Tầm Gai Đỏ
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 06:25, 20/01/2023
Giữa bạt ngàn núi rừng nhô lên quả đồi nhỏ này. Giữa quả đồi nhỏ lúp xúp cây mọc miên man, là một homestay với những bức tường trình. Thật lạ quá. Thử ghé vào để nghỉ lại một đêm xem sao.
Phía sau căn nhà là luồng khói bếp mờ mờ. Tiếng gà lục tục về chuồng. Dường như còn nghe thấy có tiếng sáo, nhỏ lắm, nhưng rõ ràng da diết vọng lên từ phía có khúc suối nhỏ dưới chân dốc. Dựng homestay ở đây quả thật là một sáng kiến hay. Đầu tiên là cảm giác thân thiện cho lữ khách.
Nhưng điều khiến tôi chú ý, để bước chân đến gần ngôi nhà, là người đàn bà đang loay hoay dọn vườn.
Khu vườn không rộng, lại xanh mướt một loài cây cao chừng hơn mét, gốc cây thân gỗ. Tầm gai chăng? Ngôi nhà này có tên là Tầm Gai Đỏ. Tôi cứ vậy mà suy ra thôi.
Thấy có khách lạ đang đến gần, chị ta không ngoảnh lên, buông một câu lửng lơ:
- Trời nhập nhoạng thế này, chỉ có người miền xuôi mới không biết sợ con ma rừng.
Tôi đã đến gần lắm. Nhìn thấy cái khẩu trang che kín gương mặt. Lại nhìn thấy cả đôi tay bám đầy màu xanh của lá đang được vặt, để gom vào cái gùi.
- Nói vậy thì Tầm Gai Đỏ của chị có thể là nhà của thần đèn nhỉ?
Chị khẽ cười:
- Có thể lắm. Cô muốn nghỉ lại đây đúng không?
- Chị là chủ Tầm Gai Đỏ này sao?
- Cô có thể coi là như vậy. Cô là nghệ sĩ à?
Tôi ngạc nhiên. Nhưng không trả lời câu hỏi của chị ta.
- Chị cho khách đặt bữa chứ?
- Chúng tôi mời ăn cùng gia đình luôn
- Phải tầm gai không chị?
- Cô nói đúng đấy. Cô biết tầm gai nhỉ?
Tôi khẽ cười:
- Không chị. Chính ở đây đã tự giới thiệu rồi. Nhưng có phải chị đang hái lá để làm bánh?
Người đàn bà bấy giờ mới ngẩng lên nhìn tôi chăm chú:
- Làm bánh là phụ thôi. Sau khi ngắt hết lá đủ độ làm bánh thì chúng tôi sẽ chặt hết cây chuẩn bị cho mùa kết lưới. Rễ thì chặt nhỏ ra phơi, được nắng thì bán cho mấy ông thầy lang. Có vụ phải đổ đi hàng tạ rễ vì tội mưa dầm không phơi phóng gì được. Thứ rễ đã ẩm mốc, bán cho người ta làm thuốc thì phải tội...
Tôi sà xuống vặt lá cùng chị. Lần này là vặt lá non.
- Tầm gai có phần lá hình tim, có lông mọc so le nhau, mặt trên màu xanh, mặt dưới có màu trắng bạc. Cô có thấy tầm gai lãng mạn không? Hoa đực và hoa cái của tầm gai mọc chụm thành bông kép nằm ở kẽ lá. Mà cô biết sợi thừng đâu ra không? Đấy, thân tầm gai đấy. Thật tuyệt phải không? Ở cái homestay này cô sẽ biết kỹ về tầm gai, sẽ được làm vườn...
Bà chủ Tầm Gai Đỏ tiếp tục giới thiệu (như thể nếu bỏ sót chi tiết nào, thì thật không xứng với loài cây sinh động này). Tôi bắt đầu thầm công nhận là bà chủ cái homestay này xứng danh dân làm dịch vụ du lịch.
- Cây tầm gai này còn được gọi là cây lá gai, tầm ma... Lá thường được dùng để làm bánh như bánh gai, bánh ít. Thân cho sợi dệt lưới đánh cá. Còn rễ để làm thuốc nam. Ít ai biết đây là một trong những dược liệu có thể trị được nhiều bệnh. Đào rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần non, để nguyên hoặc thái mỏng rồi đem phơi khô. Rễ cây gai có thể dùng khô hoặc tươi đều được. Phần rễ và lá cây gai có thể được thu hoạch vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, thời điểm thu rễ thích hợp nhất là mùa thu và đông. Nhưng chỉ có anh ấy là biết cách thu hoạch rễ tầm gai...
Thật lạ quá. Tôi bắt đầu tò mò hơn về cái homestay, về bà chủ Tầm Gai Đỏ và “anh ấy” của chị.
***
Nhưng bữa cơm chiều hôm đó không có “anh ấy”. Chỉ có hai chúng tôi và một cậu nhỏ giúp việc.
Lúc này người đàn bà mới bỏ cái khẩu trang to choán hết gương mặt ra. Suýt nữa tôi bật kêu lên thành tiếng. Một vết như vết dao chém chia đôi gò má thiếu phụ, khá sâu và đã thành sẹo, hở hoác. Chắc đã quen với những tình huống tương tự, người đàn bà liền nói ngay:
- Nếu cô sợ tôi sẽ đeo khẩu trang ngay sau khi ăn xong.
Tôi cười thân thiện:
- Sao lại sợ? Em thấy... đau đau thì đúng hơn...
Người đàn bà, lúc này thì tôi đã biết chị tên Tầm, ngây người nhìn khách. Thoáng chốc thôi. Rồi khóe miệng chị nhệch ra chút như một nụ cười.
- Nhưng cô không được chụp ảnh thẳng mặt tôi nhé. Có một đôi đến đây ở, trước khi trả phòng lại cứ muốn chụp ảnh tôi đứng ở vườn tầm gai kia, mà họ lại bảo tôi cười lên. Thật là...
Tôi đã khá tò mò khi liếc nhìn thấy một cái bảng con trong góc, giống như cái bảng người ta hay để trước quán cà phê phố thị, một dòng chữ nhỏ viết bằng phấn màu xanh cây rất ngay ngắn, phải nói là nét chữ khá đẹp và mạnh mẽ: “Tầm, ghi tạm đây nhé: xxxxxx... Nhớ xóa”.
Nhớ xóa kiểu gì lại để cho tôi đọc được. Đó là một dãy ký tự gì đó tôi không hiểu nổi.
Bữa cơm chiều ở Tầm Gai Đỏ thật độc đáo. Cá lóc một nắng nướng lò than. Măng trúc luộc. Độc đáo nhất là món lá tầm gai non xào với trứng bắc thảo. Cậu bé giúp việc châm lên cả dãy nến sáng trưng.
Tôi tò mò hỏi trong bữa ăn:
- Nhà chị không dùng điện, có vất vả bảo quản thức ăn không chị?
Tầm không trả lời vào câu hỏi của tôi. Hình như từ khi tôi bước chân vào đến giờ kiểu trả lời như vậy vẫn diễn ra.
- Cá lóc một nắng này không phải miền Tây gửi ra đâu. Mà là cánh hải tặc giải nghệ, không rõ họ người vùng nào, cũng không rõ họ chính xác ở địa chỉ nào...
Tôi tròn mắt:
- Hải tặc? Giống như em đang nghe chuyện cổ tích vậy?
Cậu bé giúp việc chen ngang, mắt vụt sáng như sao:
- Đúng hải tặc đấy chị. Em rất thích nghe cô chủ kể chuyện hải tặc... Khách thích quay lại đây lắm. Chắc giống em thích nghe cổ tích huyền thoại...
Trong ánh nến chập chờn, tôi vẫn nghe thấy có tiếng sáo nhẹ bay từ dưới thung sâu vẳng lên, như đệm thêm chất huyền bí cho câu chuyện mà bà chủ Tầm gai đỏ kể. Tựa như là tiếng sáo ma.
***
Nghe tôi kể chuyện về tầm gai, cô có muốn lên đây nữa không? Không phải chúng tôi bày trò dụ khách du lịch đâu. Mà tầm gai không kéo sợi không dệt lưới, sẽ đứt mất hình mất dạng.
Năm đó tôi gánh những tấm lưới mới dệt bằng khung cửi tự chế đi về phía biển. Những cư dân ở biển họ sắm những tấm lưới này để đánh bắt loài cá ngừ to thì phải. Trong đống lưới được mang ra khơi, có những tấm lưới thô được dệt bằng tầm gai. Nước biển mặn có thể làm rã lưới, nhưng cô nghĩ xem, ngàn xưa các cụ đi biển đâu đã có thứ lưới dệt bằng cước như ngày nay.
Ngã giá xong, tôi gánh lưới xuống nhà tàu.
Tôi năm đó mới mười sáu tuổi. Sở dĩ liều đi bán lưới như vậy là do mẹ tôi đang bệnh nặng cần tiền chạy chữa. Tôi không có cha. Nghe nói cha tôi là dân làm ăn lang bạt. Lang bạt về làng tôi. Lang bạt làm mẹ tôi có thai, và rồi ông bỏ đi không một lần trở lại.
Tôi cứ thế lớn lên. Chẳng cảm thấy buồn vì không có cha. Chỉ có mẹ là hay buồn, đến sinh bệnh.
Trong nhà có cái khung cửi, mẹ kể do cha đóng cho. Khi đóng cái khung dệt này, cha bảo: Đất làng chật hẹp không trồng được tầm gai. Cô đi xa lên miền ngược mua lấy ít thân tầm gai về dệt lưới cá. Người ta sẽ mua đấy. Thế là mẹ con tôi biết dệt tầm gai. Có được lưới bán, mẹ cũng nuôi được tôi lớn thành cô gái xinh xắn trong làng. Tôi con rơi, con chửa hoang. Nhưng trai làng cứ bám theo.
Cô có nghe thấy tiếng sáo dưới khúc suối kia không? Sáo ma đấy. Thằng Túc trong làng thổi sáo hay lắm. Đêm nào nó cũng ngồi ngoài ngõ nhà tôi thổi khúc này (là nó bảo tôi lời của điệu sáo ấy, chứ tôi đâu biết lời của sáo):
“Tầm gai đỏ
Tầm gai đỏ
Mảnh trăng đã ló ra bên giếng nước nhà nàng
Tiếng ai dệt lưới điệu buồn như giọt nước
Tầm gai đỏ
Nàng dệt áo cưới cùng ta chăng?”
Giờ thằng Túc là đại gia, nó mua được cả cánh rừng bạt ngàn để làm khu du lịch. Nó sống nhăn ấy chứ. Nó trắng mập. Về làng thì vẫn hay ngó nghiêng sang cổng nhà tôi, hỏi gióng mẹ tôi: “Em Tầm có về thăm bác không?”. Nó biếu mẹ tôi tiền cả xấp, nhưng mẹ không cầm bao giờ.
Lại nói chuyện tôi xuống tàu bán lưới. Lão chủ con tàu đó nom hiền lành. Lúc tôi cúi xuống dỡ lưới ra xếp vào cái sọt thì sợi dây chuyền vàng có đeo quả tim bằng thạch anh được bọc bằng những sợi tầm gai đỏ tuột ra ngoài cổ áo. Lão chủ tàu nắm chặt cổ tay tôi.
- Nói ngay. Cô con nhà ai? Ở đâu đến bán lưới?
Trời, lạ quá!
- Dạ, cháu con nhà... Ở làng Giang Thổ.
Có ai ngờ tôi được gặp cha như thế. Cha tôi liền lập tức cho nhổ neo. Nhưng chưa phải về làng Giang Thổ. Cha bảo đi với cha đến một chỗ này để cha mang hết đồ đạc của cải mà cha tích cóp được bao năm ròng, ôm hết về. Cha sẽ chuyển nhượng con tàu, lên bờ sống với mẹ con tôi trọn đời. Bao năm nay, cha cũng nhớ đến mẹ tôi. Cha không biết mẹ có tôi. Cha cũng định tìm về, rồi việc cứ đến tay, lần lữa mãi...
Nhưng định mệnh đã chia rẽ chúng tôi. Trong niềm vui vô cùng vì được gặp con gái, vì biết mẹ tôi vẫn đợi cha bao năm ròng, cha đã chủ quan không đề phòng. Có mấy con tàu đã bí mật bám theo tàu của cha. Tôi khi ấy mới biết cha mình là một tay cướp biển có hạng. Khi ôm được mấy hòm vàng và hòm tiền cổ lên tàu thì tàu bị tấn công. Tôi không ra được khỏi buồng thuyền trưởng, cha nhốt tôi trong đó cùng đống của.
Mãi đến khi cửa buồng thuyền trưởng bật mở, một chàng trai trẻ người đầy máu lao vào kéo tôi chạy theo một lối nhỏ trên boong tàu, dặn tôi ngồi trốn cạnh một đống cánh buồm bị bắn nát tơi tả, anh sẽ quay lại ngay. Tôi không biết cha tôi ở đâu, đành ngồi im chờ đợi. Lúc sau chàng trai quay lại kéo tôi chạy tiếp. Nhưng không ngờ có một toán cướp đuổi theo. Chúng lao tới vung dao lên. Tôi thấy dao vung lên sắp hạ xuống cổ chàng trai thì liền xô tới. Nhát dao chém trúng vào mặt tôi đây. Vì nhát dao tôi đỡ, anh ấy nhất định lấy tôi. Mà... cũng có thể không phải. Có thể anh là người trung thành với cha. Tôi không hiểu bằng cách nào anh đã lôi được hòm tiền cổ xuống con thuyền nhỏ. Cha tôi khi ấy đã bị bắn gục. Anh ấy đã đốt tàu và đưa tôi chạy thoát.
Chồng tôi mấy hôm nay về làng Giang Thổ đón mẹ tôi lên đây sống cùng. Anh ấy thuê xe chở hòm tiền cổ đi hiến cho nhà nước rồi. Có lẽ họ sẽ có kế hoạch trục vớt con tàu bị đốt cháy và đắm xuống biển ngày ấy. Chồng tôi nói, khi ấy nhớ lời cha tôi dặn, anh chỉ cố gắng cứu tôi, còn hòm tiền cổ là do may mắn. Tất cả mấy hòm vàng đã chìm xuống biển cùng con tàu... Sau đó anh đưa tôi chạy về vùng đất này, sống mai danh ẩn tích.
Cô nghe thấy tiếng sáo đúng không? Cha tôi về đó. Ngày xưa cha cũng thổi sáo hay lắm. Chồng tôi cho chế cây sáo gió dưới khúc suối sâu dưới kia. Anh ấy bảo để đón cha về thổi sáo cho mấy mẹ con nghe. Còn hòm tiền cổ, giữ riêng không tốt. Phải mang về hiến cho bảo tàng cô ạ.
***
Trở về Hà Nội mà tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện ở Tầm Gai Đỏ.
Đôi lúc tôi nghĩ, hay là chị ta rất giỏi giữ chân khách, để nhất định một ngày nào đó khách phải quay lại cái nhà trình tường không thèm dùng điện, mà sống thử một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên? Bây giờ nghệ thuật chiêu khách không còn mấy trò cũ rích như ánh điện màu rực rỡ, thảm chùi chân xa hoa, giường nệm trắng tinh, điều hòa chạy êm ro ro... Khách được làm vườn, rồi được dệt lưới tầm gai, được dùng đồ ăn nướng than, được nghe tiếng sáo gió... mới là thời thượng? Nhưng tôi lại nghĩ: Cái vết chém là có thật, việc hiến hòm tiền cổ là có thật (nên chị ấy không cần xóa cái dãy ký tự mật mã nơi cất giấu cái hòm tiền cổ).
Và tiếng sáo ấy, hẳn nhiên là có thật.
“Mảnh trăng đã ló ra bên giếng nước nhà nàng
Tầm gai đỏ
Nàng dệt áo cưới cùng ta chăng?”...