Chuyện ở làng văn hóa Phương Mạc
Xưa và nay - Ngày đăng : 22:57, 02/02/2023
“Quê hương 4 đẹp”
Trong câu chuyện về chiều dài lịch sử, văn hóa của làng Phương Mạc, ông Trần Minh Nhương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, cũng là người con quê hương cho biết, từ năm 1964 của thế kỷ trước, Phương Mạc đã là địa phương đi đầu của tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) trong xây dựng “Quê hương 4 đẹp”: Đẹp xóm làng, đẹp đồng ruộng, đẹp nhà cửa và đẹp con người. Ngẫm thấy, phong trào “4 đẹp” này rất gần với phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước hôm nay. Cũng từ phong trào “4 đẹp” mà Phương Mạc từ một thôn nghèo đã chuyển mình nhanh chóng.
Thực hiện phong trào “4 đẹp”, từ thời đó, thôn Phương Mạc đã làm được hệ thống rãnh thoát nước chạy dọc các ngõ xóm nên làng quê rất sạch sẽ. Thành hoàng làng Phương Mạc là danh tướng Phạm Bạch Hổ - vị tướng tài của Ngô Quyền, có công lớn trong kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938.
Danh tướng Phạm Bạch Hổ quê ở Hưng Yên nên thôn Phương Mạc đã trồng rặng nhãn lồng có nguồn gốc từ Hưng Yên với số lượng chừng 400 cây quanh làng. Nhãn vừa thêm màu xanh cho làng, vừa cho quả. An ninh trật tự ở thôn rất tốt, không bao giờ mất trộm, tiền bán nhãn để thôn lo việc chung.
Cũng từ những năm đó, thôn Phương Mạc có phong trào đào giếng khơi để lấy nước sinh hoạt thay vì dùng nước ao hồ. Chẳng mấy chốc, các gia đình đều có giếng khơi, ngoài ra, các xóm cũng có giếng công để nhân dân lấy nước sử dụng...
“Phong trào “4 đẹp” khi đó đã được rất nhiều địa phương của tỉnh Hà Tây đến tham quan, học tập. Đến nay, phong trào còn nguyên giá trị, được nhân dân đưa vào quy ước xây dựng làng văn hóa”, ông Trần Minh Nhương cho biết.
Từ truyền thống phong trào xây dựng “Quê hương 4 đẹp”, người dân Phương Mạc hôm nay vẫn duy trì nền nếp, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Trưởng thôn Phương Mạc Nguyễn Du Lịch cho biết, Phương Mạc đi đầu huyện Đan Phượng trong phong trào phục dựng cổng làng. “Xưa, thôn có 2 cổng ở đầu và cuối làng. Qua năm tháng, cổng cũ không còn. Năm 2004, thôn xây dựng lại cổng chính vào làng hướng ra sông Đáy, nhìn về hướng núi Ba Vì. Bên trong cổng làng là đình, chùa, các xóm ngõ kết nối cộng đồng cùng phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng biệt của người dân".
Người dân Phương Mạc cũng nỗ lực cải tạo các ao hồ thành ao môi trường. Thôn đã hoàn thành cải tạo 2 ao: Ao đầm Mo và ao xóm Đông. Các ao được kè cứng, có lan can bảo vệ, quanh ao được trồng cây xanh, có ghế đá… Hiện còn 2 ao được xã Phương Đình đưa vào kế hoạch đầu tư công, tiếp tục cải tạo trong năm 2023-2025.
Đoàn kết xây dựng quê hương
Trưởng thôn Phương Mạc Nguyễn Du Lịch cho biết, buổi tối, trong thôn lung linh với những chiếc đèn lồng được thắp sáng khắp các con ngõ, khu trung tâm.
Quả thực, những ngày đầu năm mới, khắp xóm Chùa, xóm Đình, xóm Giữa… ở Phương Mạc đều được trang hoàng lộng lẫy. Xóm nào cũng có cổng xóm, cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ đuôi nheo tung bay. Buổi tối, đèn lồng được thắp sáng khiến xóm làng lung linh, huyền ảo... Để có những tuyến đường trang trí đẹp mắt, Trưởng thôn Nguyễn Du Lịch cho biết, thôn đã tổ chức hội thi trang trí ngõ xóm sáng - xanh - sạch đẹp mừng Đảng, mừng Xuân.
Phương Mạc có 6 xóm. Các xóm bắt đầu trang trí cổng chào từ 28 tháng Chạp với đôi câu đối Tết; cờ, đèn lồng được treo dọc theo các xóm. Công tác trang trí được các ngõ xóm duy trì xuyên Tết đến dịp hội làng diễn ra ngày 10 tháng Giêng. Khi đó, các xóm bày biện thêm mâm ngũ quả bái vọng Thành hoàng. Sau phần lễ Thánh, thôn sẽ chấm điểm và trao giải cho các xóm...
“Năm 2023 là năm đầu tiên thôn Phương Mạc tổ chức chấm thi và trao giải cho các xóm. Đó là sự động viên, khích lệ, cổ vũ để cộng đồng dân cư thêm đoàn kết, chung sức xây dựng môi trường sống sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới địa phương”, Trưởng thôn Phương Mạc Nguyễn Du Lịch phấn khởi nói.
Anh Phùng Đăng Khoa, người dân xóm Giữa của thôn Phương Mạc thông tin, xóm có chiều dài hơn 200m, khoảng 50 nóc nhà. Từ trước Tết nguyên đán, thành viên trong xóm đã dành 3 buổi tối để trang trí cờ, hoa, dựng cổng chào; treo 16 chiếc đèn lồng.
"Mỗi gia đình chúng tôi tự nguyện đóng góp 200 nghìn đồng quỹ xóm để có kinh phí hoạt động cho cả năm. Năm nào, xóm tôi cũng làm tất niên vào buổi chiều chủ nhật cuối năm và xóm nào cũng vậy nên không khí trong làng ấm áp, đoàn kết”, anh Khoa nói.
“Người dân Phương Mạc rất tự giác tham gia đóng góp xây dựng quê hương”, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình Phùng Văn Thao nhận xét. Theo anh Thao, từ năm 2020, nhân dân trong thôn đã tích cực tham gia xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Riêng đoạn đê trước đình Phương Mạc, nhân dân huy động được 100 triệu đồng tiền mặt cùng hàng nghìn ngày công lao động để trồng hoa, cỏ...
Mới đây, đình Phương Mạc đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo các hạng mục với kinh phí 15 tỷ đồng, nhân dân trong thôn chung sức được thêm 500 triệu đồng để sửa chữa, mua sắm đồ thờ. Hiện, trên địa bàn thôn có 3 xưởng mộc, 3 xưởng may và 15 doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ngoài ra, nhân dân trong thôn còn duy trì sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ nên đời sống kinh tế khá, thu nhập bình quân đạt 75 triệu đồng/người/năm.
Thôn Phương Mạc cũng đã 2 lần được thành phố công nhận danh hiệu “Thôn Văn hóa”… Kết quả xây dựng thôn giàu đẹp, văn minh đã góp phần cho Phương Đình đủ điều kiện để thành phố công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.