Quận Ba Đình: Chú trọng phát huy giá trị di sản
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:29, 19/06/2023
Toàn quận Ba Đình hiện có 74 di tích gồm 52 di tích lịch sử văn hóa, 22 di tích cách mạng kháng chiến, trong đó nổi bật là di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, hai di tích quốc gia đặc biệt trong “Tứ trấn Thăng Long” là đền Quán Thánh và Voi Phục... cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều làng nghề cổ. Quận Ba Đình cũng là vùng đất lịch sử - văn hóa với bản sắc văn hóa riêng có của Thập Tam Trại đã tồn tại 980 năm cùng lịch sử dân tộc; mỗi năm có 54 lễ hội truyền thống được tổ chức là những ngày hội của nhân dân trong vùng.
Từ lợi thế di sản văn hóa dồi dào, phong phú, để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn, kết nối di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, UBND quận Ba Đình xác định quan điểm xuyên suốt là bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, quận tập trung khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng thành 2 điểm đến về du lịch trên địa bàn; đồng thời nghiên cứu, đánh giá khả năng phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch của 2 di tích, từ đó quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện để công nhận là điểm đến theo quy định của Luật Du lịch. “Quận cũng ưu tiên phối hợp xây dựng kết nối các di tích “Thăng Long Tứ trấn”: Đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục để tạo thành tuyến, tour du lịch tâm linh của Thủ đô Hà Nội”, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình nói.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, quận xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh có chất lượng, kết nối các điểm di sản tiềm năng, thế mạnh trên trục di tích lịch sử, làng nghề truyền thống quận Ba Đình và quanh hồ Tây. Quận cũng nghiên cứu tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu di sản văn hóa liên quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên để quảng bá, phát huy giá trị văn hóa di sản thành phố Hà Nội.
Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến, bà Phạm Thị Diễm cho biết thêm, quận cũng xây dựng chiến lược về sản phẩm, tạo sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan di tích; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa.
Là một trong những địa bàn có nhiều di sản, lễ hội văn hóa của quận Ba Đình, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà Nguyễn Văn Tú cho hay, bên cạnh việc tổ chức lễ hội đặc biệt, tương xứng với vị thế các di tích được xếp hạng, phường cũng tổ chức thực hành di sản với sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương. “Cộng đồng dân cư sẽ là lớp người thực hành, gìn giữ, bảo tồn và trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống”, ông Nguyễn Văn Tú chia sẻ.
Nhằm giáo dục các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, quận sẽ tiếp tục đổi mới hình thức giảng dạy lịch sử địa phương trong chương trình chính khóa; chú trọng giới thiệu 2 di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục, giới thiệu về văn hóa và sự phát triển lớn mạnh của vùng đất Thập Tam Trại; tổ chức các cuộc thi theo hình thức sân khấu hóa để học sinh dễ nhớ. Bên cạnh đó, quận cũng đào tạo giáo viên các trường thuộc quận nắm chắc kiến thức lịch sử quận Ba Đình; xây dựng khung chương trình giảng dạy lý thuyết kết hợp tham quan học tập thực tế cho học sinh các cấp về cụm di tích lịch sử “Thăng Long Tứ trấn”...