Người mang ''ánh sáng xanh'' về làng
Lối sống - Ngày đăng : 10:25, 16/06/2023
Để góp phần xây dựng vùng quê văn minh, sạch đẹp, anh đã ủng hộ địa phương hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, tạo nên sự đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn mới.
Làng quê thêm đổi thay nhờ ánh điện
21h30 phút, sân bóng xóm Đồng Mạt, thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn vẫn sáng đèn. Chừng 20 chị em ở thôn vừa kết thúc trận bóng chuyền hơi. Ngồi nghỉ ráo mồ hôi để trở về nhà, chị Phan Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đa Phúc nói: “Ngày nào chúng tôi cũng ra đây chơi bóng từ 19h30 - 21h30. Trước đây, chúng tôi thường chơi bóng vào buổi chiều nhưng do nhiều người bận việc đồng áng, buôn bán kinh doanh, việc nhà nên cũng không quá sôi động. Từ khi sân Đồng Mạt có đèn chiếu sáng, số người tham gia đông hơn đáng kể. Hiện ở thôn Đa Phúc có 2 đội bóng chuyền hơi nữ chơi tại sân nhà văn hóa thôn và sân xóm Đồng Mạt. Ngoài ra, chị em còn tập dân vũ và các hoạt động văn nghệ khác”.
Chuyện người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao đông hơn cùng rất nhiều hoạt động văn hóa tinh thần nâng lên khởi nguồn từ khi xã Sài Sơn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời - do anh Phạm Quang Minh hỗ trợ.
Anh Minh tâm sự: “Gia đình tôi sống ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa). Từ năm 2019, tôi mua thêm một mảnh đất ở thôn Đa Phúc để làm ngôi nhà thứ hai và thường về đó nghỉ ngơi mỗi dịp cuối tuần. Khi mới chuyển về quê, tôi thấy Sài Sơn vẫn chưa có hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ. Buổi tối, vì thiếu ánh điện nên các tuyến đường đều tối, hoạt động sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng. Từ đây, tôi mong muốn hỗ trợ người dân lắp đặt đồng bộ hệ thống chiếu sáng từ năng lượng mặt trời” - anh Minh nói.
Ban đầu, khi anh Minh nói ý tưởng, nhiều người dân hoài nghi, không tin điều đó sẽ trở thành hiện thực. Anh đã đề xuất chính quyền địa phương về dự định của bản thân và đã được hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện. Các điểm được ưu tiên lắp đặt trước là đình, chùa, miếu, nghĩa trang liệt sĩ, sau đó đến nhà văn hóa thôn và các tuyến đường giao thông ở thôn Đa Phúc. Từ khi có điện, làng quê sáng hơn, văn minh hơn, tình hình an ninh trật tự vào ban đêm được bảo đảm. Nhân dân rất phấn khởi, buổi tối năng đi dạo bộ, tập thể dục và tham gia sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa...
Thấy hiệu quả và được nhân dân ủng hộ, khích lệ, anh Minh tiếp tục nhân rộng việc này ra cả 6 thôn của xã, như Sài Khê, Phúc Đức, Khánh Tân... Đến hết năm 2022, gia đình anh Minh đã ủng hộ thiết bị, vật tư gồm cột đèn và bóng đèn năng lượng mặt trời cùng toàn bộ chi phí thuê nhân công lắp đặt 250 bóng đèn với số tiền 375 triệu đồng.
Tiếp tục hỗ trợ khi có điều kiện
Ngoài hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời thắp sáng làng quê, anh Phạm Quang Minh còn hỗ trợ quần áo, trang phục biểu diễn và dụng cụ thể thao cho các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao của thôn Đa Phúc. Đến nay, Đa Phúc là một trong những thôn có đời sống vật chất và tinh thần phát triển nhất nhì xã Sài Sơn. Cả thôn hiện có 5 đội bóng chuyền hơi, 2 đội văn nghệ. Bản thân anh Minh cũng trở thành một thành viên tích cực trong đội bóng chuyền hơi của thôn Đa Phúc.
Tự nhận bản thân không phải là người giàu có nhưng anh Minh luôn tâm niệm có đến đâu sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Sài Sơn đến đó. “Hiện tại, tôi tiếp tục hỗ trợ lắp đặt thêm bóng đèn tại các vị trí còn thiếu và hỗ trợ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp một phần nhỏ bé để làng quê phát triển” - anh Minh nói. Sâu xa hơn, anh Minh mong muốn người dân Sài Sơn phát huy lợi thế để phát triển du lịch.
Ngoài di tích danh thắng chùa Thầy, Sài Sơn còn là vùng quê cách mạng với các xóm làng trù phú, con người hiền hòa, chất phác, tình cảm. Xã cũng có vùng bãi ven sông Đáy rộng lớn mà nhân dân đang trồng rất nhiều cây ăn quả; lại có sản vật ngon do bàn tay khéo léo của người làng làm ra như bánh gio, bánh gai, bánh tẻ, chè lam... Đó là tiềm năng đáng kể để Sài Sơn phát triển du lịch nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Tuy vậy, trên thực tế, các hộ dân ở Sài Sơn vẫn chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển kinh tế.
“Hiện tôi có cửa hàng cho thuê xe máy trên phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy). Khách thuê xe đa phần là người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Họ thuê xe theo tháng hoặc theo ngày để làm việc và đi du lịch. Tôi đã giới thiệu, hướng dẫn cho nhiều khách của mình đến tham quan tại Sài Sơn, và mong muốn tiếp tục được làm công việc này một cách bài bản hơn với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương... nhằm quảng bá du lịch địa phương” - Anh Minh chia sẻ.
Nhận xét về đóng góp của anh Phạm Quang Minh đối với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sài Sơn Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Ngân sách địa phương còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên việc huy động xã hội hóa chưa nhiều. Chính vì vậy, hệ thống chiếu sáng mới chỉ được thực hiện ở các trục chính bằng điện lưới. Nhiều tuyến đường ngõ xóm, khuôn viên nhiều điểm công cộng, cơ sở thờ tự chưa có hệ thống chiếu sáng... Từ năm 2020, anh Minh đã ủng hộ địa phương hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, giúp Sài Sơn đẹp hơn mỗi ngày, góp phần đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao mà địa phương đang hướng tới.
Mùa hè 2023, khi tình trạng thiếu điện diễn ra ở nhiều nơi, Sài Sơn cũng như nhiều địa phương khác có lúc phải cắt điện luân phiên thì những chiếc đèn sử dụng năng lượng mặt trời càng phát huy giá trị. Đó là “ánh sáng xanh” bảo vệ môi trường, giúp tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền của cho xã hội.