Di sản Thăng Long - Hà Nội: Mạch nguồn cảm hứng, chất liệu sáng tạo
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 16:55, 27/01/2023
Nguồn cảm hứng vô tận...…
“Lắng hồn núi sông”, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa đất nước, nơi tiếp nhận văn hóa nhân loại, kết tinh nền “văn hiến ngàn đời”. Tiến trình kiến tạo Thăng Long - Hà Nội là một hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, mỗi di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể đều chứa đựng những câu chuyện của dặm dài lịch sử, của trí tuệ, tài hoa. Bởi thế, từ họa tiết cung đình đến nét vẽ dân gian đều có thể khơi nguồn cảm hứng cho những đam mê kết nối giá trị truyền thống với đời sống đương đại.
Những giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ dù được bao phủ bởi thời gian vẫn là một “lực hấp dẫn”. Do đó, sự sáng tạo đã tìm đến di sản như một phương thức neo đậu ý tưởng hướng tới cái đẹp, tìm tương lai từ quá khứ. Những năm gần đây, không ít trào lưu mới đã hình thành ở nhiều lĩnh vực, như: Nghệ thuật biểu diễn, thiết kế thời trang, hội họa sắp đặt… Giới văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là những người trẻ với nguồn cảm hứng sáng tạo mãnh liệt đã gặt hái thành công trong việc kết hợp các yếu tố truyền thống với tư duy và công nghệ thời đại để tạo ra những giá trị mới trên nền di sản.
Sáng tạo là cảm hứng và truyền cảm hứng. Đến với “Cuộc gặp gỡ Xưa và Nay” của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm), dù mỗi người có một cách nhìn khác nhau về hội họa, nhưng đều có thể cảm nhận được một không gian ấm áp từ 36 chiếc đèn lồng, với sự kết hợp những bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và công nghệ hiện đại. Với thể nghiệm đầy cảm hứng này, Nguyễn Xuân Lam nói rằng: “Khi tìm về truyền thống, có nghệ sĩ tập trung vào kỹ thuật xưa để vẽ nội dung mới, có người chọn tạo hình xưa như tạo hình tranh dân gian được các nghệ nhân truyền lại hàng trăm năm… Khi bắt gặp vẻ đẹp của tranh dân gian, tôi không muốn tranh dân gian chỉ là nét đẹp của những ngày Tết xa xưa, được trưng bày trong bảo tàng mà có thể đi vào đời sống hiện đại”.
Trong nguồn cảm hứng bất tận của thiết kế sáng tạo gắn với di sản văn hóa, có lẽ không thể không nói tới những chiếc áo dài. Chứa đựng triết lý nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ của người Việt Nam, áo dài là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và hơi thở của cuộc sống đương đại. Không chỉ liên tục được cách tân bằng chất liệu và kiểu dáng, nhiều nhà thiết kế đã thăng hoa cùng những họa tiết cung đình như rồng, phượng… để nhân lên nét quý phái, gợi hoài niệm về các vương triều hoặc vẽ hình ảnh phố phường lên tà áo dài để đem đến sự sống động, huyền ảo… Những năm gần đây nhiều lễ hội áo dài lấy cảm hứng từ dòng chảy văn hóa được tổ chức trong không gian di sản, có sự hỗ trợ của nghệ thuật âm nhạc và ánh sáng đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Cảm hứng và năng lực sáng tạo mang đến những giá trị mới cho di sản văn hóa và thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với những vấn đề sống còn của di sản văn hóa. Trong câu chuyện sáng tạo và di sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, di sản là tài sản văn hóa, nguồn lực giúp xã hội phát triển với hành trang của quá khứ hướng về tương lai. Trên hành trình ấy, di sản cần sự tiếp sức của sáng tạo để có đời sống mới, chứ không chỉ đóng khung trong bảo tàng, di tích. Ngược lại, sáng tạo cần di sản để neo lại trong không gian, thời gian, bởi những thứ dù độc đáo, nhưng thiếu ký ức sẽ dễ bị lãng quên, thay thế...
Và chất liệu sáng tạo
“Chỉ có sáng tạo di sản, chúng ta mới có thể tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa giàu bản sắc; đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại”. Với nhận định như vậy, di sản chính là chất liệu sáng tạo cho nhiều lĩnh vực của công nghiệp văn hóa như âm nhạc, mỹ thuật, các sản phẩm du lịch…
Lấy cảm hứng từ nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt từ thuở xa xưa, đạo diễn Việt Tú đã gây tiếng vang lớn với vở diễn mang tên “Tứ phủ”. Vở diễn đưa những người yêu nghệ thuật vào một không gian văn hóa truyền thống đậm đặc, đầy huyền bí và mê hoặc trong tín ngưỡng thờ Mẫu (được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). “Tứ phủ” được đưa vào chương trình du lịch và sau hơn 400 buổi diễn đã lọt vào nhóm 3 show diễn văn hóa “phải xem” khi đến với Thăng Long - Hà Nội. Vở diễn cũng đã có mặt và tạo nhiều dấu ấn tại Hội chợ du lịch thế giới - năm 2016 tại thủ đô London, Vương quốc Anh. Thành công này mang đến những cái nhìn mới về sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu di sản.
Sáng tạo từ chất liệu văn hóa dân gian, nhiều nhà thiết kế mỹ thuật đã thành công trong việc đưa họa tiết tranh dân gian vào các thiết kế thời trang như áo dài, khăn hay những bao bì, mang văn hóa truyền thống đến với thực tại đời sống. Một nhóm họa sĩ trẻ đã khai thác những nét tương đồng của họa tiết tranh Hàng Trống với nghệ thuật sơn mài, để quảng bá dòng tranh dân gian một thời nổi tiếng ở đất Kinh kỳ bằng chất liệu mới và tư duy hội họa đương đại. Điều này không chỉ tạo nên một phong cách nghệ thuật mới, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước, góp phần tích cực đưa văn hóa dân gian Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Lắng đọng tinh hoa của “đất trăm nghề”, sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn của mỗi miền quê. Được chế tác từ những chất liệu giản đơn, nhưng với tư duy sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành sản phẩm nghệ thuật có công năng ứng dụng và giá trị thẩm mỹ. Sáng tạo từ giá trị tinh hoa của mỗi nghề thủ công, những nghệ nhân làng nghề đã tích hợp nhiều chất liệu mới cùng với hoa văn, họa tiết mang đậm văn hóa truyền thống để tạo ra những sản phẩm mang hơi thở thời đại. Vận động trong một thị trường mở, những gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh… đang “lột xác” với những mẫu mã, kiểu dáng độc đáo, giàu tính sáng tạo để trở thành sản phẩm văn hóa có giá trị cao, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng. Vấn đề lúc này là kết nối các nghệ nhân, làng nghề, gắn làng nghề với không gian văn hóa và các loại hình du lịch để tạo hệ sinh thái mới thúc đẩy công nghiệp văn hóa ở mỗi miền quê.
Lượng di sản vật thể, phi vật thể khổng lồ kết tụ theo chiều dài lịch sử là nguồn nguyên liệu bất tận cho sáng tạo văn hóa, nhưng Hà Nội vẫn chưa có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc hay những tác phẩm hội họa đủ sức chinh phục những nhà sưu tập tầm cỡ… và hệ sinh thái làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa mới ở bước khởi đầu. “Văn hóa hiện đại chỉ có thể phát triển, tồn tại trên cơ sở của truyền thống, thông qua mối quan hệ với quá khứ để thể hiện sự tồn tại của mình. Và ngược lại truyền thống muốn tồn tại phải được hiện đại hóa…”. Để di sản phát triển mạnh mẽ trong đời sống đương đại, là mạch nguồn cảm hứng, là chất liệu sáng tạo, làm nên những giá trị mới cho Thăng Long - Hà Nội, các nhà hoạch định cần có tầm nhìn mới về văn hóa để xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách và triển khai các phương án đầu tư một cách bài bản.
Những xu hướng sáng tạo gắn đời sống đương đại với văn hóa truyền thống đang mang đến những tín hiệu tích cực, giàu sức sống cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.