nhanh chóng trong thế kỷ XII. Đến thế kỷ XIII, nó là một trong những thị trấn lớn nhất ở Bắc Âu. Sự thịnh vượng đáng kinh ngạc của nó dựa trên việc sản xuất vải. Những tấm vải xa xỉ của Ghent được làm từ len lông cừu Anh nổi tiếng khắp châu Âu cho đến thế kỷ XV. Sự giàu có đã mang lại cho Ghent quyền lực chính trị to lớn vào thời bấy giờ.
Tuy nhiên, kinh tế của Ghent bắt đầu suy giảm vào cuối thế kỷ XVI, sau nhiều biến cố chính trị. Ngành công nghiệp vải của Ghent gần như biến mất trong những thập niên sau đó vì không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất vải của Anh. Mãi đến thế kỷ XIX, hoạt động thương mại và công nghiệp của Ghent mới được hồi sinh với sự ra đời của máy kéo sợi bông, máy dệt điện cùng với việc xây dựng cảng và kênh đào Ghent-Terneuzen đến cửa sông Scheldt. Ghent sau đó đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dệt may của Bỉ và cũng là một cảng quan trọng của đất nước này. Các hoạt động kinh tế quan trọng khác của Ghent bao gồm lọc dầu, ngân hàng cũng như sản xuất giấy, hóa chất và máy móc nhẹ.
Lịch sử lâu đời đã để lại cho thành phố này nhiều di tích đặc biệt với mật độ dày đặc. Ghent đã lưu lại nhiều dấu vết của quá khứ hơn bất kỳ thị trấn cổ nào khác của Bỉ, có lẽ ngoại trừ Brugge. Phần lớn kiến trúc thời Trung cổ của thành phố vẫn còn nguyên vẹn và được bảo tồn, trùng tu rất tốt. Ở trung tâm thành phố là tháp chuông có từ thế kỷ XIV, cao khoảng 90m. Lâu đài của bá tước Flanders, Gravensteen, có từ năm 1180, là một trong những lâu đài có kiến trúc hùng vĩ nhất còn tồn tại ở châu Âu. Những tu viện có từ thời Trung cổ vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính, hệ thống bảo tàng lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật quý giá. Ngoài ra, Ghent nổi tiếng với các quảng trường công cộng và khu chợ lớn, trong đó nổi bật là Vrijdagmarkt (Chợ thứ Sáu)...
Phát triển kinh tế bền vững
Nền kinh tế vòng tròn hay kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) được coi là một xu thế trong phát triển kinh tế bền vững với điểm nổi bật là sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu chính và tối ưu hóa việc tái sử dụng chúng; các hoạt động kinh tế được lập kế hoạch và thực hiện theo hướng khép kín, cơ sở hạ tầng được thiết kế và xây dựng theo hướng tuyến tính để tránh lãng phí vật liệu. Những đặc điểm đó của nền kinh tế tạo tác động tích cực đến môi trường thông qua giảm phát thải vào bầu khí quyển, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và tài nguyên có thể tái chế, cũng như giảm sử dụng nguyên liệu thô, nước, đất đai và năng lượng.
Hiện nay, Ghent được xếp hạng là một trong 10 thành phố dẫn đầu châu Âu về phát triển kinh tế tuần hoàn. Thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ đổi mới bền vững và khởi nghiệp bền vững để đạt được các mục tiêu về khí hậu bằng cách giảm sử dụng vật liệu, đất đai, năng lượng, nước và thực phẩm vào năm 2030.
Nhiều năm trước, phần lớn các hoạt động của Ghent nằm trong khu vực phố cũ Old Dockyards. Tuy nhiên, hoạt động dần chuyển sang các thành phố mới khiến khu vực lân cận của Old Dockyards rơi vào cảnh đìu hiu. Mọi thứ bắt đầu thay đổi nhờ dự án nhà ở Old Dockyards do EU tài trợ, biến khu phố cũ thành một khu phố sôi động hoàn toàn mới. Dự án đã giúp Ghent giải quyết tình trạng thiếu nhà thông qua việc cung cấp khoảng 1.500 nhà ở mới cùng với một loạt cửa hàng bán lẻ, các khu vực giải trí, cơ sở giáo dục... Toàn bộ khu vực này được kết nối với trung tâm thành phố thông qua mạng lưới giao thông công cộng, cầu dành cho xe đạp và người đi bộ.
Thành phố cũng phát triển các mô hình kinh doanh mới. Mọi người có thể trải nghiệm nền kinh tế vòng tròn thông qua sự hiện diện của các tòa nhà tạm thời được xây dựng bằng vật liệu tái chế, lối đi có hướng dẫn viên, “quán cà phê đối thoại vòng tròn” cũng như các cuộc triển lãm ngắn hạn... Dự án cho thấy tầm quan trọng của hợp tác công - tư (PPP) có sự tham gia của cộng đồng để đạt được một mô hình kinh doanh bền vững.
Trong nhiều năm, Ghent đã cam kết bảo vệ môi trường với các sáng kiến khác nhau và đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu như: Thủ đô ăn chay của châu Âu (từ năm 2009), Khu vực dành cho người đi bộ có mật độ giao thông thấp nhất ở châu Âu (từ năm 2017). Ở Ghent, tính bền vững không chỉ là một từ thông dụng, nó là một lời kêu gọi hành động hiệu quả.