Nếp cũ Tràng An
Xưa và nay - Ngày đăng : 14:14, 04/02/2022
Tôi vẫn hay ngang qua phố Hàng Khoai, bởi ở đó có một mảnh trầm tích Tràng An còn sót lại. Một bà cụ chuyên bán những loài hoa vốn thân thuộc với người Hà thành xưa. Những hoàng lan, ngọc lan, hay hoa nhài, hoa bưởi... Bốn mùa, góc phố nhỏ này vẫn ngát hương. Bắt đầu bán hoa ở chợ Đồng Xuân từ năm 13 tuổi, khoảng bảy thập niên trôi qua bà Phan Thị Thu vẫn loanh quanh khu chợ Đồng Xuân này, với những mẹt hoa xinh xinh. Người phố cổ gọi bà là bà Thu hoa cúng.
Ở mảnh đất này, mấy ai không có kỷ niệm về những buổi rằm, mồng một bà, mẹ đi chợ. Một gói lá bồ tát xinh xắn được đặt cẩn thận ở trên cùng chiếc làn. Mở ra, hương hoa lan tỏa khắp phòng. Đấy là hoa cúng. Những mảnh kỷ niệm nho nhỏ thế, không chỉ gắn với người thân. Nó còn khiến người ta nhớ đến không khí trang nghiêm, mùi hương ngan ngát khi bà, khi mẹ sắp lễ dâng cúng tổ tiên... Lại nữa, trong nếp cũ Tràng An, người ta thường mua hoàng lan, ngọc lan bày ra đĩa ở phòng khách. Bước vào phòng là thấy thoảng hương thơm thanh nhẹ. Cái thú vị là khi đĩa hoa khô đi, mùi hương vẫn đọng lại... Bao sự đổi thay, bà Thu vẫn ngồi đó. Cũng qua những thăng trầm, nhiều nếp cũ không còn. Nhưng vẫn có những người giữ cái lề lối ấy, vẫn đến với những mẹt hoa, rổ hoa bé xinh của bà... Bà Thu đã hơn 80 tuổi. Cái nét tinh tế, nhã nhặn vẫn còn đó. Nhưng lưng bà đã còng xuống nhiều. Có những lúc tôi chỉ sợ mai này, còn ai bán hoa cổ Hà thành nữa...
Bỗng cách đây mấy năm, tôi nhận ra lo lắng của mình là thừa thãi. Ra Tết, những cô những chị hàng rong chở hoa bưởi trắng ngần trên phố. Cuối hạ, đầu thu, có người bê nguyên mẹt hoàng lan, ngọc lan đi bán rong. Đôi khi gặp cả những chùm hoa cau. Có lần, tôi lẽo đẽo theo sau những hàng rong mang hương ký ức cả quãng dài. Thế mà từng có lúc, tưởng nếp xưa đứt mạch. Nhưng đến khi chứng kiến cô gái Bùi Băng Giang trình bày một mẹt hoa lễ, cái cảm giác không chỉ là phấn khởi trước nếp xưa lối cũ... Băng Giang cẩn thận xếp mấy quả phật thủ quanh chiếc mẹt tre. Quả phật thủ tạo “giá đỡ” cho những bông sen quan âm phía bên trên. Một chùm hoa cau trắng muốt đặt chính giữa. Kế đó, Băng Giang sắp những bông bưởi phía dưới chùm hoa cau. Ở vành mẹt, cứ mỗi quả phật thủ lại được “xen cấy” thêm một chùm hoa bưởi. Mẹt hoa được tô điểm thêm bằng một bông sen quan âm hồng. Có trắng của bưởi, có màu xanh - vàng của phật thủ và màu hồng ấm áp của sen quan âm. Cô bảo: “Mùa lạnh, những loài hoa có hương ít. Chủ đạo là hoa bưởi, hoa cau. Nhưng cho thêm sen quan âm hồng để tạo sự ấm áp”.
Băng Giang đến với “hoa tâm linh” một cách tình cờ. Làm du lịch và “thất nghiệp” khi dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020, Băng Giang lập doanh nghiệp Comida Ngon (comida tiếng Tây Ban Nha là “thực phẩm”), có trụ sở ở phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để bán thực phẩm. Giang giới thiệu bánh Trung thu, với phụ kiện là chiếc mẹt tre và những bông hoa hoàng lan, ngọc lan. Vừa tung lên mạng, phản hồi bay về tới tấp. Chủ yếu là... hỏi mua hoa. Băng Giang chuyển hướng ngay sang kinh doanh “hoa tâm linh”. Nhưng thay vì gói hoa một cách đơn giản như các cụ thuở trước, với kiến thức thu được từ những năm tháng làm du lịch, Băng Giang cùng đồng nghiệp “tái sinh” những loài “hoa tâm linh” của đất Hà thành dưới một hình thức mới. Những mẹt hoa được phối khéo léo với hoa sen, hoa cau, hoa nhài, hoa móng rồng, hoa hoàng lan, ngọc lan... trên nền chiếc mẹt tre mộc mạc. Cũng có thể, đó là một hộp hoa làm quà, mà khi mở ra không thể không bất ngờ khi hương thơm ùa ra. Tùy theo mùa, Băng Giang phối thêm các loại phật thủ, quả thị, quả hồng... hay quả cau, lá trầu... Ngày Tết, thường sẽ có một cành bích đào nhỏ ấm cúng ở trung tâm.
Từ bà Thu hoa cúng ở phố Hàng Khoai, đến cô gái trẻ Bùi Băng Giang, nền nếp Tràng An không chỉ hồi sinh mà còn được “nâng tầm”. Không riêng Hà Nội, không riêng Việt Nam có những loài hoa ấy. Nhưng cách ứng xử với hoa tạo nên văn hóa. Những loài hoa ấy hợp thành mẹt hoa tinh tế, trang nhã, là một thứ để “nhận diện” văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam.
Tôi nhớ lại cảm xúc những năm trước khi ngắm góc phố Hàng Khoai của bà Thu. Cái mối lo về lề lối Tràng An phôi phai, xô lệch là có thực. Nhưng hình như cái đẹp có một sức mạnh riêng. Người Hà Nội tinh tế ở thú chơi. Còn nhớ, một thời đào thất thốn “mất tích”. Thế rồi lại có một Lê Hàm đất Nhật Tân. Dầm mưa, dãi nắng, hứng gió, chịu sương giữa đồng bãi để khôi phục bằng được đào thất thốn. Bây giờ, thất thốn đã trở về từ trong “truyền thuyết”.
Cũng chung số phận với đào thất thốn là thú chơi hoa thủy tiên. Nhà văn Vũ Bằng trước là người kỳ công nhất, với hẳn một áng văn “Ăn Tết thủy tiên”. Biết bao công sức, ngày ngày ngóng cơn nồm, cơn may để khi hãm, khi thúc. Từ lúc gọt, lúc chăm, từ lần thay nước cho đến khi “rước” thủy tiên đi thi. “Người ta thấy rằng đó không còn là một thú chơi nữa, mà là cả một sự thành kính, tôn thờ”. Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, đến mãi những năm 2000, cũng phải nửa thế kỷ không ai gọt thủy tiên nữa. Ngay cả những nghệ nhân già ở đất Nghi Tàm lừng danh một thuở cũng lắc đầu tiếc nuối khi nói về hoa thủy tiên. Khi thủy tiên trở về, thì lối chơi xưa lại mất. Những cành, những lá cứ thẳng đuỗn như nhánh hành. Bây giờ, lại xuất hiện một “kỳ nhân thủy tiên” - lão nghệ nhân Nguyễn Phú Cường, người mất cả chục năm tìm lại lối chơi xưa. Lối chơi hướng đến vẻ đẹp “ngũ tuyệt”: Đẹp hoa, đẹp lá, đẹp rễ, đẹp hương và đẹp cả dáng thế. Giờ, người chơi thủy tiên ở Hà Nội có đến hàng trăm. Người khéo nghề cũng hàng chục. Những hội, những nhóm, những diễn đàn hoa thủy tiên cứ sang tháng Mười ta là bắt đầu sôi nổi, rồi sau đó bắt đầu gọt “thí điểm”, để chuẩn bị sang Chạp, gọt cho mùa Tết. Học trò hàng “đệ nhất” của nghệ nhân Nguyễn Phú Cường là anh Phùng Thế Minh. Anh Minh bảo rằng, rất khó để so sánh ngày xưa với hôm nay. Nhưng bây giờ, điều kiện giao lưu, điều kiện kinh tế hơn hẳn các cụ ngày xưa, thế nên xác suất để gọt ra những bát thủy tiên đẹp cũng cao hơn...
Cuộc sống vẫn đổi thay. Nhưng những cái đẹp dường như luôn có một sức mạnh riêng, như một dòng chảy riêng ở mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.