Làng nghề ''gõ ra tiền'' trong lòng phố thị
Xưa và nay - Ngày đăng : 12:20, 31/12/2022
Trong làng vẫn còn những con ngõ nhỏ xinh xắn, yên bình; những ngôi nhà nhuộm màu thời gian xưa cũ được giữ nguyên vẹn như báu vật. Hơn hết, dù cuộc sống đổi thay thế nào, người dân ở đây vẫn tha thiết với nghề truyền thống - gò hàn tôn thiếc... Với họ, đó không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là nhịp sống của làng, là tiếng vọng từ quá khứ đến hôm nay…
Độc đáo làng nghề ven đô
Âm thanh quen thuộc bốp - bốp - chát - chát ngày ngày vang vọng khắp đường làng ngõ xóm ở Phú Thứ. Tiếng lách cách của kéo cắt tôn, lạch cạch của thợ bẻ đai, bộp - chát của thợ đập vỗ mép, xủng xẻng của hàng hóa va vào nhau cùng tiếng xe chở hàng; trò chuyện, cười nói râm ran của người thợ, người làng, người giao - nhận hàng... tất cả tạo nên một làng nghề đang phát triển. Nghề này đã gắn bó với cuộc sống của nhiều thế hệ nên từ lâu đời, cổ nhân đã gọi vui Phú Thứ là "làng gõ ra tiền"…
Chỉ với kinh nghiệm cha truyền con nối, không có trường lớp chính quy đào tạo, nhưng với bàn tay khéo léo và trí thông minh, từ xa xưa, người thợ nơi đây tạo ra hầu hết sản phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày, từ gáo múc nước, hòm đựng quần áo, thùng gánh nước, ô doa tưới cây, ống máng hứng nước mưa… cho tới những món đồ mới trở nên quen thuộc những năm gần đây như khuôn làm bánh, lò đun, lò hóa vàng, bể nước treo, quạt thông gió điều hòa…
Ngày nay, mặc dù đồ dùng bằng nhựa trở nên phổ biến dần thay thế đồ tôn thiếc, song nghề truyền thống của làng vẫn được một số gia đình lưu giữ, phát triển theo hướng chuyên môn hóa, mỗi nhà chuyên một mặt hàng.
Gia đình ông Nguyễn Phú Thắng là một trong những hộ làm đồ hóa vàng bằng tôn quy mô lớn của làng. Mấy chục năm gắn bó với nghề, ông Thắng chia sẻ: “Nói là nghề phụ nhưng từ nghề này, tôi nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, công việc cũng không quá vất vả. Được sống trong không gian của làng nghề từ nhỏ nên chỉ nhìn mẫu mã là người Phú Thứ biết cách chế tác”…
Ông Dương Ngọc Cương (51 tuổi) cho biết, ông đã gắn bó với công việc gò hàn tôn thiếc hơn 30 năm. Hiện, gia đình ông là đời thứ 3 sinh sống bằng nghề truyền thống này, chuyên làm những chiếc thùng dành cho khách hàng đựng đồ cá nhân, tiền bạc, trầu cau… Ông Cương chia sẻ, thời đại công nghệ phát triển, máy móc giúp con người nâng cao năng suất sản lượng nhưng nhiều chi tiết sản phẩm vẫn không thể thay thế một số công đoạn thủ công, như làm những góc mép sản phẩm đều phải bằng tay người thợ.
Đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Phú Đà, diện tích chỉ khoảng 30m2, anh Đà chia sẻ, khó có thể đếm được bao nhiêu chủng loại hàng hóa được làm từ tôn, thiếc ở làng này. Giá cũng đủ loại, tùy theo là hàng cao cấp đắt tiền hay đồ bình dân hơn chục nghìn đồng mỗi sản phẩm…
Nếp làng trong lòng phố thị
May mắn, chúng tôi được trò chuyện với chị Dương Thị Thu Hương, một người con của làng Phú Thứ đang công tác ở Cục Điện ảnh. Người địa phương gọi chị Hương là sứ giả của làng, là gạch nối cho những giá trị tốt đẹp của vùng quê được lan tỏa.
Chị Hương chia sẻ, ai cũng nghĩ Phú Thứ giờ đã lên phường, lên phố thì còn đâu nghề thủ công truyền thống, còn đâu dấu ấn của làng quê… Nhưng thật thú vị bởi ngay trong lòng phố thị ồn ã, ngôi làng này bao năm nay nhịp sống vẫn vẹn nguyên như thế…
Chị Hương kể: Ngày xưa, khi phương tiện giao thông còn hạn chế, các bà, các mẹ phải dậy từ sớm, gánh hòm, thùng gánh nước, ô doa lên xe buýt để bán buôn tại phố Hàng Thiếc, rồi đi bộ 36 phố phường để trao đổi mua bán, không có máy tính bảng, không có đối chiếu công nợ mà không nhầm bao giờ... Dù mùa đông hay mùa hè, chuyến xe duy nhất ngày một lượt đi/về, đón/trả, sáng lỉnh kỉnh hòm, thùng; chiều theo về là đồ ăn, thức uống... Cảm giác “mong như mong mẹ về chợ” rất vui thời đó còn theo mãi đến nay với những thơm thảo, mộc mạc mà chan chứa tình làng, nghĩa xóm…
Không chỉ là câu chuyện của hôm qua trong ký ức của người con gái làng Phú Thứ, mà ngay hôm nay, khi chúng tôi dạo bộ qua những con ngõ nhỏ, qua những nếp nhà cổ, trong âm thanh rộn rã của làng nghề, đến đâu người làng cũng chào hỏi nồng đượm, thân thiện…
Hiện nay, phường Tây Mỗ được bao quanh bởi nhiều tuyến giao thông huyết mạch, mọc lên nhiều khu đô thị sầm uất, hiện đại; làng xưa nay đã thành phường, nếp sống của cư dân đô thị đã xâm nhập vào từng ngóc ngách của đời sống.
May thay, giữa phồn hoa đô thị, bóng dáng của làng Việt với "cây đa, bến nước, sân đình”; những ngôi nhà thờ họ uy nghiêm mà gần gũi; những con ngõ nhỏ rêu phong in dấu thời gian; người dân chân chất gắn bó với nghề truyền thống… vẫn hiện hữu, để lại ấn tượng đẹp cho khách tham quan về vùng đất ven đô Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến…