Đình làng - nơi lưu giữ hồn quê xứ Đoài

Xưa và nay - Ngày đăng : 17:47, 25/07/2021

(NSHN) - Người xưa có câu "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài", đến nay, xứ Đoài vẫn còn nguyên vẹn những đình làng nổi tiếng như: Đình Chàng, đình Tây Đằng (huyện Ba Vì), đình So (huyện Quốc Oai), đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ), đình Mông Phụ (thị xã Sơn Tây)... Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự tâm linh mà còn gắn kết cộng đồng dân cư; là trung tâm thiết chế văn hóa, phong tục tập quán, hương ước của làng; đình làng xứ Đoài cũng chính là chứng tích văn hóa vùng, luôn hưng thịnh, là niềm tự hào của mỗi người dân trong vùng.

Đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) tọa lạc trên vùng đất đắc địa, tiền hướng sông - hậu tựa núi, đình So được coi như điểm tụ thủy - tụ phúc cho dân làng So.

Ai từng đến làng So thuộc xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) không chỉ thích thú với những phên miến ngon nức tiếng trong vùng phơi ngay cạnh đình làng mà còn được cảm nhận hồn quê lắng đọng nơi đây.

Ông Vương Đình Nghĩa, Ban Quản lý di tích lịch sử đình So, khẳng định đình So tọa lạc trên vùng đất đắc địa, tiền hướng sông - hậu tựa núi, đình So được coi như điểm tụ thủy - tụ phúc cho dân làng So. Cổng tam quan rất đẹp với dãy bậc thang đá 18 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt. Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất.

Quy mô kiến trúc theo kiểu nội công - ngoại quốc trên diện tích 1.100m². Tổng cộng tất cả tòa ngang dãy dọc của đình gồm 55 gian với 64 cột lớn/nhỏ. Các mảng chạm khắc tích hợp nhiều phong cách khác nhau, tạo sự đa dạng trong trang trí.

Ông Vương Trí Quy - người dân xã Cộng Hòa tự hào chia sẻ, đình So không chỉ đẹp về kiến trúc, giàu về tâm linh mà còn là nơi hội tụ của những người con quê hương. Đặc biệt, những người xa quê khi nghĩ về cây đa, bên nước, sân đình làng So đều dâng lên niềm tự hào. Với người làng So, bố mẹ luôn sống chung hòa thuận với con trưởng, khi nhà có công việc, họ hàng, anh em, xóm làng cùng giúp đỡ đầy ân tình. Cốt cách làng quê thấm vào các thế hệ cho tới lớp trẻ ngày nay. Mỗi năm 2 dịp vào mùa xuân và mùa thu, đình làng So lại rộn ràng những khóa lễ, hội chính, đây là dịp để người dân bồi đắp tình làng nghĩa xóm, tình quê hương...

Bà Đức Thị Hòa, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa khẳng định, làng So đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đời sống ngày một khấm khá nhờ các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn... Song, để giữ hồn quê với truyền thống tốt đẹp, đưa Cộng Hòa thành miền quê đáng sống thì những giá trị văn hóa, lịch sử của đình làng So là điểm nhấn trung tâm.

Ngoài đình So, một trong những đình làng đẹp nức tiếng xứ Đoài phải kể tới đình Tường Phiêu. Ông Khuất Văn Thịnh, Ban Quản lý di tích lịch sử làng Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) cho hay, nằm trong cái nôi nền văn hóa xứ Đoài, có bề dày di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ngôi đình Tường Phiêu thờ Đức Thánh Tản Viên nổi tiếng là di tích tiêu biểu của huyện Phúc Thọ về kiến trúc nghệ thuật thời Lê.

Đình nhìn về hướng Tây Nam - hướng được lựa chọn nhìn về ngọn núi Ba Vì - nơi có đền thờ Thánh Tản Viên. Vào những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở đình nhìn núi Ba Vì khá rõ nét. Đình Tường Phiêu có nhiều lễ trong năm, trong đó, ngày lễ dịp rằm tháng Giêng hằng năm là ngày lễ lớn nhất.

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đình Tường Phiêu vẫn là biểu tượng của làng, của khối đại đoàn kết toàn dân. Việc bảo tồn, gìn giữ di sản thể hiện sự tri ân, đóng góp giá trị truyền thống vật chất và tinh thần của cha ông...

Một trong những đình làng đẹp có tiếng xứ Đoài phải kể tới đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ).

Trên đây là hai trong số rất nhiều đình làng xứ Đoài nổi tiếng. Nhà văn Hà Nguyên Huyến - một người con đất Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) tha thiết khi nói về đình làng: Xứ Đoài luôn xứng đáng là nơi lưu giữ được nhiều nhất và được mệnh danh là một trong 4 nôi văn hóa của Đồng bằng sông Hồng. Đến xứ Đoài đồng nghĩa với đặt chân lên tầng tầng lớp lớp công trình văn hóa, đình, chùa, đền, miếu... được bảo tồn bền vững trong cộng đồng dân cư.

Hôm nay, ngoại thành Hà Nội từng ngày đổi mới, nhiều làng quê trong quá trình đô thị hóa, những chiếc cổng cổ mái vòm cài then gỗ, những giếng làng, đình làng uy nghiêm sừng sững... nếu không được bảo tồn thì rất có thể dần dần chỉ còn trong ký ức mỗi người.

Song, dù đổi thay ra sao thì chắc chắn vùng quê "xứ Đoài mây trắng" của Thủ đô ngàn năm văn hiến vẫn tồn tại những ngôi đình làng cổ kính bởi đó là biểu tượng cho nét văn hóa độc đáo, là nơi gắn bó cộng đồng dân cư và trở nên thân thuộc như máu thịt của mỗi người dân trong vùng. "Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu", thân thương đến thế thì những ngôi đình làng chắc chắn trường tồn mãi mãi cùng thời gian...

Bạch Thanh