Con nước mùa xưa
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 10:55, 28/02/2023
Ấy là những ngày tháng Giêng, khi mảnh trăng khuyết dần đầy trên khung trời, sương đêm ướt rượt và hơi lạnh thấm vào da thịt. Tôi định trở dậy theo chân mẹ, mẹ bảo: “Ở nhà ngủ tiếp, mình mẹ đi cũng được rồi”. Chỉ mới nghe mẹ nói như vậy, hai mi mắt tôi đã rơi xuống, rồi toàn thân lại chìm vào một cõi miên man. Loáng thoáng đâu đó tiếng người gọi nhau ngoài đầu ngõ, tiếng gió u u thổi, tiếng con nước tràn về oàm oạp trên cánh đồng mênh mông...
Khi tôi mở mắt thì trời đã sáng bảnh. Có con gà trống choai học đòi, bấy giờ mới te te gáy. Gió đung đưa mấy chùm tầm xuân trước sân. Những cánh hồng mỏng manh yểu điệu khoe sắc hương. Luống mạ mẹ gieo ở góc sân xanh mỡ màng. Màu non tơ ánh lên trong sớm mai thanh bình. Những chiếc lá xôn xao trong bài hoan ca, về sự nảy mầm và lớn lên. Một vài ngày nữa thôi, chúng lại sẽ ra đồng, tiếp tục vòng đời của mình trên đất đai màu mỡ và sinh sôi.
***
Bà lúi húi nhóm lửa. Củi ướt, khói loang ra khắp cả gian bếp, giắt vào mái, nồng và đặc quánh. Mưa mỗi lúc một mau. Bà không ngừng ca thán về thời tiết, về cái lưng đau hành hạ bà. Rồi bà ho, sòng sọc, cả tràng dài như người ta rít điếu cày. Tôi vội xoa lưng cho bà. Hết cơn ho, bà ngồi thở từng hơi nặng nhọc.
Mẹ về, chân bê bết bùn. Mẹ bỏ nón và áo tơi xuống, rũ rũ rồi treo lên cái móc gần cửa bếp, thở dài nói: “Chỗ mạ vừa cấy hôm trước chết hết cả rồi. Kiểu này phải đi xin thêm mạ giặm lại. Rét thế này, người còn chả chịu được, huống chi là lúa”.
Tôi nhìn mẹ ngẩn ngơ ngồi ở cửa bếp. Gió lạnh từng cơn thốc vào mặt mà mẹ cứ trơ ra. Tôi giục mẹ vào trong bếp sưởi ấm nhưng mẹ dường như không nghe thấy. Mẹ nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt, như thể, nếu cứ nhìn thế mãi thì những cây lúa của mẹ sẽ hồi sinh.
Những ngày sau đó, mẹ đi khắp làng trên xóm dưới xin thêm mạ. Nhưng hầu như mạ nhà ai cũng chết nên số mạ mẹ xin được chả bõ bèn gì.
Tôi theo mẹ ra đồng. Cánh đồng ngằn ngặt gió. Những nhánh mạ non cố ngoi lên trong giá rét. Chân tôi sục dưới bùn nâu, những mong tìm được chút hơi ấm nào đó từ đất mẹ. Nhưng đôi chân buốt nhói. Nước đục mờ loang loáng và lạnh ngắt dưới chân tôi.
***
Anh là người đàn ông duy nhất của gia đình, sau khi cha tôi mất đi. Nhưng mấy năm rồi, anh vào Nam làm ăn mà không về, kể cả giỗ tết.
Vậy là ba người đàn bà chúng tôi quen dần với việc không có đàn ông ở trong nhà. Từ việc đồng áng, gồng gánh cày bừa đến việc sửa chữa nhà cửa dột nát, đồ đạc hỏng hóc, mẹ con tôi cố gắng làm cho bằng được. Người ta nói, yếu trâu còn hơn khỏe bò, nhưng không có trâu thì bò vẫn kéo cày và làm hết tất cả các công việc của trâu. Có người còn bảo mẹ tôi rằng cắm thêm hai cái sừng nữa vào thì thành con trâu. Thì cũng biết làm sao. Làm kiếp trâu hay làm gì đi nữa mà lo được ngày ba bữa cơm cho bà cháu tôi thì mẹ cũng làm. Bà tôi đau yếu liên miên, tôi thì còn nhỏ, sức vóc không có là bao, nhiều khi cố giúp mẹ mà mẹ bảo chỉ tổ thêm vướng chân. Thế nên tôi chỉ biết nhìn mẹ lầm lụi với bao công việc, có tên và không tên.
Thỉnh thoảng, anh gọi điện về, hỏi thăm qua loa rồi cúp máy. Tôi không biết tình hình của anh giờ có khấm khá hơn không. Chỉ biết, bấy nhiêu năm trời, anh đi xa, có một lần duy nhất gửi tiền về vào dịp giỗ cha và gửi thuốc đau lưng cho bà xoa bóp.
Nhưng đợt này, anh thường xuyên gọi điện về. Anh còn gửi quà cho bà, cho mẹ và cả tôi nữa. Anh tặng tôi chiếc cặp sách và dặn gắng học hành chăm chỉ, chứ thất học như anh, khổ lắm! Tôi ngậm ngùi, rưng rưng. Rồi anh hỏi mẹ về dự án mở đường qua cánh đồng làng tôi, anh bảo nghe đâu sắp triển khai rồi. Mẹ bảo cũng nghe loáng thoáng vậy nhưng có biết cụ thể ngô khoai ra thế nào đâu. Dự án thì có gần chục năm rồi, khi tôi còn bé xíu đã thấy mọi người chỉ trỏ rằng sẽ có một con đường lớn trải dài xuyên qua cánh đồng lúa này, nối ngôi làng nghèo nàn của chúng tôi với thị xã sầm uất. Ai cũng háo hức chờ đến ngày đó.
Nhưng rồi chuyện con đường cũng lắng lại. Như bao nhiêu chuyện nổi như cồn rồi lại mau chóng lắng xuống để nhường chỗ cho những tẹp nhẹp toan tính đời thường. Cánh đồng vẫn úp mặt vào đất nâu ngàn đời, chắt chiu những mầm sống cho mỗi mùa vụ lúa khoai.
Thế mà hôm nay, khi vừa trải qua những cơn giá rét, khi những thân lúa được hồi sinh, khẽ vươn lên đón chút gió nồm hây hẩy thì câu chuyện về con đường lại ùa về. Đem theo những hy vọng ngấm ngầm. Cả những tiếc nuối xôn xao. Và cay cú cho những ai không thuộc diện được đền bù. Ai cũng phấp phỏng đợi chờ. Có lẽ từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ lại có một việc hệ trọng với làng như thế.
***
Chẳng mấy chốc mà lúa đã vàng rực cánh đồng. Những bông lúa gục đầu ủ rũ vì chưa có người thu hoạch. Mọi người còn bận họp về chuyện con đường. Họp lên họp xuống đã bao lần, từ khi lúa còn non, đến khi lúa trổ vàng thì câu chuyện về đền bù mới ngã ngũ.
Mẹ về, khuôn mặt đăm chiêu. Ký rồi, chốt rồi. Giọng mẹ run run như đánh mất một cái gì quá lớn. Mẹ giở tờ giấy có đóng dấu đỏ chót đưa cho bà cháu tôi xem. Mắt tôi hoa lên, ba trăm triệu, một số tiền khổng lồ đối với những người dân quê như chúng tôi. Nhưng tiếng reo của tôi ngay lập tức rơi vào thinh không bởi cả mẹ và bà đều lặng lẽ thở dài. Lúc ấy, tôi chỉ mới sung sướng về số tiền trước mắt mà đâu biết được nỗi đau của người nông dân gắn bó với đồng đất ngàn đời mà giờ mất ruộng.
Những ngày sau, làng trên xóm dưới, đi đâu cũng thấy xôn xao chuyện đền bù đất ruộng. Mẹ tôi đi gặt cũng bị bà Tơ hàng xóm gọi giật lại bảo, giờ còn gặt hái gì nữa, chuẩn bị may túi ba gang mà đựng tiền đi. Đúng là nhà cô số đỏ, chả xui như nhà tôi, được mỗi một mảnh, không bõ tiền trả nợ cho thằng con thua bạc. Rồi bà lại than thở ông trời bất công, người cần nhiều thì chả cho nhiều, kẻ không cần lại cho rõ lắm. Như nhà cụ Thân xóm dưới, mỗi hai ông bà già, lâu rồi cho người ta thuê ruộng cấy, con cái thì ở thành phố, phương trưởng hết cả rồi, tự nhiên giờ được đền bù vài trăm triệu, rõ là thừa thãi mà. Mẹ tôi chép miệng bảo, chuyện nhà người ta, soi mói làm gì, nói nhiều lại lắm thị phi, rồi rảo bước đi trước, bỏ lại bà Tơ với cái mặt khó đăm đăm.
***
Có tiền đền bù, diện mạo làng tôi đã thay đổi. Người ta bắt đầu xây nhà mới, mua sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa... Trâu bò cũng bán cả, vì còn ruộng đâu mà cày cấy, chả nhẽ cứ đi chăn dắt thế thôi. Máy xúc, máy ủi, máy lu... cũng đã được đưa về, hoạt động hết cả ngày đêm, công ty xây dựng còn thuê luôn cả người dân làng làm công nhân để đẩy nhanh tiến độ làm đường. Đúng là nhất cử lưỡng tiện. Bà Tơ hãnh diện lắm vì thằng con trai của bà được người ta mời vào đội xây dựng con đường nối dài ra thị xã.
Anh trai tôi đột ngột trở về. Anh bảo, lần này về luôn, không vào trong ấy nữa. Hành lý anh mang về cũng chỉ vẻn vẹn một cái ba lô. Hệt như lúc anh đi. Tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa mẹ và anh. Hình như anh làm ăn thất bại, rồi nợ nần. Giờ về xin tiền trả nợ và ít vốn làm lại từ đầu.
Qua một đêm, tôi thấy mẹ xọp hẳn đi. Tôi lại nhớ tới bà Tơ. Nhưng nhà tôi, còn đâu ruộng nữa để mong được đền bù thêm vài mảnh như bà ta chứ. Tôi thương mẹ trăn trở, giằng co giữa bao nhiêu mối lo toan, gồng gánh. Nào là tiền thuốc thang cho bà, tiền sửa sang, cơi nới căn nhà, tiền cho tôi ăn học. Bây giờ, lại đến lượt anh tôi như vậy. Mà ruộng không còn nữa, tiêu hết số tiền đền bù này, sẽ bám vào đâu?
Vài ngày sau anh lại ra đi. Hừng hực khí thế chứ không buồn so như hôm trở về. Anh bảo, lần này lên thành phố, quyết làm cho bằng bạn bằng bè. Rồi không quên xoa đầu tôi, “gắng học đi, đỗ đại học rồi lên thành phố ở với anh”. Bà tôi nằm trên giường, héo hắt nhìn theo.
Thế là từ hôm ấy, mẹ gắn thêm hai cái sọt vào xe đạp để đi buôn đồng nát. Mẹ bảo, giờ không còn ruộng, cũng phải nghĩ kế gì để tiếp tục sinh nhai. Đàn bà làng này, cũng đi lượm ve chai cả, nếu không thì lại lên thành phố làm thuê. Rồi mẹ cười, chỉ vào hai cái sọt toàn những nhôm đồng sắt vụn, bảo, đấy, toàn đồ người ta vứt bỏ mà cũng đáng tiền. Mẹ cười mà cái miệng méo xệch như mếu trên khuôn mặt hằn dấu chân chim.
***
Qua những giêng hai, mỗi năm đất trời hồi sinh trở lại. Đêm nay, tôi nằm trong căn nhà của mẹ, lắng nghe những mầm sống mới trỗi dậy từ ký ức. Mẹ nằm bên cạnh tôi, nói mơ: “Nước về! Nước về!”. Tôi nhìn mẹ bật dậy trong cơn mộng du, vừa nói vừa reo lên mừng rỡ: “Để mẹ ra đồng lấy nước cho kịp cấy”.
Rồi mẹ mở cửa, lao ra trời đêm. Đôi mắt trong cơn mơ lấp lánh như những cánh mạ non khao khát ngọn nước về. Tôi chạy theo mẹ ra đến cánh đồng xưa. Trước mắt tôi, con đường thẳng tắp dâng lên trắng sáng, loang loáng như những con nước mùa xưa.
Một lúc, tôi dìu mẹ về.
Bỏ lại sau lưng đồng đất đang nảy mầm trong gió xuân hây hẩy.