Ngày xuân, dạo qua nhà cổ ở ngoại thành Hà Nội
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 11:05, 02/02/2023
Hiện, ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) còn nhiều ngôi nhà cổ lưu giữ lối kiến trúc xưa, từ 3 đến 5 gian kế nhau, phía trước là khoảng sân rộng lát gạch, khuôn viên hai bên hông men theo lối nhỏ từ cổng vào nhà. Như nhiều mùa xuân trước, xuân này, ngôi nhà cổ thuộc dòng họ Nghiêm Xuân ở phường Tây Mỗ là chốn trở về của con cháu dù công tác bất kỳ nơi nào.
Trông nom, sinh sống trong ngôi nhà cổ này quá nửa đời người, bà Hoàng Thị Yên, con dâu trưởng của dòng họ Nghiêm Xuân luôn giữ nếp nhà, bà tâm sự: "Làm dâu trưởng, nhận nhiệm vụ giữ nếp nhà, giữ hơi ấm cho ngôi nhà cổ bề thế này với bà không phải là áp lực mà là niềm tự hào của bà và các con. Dưới nếp nhà cổ, các con bà khôn lớn, trưởng thành. Giờ đây, ai cũng có công danh, sự nghiệp và nếp nhà riêng của mình nhưng ngôi nhà của dòng họ nơi bà trông nom vẫn là chốn linh thiêng, là nơi con cháu sum họp mỗi khi Tết đến, xuân về...".
Chăm sóc cây hoa trà rực rỡ giữa xuân mới, bà Yên kể: Khu nhà thờ của dòng họ Nghiêm Xuân đã đi qua 2 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, rêu phong. Từng mái ngói, viên gạch, vật dụng trong nhà đều vẹn nguyên như thuở ban đầu. Nhà cổ của dòng họ Nghiêm Xuân gồm có 2 khu vực là từ đường và khu nhà phụ. Nhà từ đường kiến trúc 8 mái, 3 gian, 1 gian chính giữa và 2 gian kế bên đối xứng, được xây dựng theo lối nhà cổ truyền thống của Bắc Bộ. Bên trong có bức thiều châu dát vàng, hai bia đá chữ Hán Nôm lưu danh người đỗ đạt của dòng họ cùng rất nhiều binh khí cổ.
Hiện, trong nhà vẫn giữ được bút tích chữ Nho ghi trên khảm trai và nhiều đồ cổ giá trị khác. Đối diện từ đường còn có khu nhà phụ 5 gian, là nơi sinh hoạt, ăn ở của con cháu trong gia đình. Về làm dâu nhà họ Nghiêm Xuân mấy chục năm, mùa xuân luôn là mùa đẹp nhất năm, bởi con cháu, người thân dù ở đâu cũng nhớ trở về ăn bữa cơm đoàn viên, người về trước Tết, người bận công tác phải tới rằm tháng Giêng mới về... và ngôi nhà cổ luôn là gạch nối cho những ân tình ấm áp.
Tương tự, huyện Thanh Oai cũng là một trong những địa phương lưu giữ nhiều nhà cổ ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, làng Ước Lễ, xã Tân Ước… Chị Trang Thị Thùy Vân - người con làng Ước Lễ chia sẻ, dù cuộc sống hiện đại ra sao nhưng đi sâu vào làng, qua từng con ngõ, nhiều gia đình tại Ước Lễ còn lưu giữ khá nhiều công trình nhà cổ, cổng cổ có niên đại trên dưới 100 năm.
Tuy khuôn viên nhà đã thay đổi nhưng người dân vẫn giữ nếp nhà cổ như một phần nét văn hóa của cha ông. Những bức tường gạch hằn đậm dấu ấn thời gian mang lại sự thân thuộc, cổ xưa là hình ảnh không khó bắt gặp khi di chuyển quanh làng Ước Lễ. Bên những bức tường bê tông với lớp sơn hiện đại, những bức tường gạch cổ khiêm nhường với vẻ đẹp cổ kính trên nẻo đường làng. Hẳn là bên trong mỗi nếp nhà cổ là sự đoàn viên của đại gia đình...
Mùa xuân này trong không gian của ngôi nhà cổ, ông Trang Công Vị ở thôn Ước Lễ, xã Tân Ước cùng con cháu đón một mùa xuân đoàn viên ấm cúng. Đối với người Ước Lễ “Tết bù” vào ngày rằm tháng Giêng mới chính thức là Tết. Phong tục này xuất phát từ việc dân làng thường bận làm giò, chả phục vụ nhu cầu ăn Tết của người dân khắp nơi nên không thể chuẩn bị Tết Nguyên đán chu đáo, vì thế, rằm tháng Giêng mới là dịp các gia đình ở Ước Lễ quây quần ăn “Tết bù”.
"Từ những ngôi nhà cổ này, ngày ngày người dân tất bật, bươn chải mưu sinh khắp chốn... để rồi sau những ngày làm ăn vất vả, mọi người trở về, ngắm mùa xuân qua vườn nhà, qua những con ngõ nhỏ bình yên, thấy cuộc sống thanh bình hơn, tiếp sức cho người Ước Lễ đi muôn nơi làm nghề, thành đạt...", ông Vị chia sẻ. Theo như ông Vị, đời sống nay hiện đại hơn, tiện nghi hơn, việc đi lại giữa Tân Ước với nội thành hay các tỉnh không còn khó khăn nên người làng Ước Lễ dù làm ăn nơi đâu thì cứ xuân đến, họ lại về ngắm quê, ngắm những ngôi nhà cổ của cha ông để thêm tự hào về dòng tộc, quê hương...