Hát Dô - sáng tạo đẹp đẽ của cư dân Liệp Tuyết
Xưa và nay - Ngày đăng : 11:57, 02/04/2023
Tích xưa truyền lại, nghệ thuật hát Dô ở Liệp Tuyết do Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của người Việt truyền dạy. Theo đó, trong một lần ngao du, Thánh Tản Viên qua vùng ven sông Tích, thấy đồng đất phì nhiêu, dân làng chăm chỉ đã bày cho cách be bờ, cấy lúa. 36 năm sau, Thánh Tản Viên trở lại nơi xưa, hài lòng vì dân làng đã biết bảo nhau làm lụng, mà có cuộc sống sung túc, giàu có nên đã cho gọi mọi người lại dạy cách hát ca, mở hội. Nhớ ơn vị thần mang lại đời sống ấm no, cư dân trong vùng lập đền thờ, duy trì tập tục 36 năm mở hội một lần. Trong những ngày hội đó, không thể thiếu nghi thức thực hành hát Dô, ca ngợi công đức Tản Viên Sơn Thánh, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần cộng đồng của cư dân vùng lúa nước. Sau dịp này, sách hát đóng lại, cất kỹ trong đền, không ai được hỏi tới.
Nghi lễ hát Dô cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị di sản ở Liệp Tuyết. Từ sau hội Dô cuối cùng được tổ chức vào năm 1962, các dịp hội sau đó hoặc chịu gián đoạn vì chiến tranh, loạn lạc hoặc có được mở nhưng không được thực hành đầy đủ, bài bản theo truyền thống, do lớp người thực hành ít đi mà lớp người kế cận chưa có.
Trước nguy cơ mai một, thất truyền di sản của cha ông, đầu những năm 2000, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liệp Tuyết đã cất công đi sưu tầm, khảo sát, học hỏi các nghệ nhân còn nắm giữ bí quyết thực hành hát Dô. Cùng với quá trình thu thập, sưu tầm làn điệu, thể thức và kỹ năng diễn xướng, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan còn đi vận động thanh thiếu niên tham gia học hát. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cho biết, ban đầu do quan niệm “ăn sâu” bao đời, nhiều người e ngại, né tránh, thậm chí phản đối. Sau khi được thuyết phục dần dần, nhất là thấy người đi đầu vận động mà không bị “Thánh quở” nên số người tin tưởng tham gia đông dần lên.
Trên cơ sở đội văn nghệ cũ, Câu lạc bộ Hát Dô được thành lập với 30 thành viên do Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan làm Chủ nhiệm. Phần lớn các thành viên đều là những người trung niên, sau đó đội hình dần được trẻ hóa với lớp kế cận. Năm 2005, Quỹ Bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ dân gian đã hỗ trợ kinh phí giúp bảo tồn hát Dô. Nhờ vậy, câu lạc bộ đã tiến hành sưu tầm, thu thập thông tin hát Dô bổ sung vào nguồn tư liệu với 23 làn điệu, thuộc các kiểu hát chúc, hát chầu và hát múa bỏ bộ; đào tạo thế hệ kế cận; mua sắm trang phục…
Nói về nguyện vọng phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cho rằng cần có cuộc họp, tọa đàm, bàn thảo về thời gian tổ chức lễ hội để hát Dô có thể được thực hành nhiều hơn thay vì chu kỳ 36 năm mở hội một lần, rồi lại “cất sách”.
Cũng theo nghệ nhân, cần sớm triển khai Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND (ngày 8-12-2022) của HĐND thành phố Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, để các nghệ nhân, câu lạc bộ có điều kiện khôi phục, phát huy di sản. Cùng với đó, địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản ở cơ sở.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ thành phố đến địa phương, nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát Dô được thực hiện. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành biên soạn sách về hát Dô; hỗ trợ lớp truyền dạy cho 20 học viên cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản trong cộng đồng, tại các sự kiện văn hóa thành phố và cấp quốc gia; xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh di sản vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Hiện nay, huyện Quốc Oai đang xây dựng kế hoạch đón Bằng ghi danh di sản hát Dô. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam, cùng với tổ chức sự kiện, địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền dạy nhằm tạo nguồn kế thừa di sản; đổi mới, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân; phát huy tốt vai trò của cộng đồng…