Tát nước gàu dai, gàu sòng
Xưa và nay - Ngày đăng : 06:05, 30/10/2022
Chái bếp là nơi ông tôi dựng gàu dai, gàu sòng cạnh đó. Một năm hai vụ lúa nên nhà nào cũng phải đủ bộ hai chiếc gàu. Thân gàu đan bằng tre. Miệng tựa hình bầu dục, có hai tai gắn chắc vào hai bên miệng và đáy gàu để xỏ dây thừng qua, mỗi đầu dây thừng đều có tay cầm. Khi tát nước bên bờ mương hay bờ máng, phải đứng chân trước chân sau. Khi cúi lưng buông dây thừng xuống, gàu nước được múc đầy, rồi khi kéo lên phải hơi ngửa người về phía sau sao cho miệng gàu không bị chúi vào bờ ruộng. Nhìn chị tôi và chị Gái tát nước, từng gàu đổ òa ra ruộng, lóng lánh ánh bạc, thật sướng mắt. Nhưng sau mỗi buổi tát nước ở đồng về, mồ hôi ướt đẫm lưng áo cánh gụ bạc màu của chị tôi. Vụ chiêm cho đến vụ mùa, lúa bao thai hồng, lúa trân châu lùn... đều chờ những đôi tay dẻo dai của sức trẻ đôi mươi.
Trai tráng đi tòng quân vãn cả làng thì thanh nữ đảm đương các việc đồng áng. Chân ruộng thấp bắc được gàu sòng tát nước, các bác trung niên sẽ “ra tay”. Gọi là gàu sòng vì khác với gầu dai (dây), miệng gàu tựa như nửa hình bầu dục được cạp tre, nhưng thân gàu đan bằng tre, dài gần 1m và thuôn thuôn nhỏ dần về phía đáy. Cái hay nhất của gàu sòng là chỉ cần 3 đoạn tre già, một đầu cắm xuống ba góc ao hoặc mương, một đầu chụm lại buộc cho chắc thành đỉnh tam giác, rồi lấy dây thừng to ròng từ đỉnh ấy xuống cán gàu, sao cho cân bằng “lực”. Khi tát nước, một tay nắm cuối chuôi cán gầu, một tay nắm đoạn giữa cán, gần chỗ buộc dây thừng. Bác tôi dầm chân dưới hủm ao, vục từng gầu, đẩy nước qua bờ ruộng. Mùa đông, nước cạn dần, dân làng hay dùng gàu sòng tát mương, ao để bắt cá.
Những mùa đông quên cả giá rét lưu giữ trong tôi bao kỷ niệm đẹp. Mới 10 tuổi nhưng tôi đã biết giúp anh trai đắp con chạch ngăn giữa mương và ao. Mấy thân cây chuối được chúng tôi lăn ùm xuống, bùn ao chét vào hai bên thân chuối, chẳng mấy chốc con chạch cao dần, cao dần... vững chãi. Anh tôi khỏe nhất bọn loai choai, choãi chân tát nước mương. Quãng mương cạn dần, không tát được bằng gàu sòng, phải dùng thau múc nước đổ sang ao. Rồi lũ trẻ ào xuống, đứa bắt cua, ốc, đứa chộp lươn, cá rô chui dưới bùn, cá diếc... Tưng bừng như hội. Cái áo nhuộm màu tím than đã lốm đốm “hoa” bùn. Chiều mặc áo vá đi học là chuyện bình thường.
Tối ấy, cả nhà quây quần quanh chõng tre. Bát “con gà” đựng cá kho tương thơm nức, loáng chốc lũ trẻ đã đánh sạch cả nồi cơm độn ngô. Phát huy chiến tích, tuần sau, anh tôi lại rủ đồng bọn ngăn đoạn rãnh trước vườn nhà, hì hục tát nước bắt cá. Rãnh thông với ao nhà bác Phú nên chuyến này anh em tôi “thất thu”, chỉ được cá con và cua, ốc. Cá diếc, mài mại cho vào nồi om với dưa muối, rất tuyệt! Còn cua, bác tôi cải tiến món ăn, nấu riêu, chan với mì sợi Hải Châu mẹ tôi đèo về tiếp tế, thay món bột mì làm nắp hầm bọc lá chuối áp chảo, thật siêu ngon!
Viết đến đây, thương nhớ ngày xưa xiết bao, mà bỗng nhớ như in dáng ông Mưu, nhà ở đầu ngõ, quanh năm mặc quần “lá tọa”, tát nước gàu sòng khỏe nhất xóm. Hủm ao nhà ai cần là ông nhận lời tát hộ một công ngay. Ông vục từng gàu nước đầy, tát cứ như không. Bọn trẻ túm tụm trên bờ, xem ông tát. Cạn hủm ao, ông thu gàu về. Mồ hôi tóa trên mặt, chảy ròng ròng xuống cổ; đôi mắt to ẩn dưới đôi mày rậm lưỡi mác, nên lũ trẻ ít dám gần ông. Bữa cơm trưa, nghe tôi kể, ông ngoại tôi bảo: “Ông Mưu vất vả từ bé. Ông nghèo nhưng khí khái, để chiều nay ông ra biếu ông ấy gói thuốc lào. Chiều cháu thái chuối, quét sân sớm rồi đi với ông”. Văn hóa làng của các cụ ta là thế, đâu phải mâm cao cỗ đầy xô bồ như bây giờ...
Đến lúc có máy nổ chạy dầu diezen hút nước lên ruộng lúa, tỏa ra mặt ruộng như con rồng bạc, tôi không nhớ chính xác nữa. Chỉ nhớ nhất là sau mùa xuân năm 1973, không thấy chị tôi đi tát nước gàu dai nữa. Gàu sòng cũng đứng im ở chái bếp, vì ruộng lúa dần chuyển sang trồng cây đay công nghiệp, phục vụ nhà máy đay. Rồi những đồng lúa mênh mông của Thanh Trì, Gia Lâm ven sông Hồng, mỗi lần tôi đạp xe từ quê ra Hà Nội thăm mẹ cũng thưa dần dáng lưng ong tát nước. Chỉ câu ca xưa còn mãi đến bây giờ...