Hà Nội 360

“Chả xinh cũng gái xứ Đoài”

Nguyễn Ngọc Tiến {Ngày xuất bản}

Sơn Tây là vùng đất cổ, xưa gọi là xứ Đoài, nơi đây là địa bàn cư trú chính của bộ tộc Văn Lang, nơi phát tích nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Sơn Tây là nơi tụ cư của người Mường hạ sơn, còn người Việt ở đồng bằng thì tiến sát chân núi. Hai tộc người cổ này hợp huyết nên con trai thì đẹp, còn con gái thì xinh.

638226752436165334-z3086162.jpg
Hình ảnh người phụ nữ Sơn Tây bên giếng làng. Ảnh: Nina May

Qua ca dao, hình ảnh con gái Sơn Tây tần tảo, đảm đang: “Mẹ em buôn chỉ bán tơ/ Bán đỉnh sóng Bờ bán ngọn sông Thao”. Vì chồng, các cô liều lĩnh: “Cha đời con gái xứ Đoài/ Ăn trộm tiền mẹ mua khoai cho chồng”. Nhưng ghen thì không nơi nào như con gái Sơn Tây: “Em ơi, chị bảo em này/ Nhất mặn là muối, nhất cay là gừng/ Nhất cao là núi Ba từng (Ba Vì)/ Chị còn đạp đổ nữa rừng cỏ may”.

Phụ nữ Sơn Tây khéo chiều chồng, dạy con. Hiện ở xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) có hai di tích đặc biệt nằm gần nhau là miếu Mèn và mả Dạ. “Mèn”, tiếng Việt cổ có nghĩa là “mẹ”, còn “Dạ” chỉ bậc lão bà được kính trọng. Miếu Mèn thờ bà Man Thiện và mả Dạ là lăng mộ bà Man Thiện. Theo truyền thuyết, bà Man Thiện là mẹ của Trưng Trắc, Trưng Nhị, hai lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đông Hán thế kỷ đầu Công nguyên. Trên cột gỗ ở miếu Mèn có đôi câu đối: “Kiếm cung song mỹ quang từ phạm/ Trở đậu thiên thu hữu lệnh danh” (Hai gái giỏi kiếm cung, rạng rỡ công đức mẹ/ Nghìn năm dân thờ phụng, lưu tiếng bậc tài danh).

Đất Sơn Tây còn một nữ anh hùng, là một nữ tướng của Hai Bà Trưng tên là Phùng Thị Chính. Đến tuổi trưởng thành, Phùng Thị Chính xinh đẹp và kết hôn với Đinh Lượng, người ở trang Thanh Lãm (nay là làng Thanh Lãm, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai), là cháu và cũng là một trong những bộ tướng của Thi Sách. Trước sự tàn bạo của Tô Định - Thái thú Giao Chỉ, Thi Sách cùng cháu là Đinh Lượng bí mật chuẩn bị lực lượng nổi dậy nhưng không may bị bại lộ.

Vì lực lượng yếu hơn nên Thi Sách và các thuộc tướng chống không nổi, đều bị giặc giết, trong đó có Đinh Lượng. Lúc này, Phùng Thị Chính đang bụng mang dạ chửa, nghe tin dữ liền đến xin với bà Trưng Trắc đi đánh giặc để báo thù cho chồng. Khuyên ngăn không được, cuối cùng Trưng Trắc đành phải chiều lòng, phong cho Phùng Thị Chính chức Trưởng Nội thị Tướng quân, dẫn quân tiên phong trực tiếp giao tranh với giặc.

Đang lúc chiến đấu quyết liệt thì bất ngờ Phùng Thị Chính trở dạ, sinh một bé trai ngay giữa chiến trường, và bà đã tự cắt rốn, xé áo bào bọc con, lấy dây lưng buộc con trước bụng, một tay giữ hài nhi, tay kia cầm gươm lên ngựa, xông vào trận đốc thúc nghĩa binh tiến lên. Trận đánh thắng lợi. Trưng Trắc lên ngôi vua đã phong Phùng Thị Chính làm Trưởng Nội các Ðông phương, Tả cung Thị nội tướng quân, Tướng phó thống lĩnh Tế tác.

Thế nhưng, không rõ từ bao giờ lại xuất hiện bài thơ “nói xấu” con gái xứ này: “Con gái Sơn Tây, yếm thủng tầy giần/ Răng đen hạt mít chân đi cù nèo/ Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào/ Xù xì da cóc hắc lào tứ tung/ Trên đầu chấy rụng như sung/ Rốn lồi quả quít, má hồng chôn niêu/ Cô nghĩ mình ái ố mỹ miều...”.

Không những xấu người, các cô còn lười biếng: “Giã gạo vú chấm đầu chầy/ Xay thóc cả ngày được một đấu ba”. Và cũng rất tham ăn: “Bánh đúc cô lẩm hết nồi ba/ Mía re cô chiết hết vài trăm cây”. Bài thơ loang ra khiến con gái Sơn Tây bực tức nhưng không biết ai đã ác ý nói xấu các cô. Thế nhưng có một vị quan trẻ ở huyện Quốc Oai đã đi tìm nguyên nhân.

Sơn Tây xưa có tục cưới chịu. Khi hai bên gia đình đã đồng ý, nhà gái sẽ thách lễ vật và tiền mặt. Nếu nhà trai không đáp ứng đủ, nhà gái cho nợ và vẫn cho đón dâu. Đến hẹn, nhà trai không trả thì nhà gái sẽ cử người đến đòi, coi đó là món nợ thông thường. Đây là tục nhân văn để trai nghèo cũng cưới được vợ. Tuy nhiên, nhà trai không trả món nợ đó thì nhà gái có quyền bắt con gái về nhà. Thực tế, có không ít trường hợp vì không có tiền trả nhà gái nên nhiều thanh niên đã mất vợ. Những người này ức quá nên nghĩ ra thơ nói xấu, để trả thù mà cũng là rao riễu với thiên hạ rằng con gái Sơn Tây là thế đấy. Bài thơ được thêm mắm, thêm muối và dần lan rộng ra khắp vùng.

Để minh oan cho con gái Sơn Tây, vị quan này đã làm bài thơ: “Chả xinh cũng gái xứ Đoài/ Mà thiên hạ nói ngang tai mếch lòng/ Đầu dâu có mấy chùm sung/ Mà đâu lại có má hồng chôn niêu/ Ghét nhau thù dệt trăm chiều/ Chuột chù tổ cú toàn điều chua ngoa/ Da da cóc, rận ba ba/ Nhót răng, quít rốn lại là nói không.,.”. Và ông kết thúc bài thơ bằng 2 câu: “Đèn giời soi xét một hai/ Kẻo nghe miệng thế rộng dài oan em”.

Nguyễn Ngọc Tiến