Hà Nội xưa có bao nhiêu cửa ô?
Xưa và nay - Ngày đăng : 06:18, 10/10/2020
Khi rời Hoa Lư ra vùng đất có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, Lý Công Uẩn lập ra nhà nước Đại Việt, cho xây thành Thăng Long trên khu vực thành Đại La cũ với quy mô lớn hơn. Thành Thăng Long thời Lý được xây dựng theo kiểu “tam trùng thành quách”, nơi vua ở gọi là Cung thành, khu vực phía ngoài là Hoàng thành. Giữa Cung thành và Hoàng thành có tường ngăn cách. Khu vực ngoài Hoàng thành gọi là Thị thành. Giữa Hoàng thành và Thị thành cũng có tường ngăn. Bao bọc cả ba khu vực này là lũy đất đắp cao gọi là La thành. Đây cũng là đê ngăn nước lũ sông Tô Lịch, sông Hồng.
Trên lũy La thành có nhiều cửa ra vào và lính gác. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép về các cửa thành này từ năm 1308, khi vua Trần Anh Tông trị những kẻ có tội: “Mùa đông, tháng 11, trị tội những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân. Tên Hân bị chém ở cầu Giang Khẩu, tên Trù ở cửa thành chợ Dừa (nay là Ô Chợ Dừa), tên Tổng ở cửa thành Tây Dương (nay là Cầu Giấy), tên Dung ở cửa thành Vạn Xuân (nay là Ô Đống Mác)”.
Tuy nhiên, dường như tên gọi “cửa ô” mới chỉ được dùng sau khi chúa Trịnh Doanh đắp lại vòng tường thành dài 16km vào năm 1749, trên cơ sở tường lũy thời Mạc. Trên tường thành có nhiều cửa ra vào thành. Các cửa này có mái che nắng, che mưa cho lính canh. Trong một số văn bản Hán tự đã dùng từ “ổ môn” để gọi các cửa ô, chữ “ổ” với nghĩa là lũy, ụ. Từ này được dùng trong Hoàng Lê nhất thống chí khi thuật chuyện chúa Trịnh Khải thua trận trước Nguyễn Huệ năm 1786, chạy khỏi kinh thành qua “cửa ô Yên Hoa” (nay là Yên Phụ). Nhưng Hà Nội xưa có bao nhiêu cửa ô?
Trong các văn bản địa chí chính thức có nói đến cửa ô như Bắc thành dư địa chí (do Tổng trấn Lê Chất tổ chức biên soạn dưới thời Minh Mạng), Hà Nội địa dư (do Dương Bá Cung soạn năm 1851 theo sắc chỉ của vua Tự Đức), Phương Đình dư địa chí loại (do Nguyễn Văn Siêu và Bùi Ngọc Quỹ soạn năm 1882, khắc in năm 1900), Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ (do Đặng Xuân Khanh biên soạn, EFEO 1956) đều xác định Hà Nội có 21 cửa ô: “Đến năm Kỷ Tỵ (1749) đời Cảnh Hưng, cho rằng kinh sư vốn là vùng đất căn bản, bá quan lục quân đều đóng ở đấy, thế mà bốn phía hở thông thống chẳng có thành lũy gì che chắn, bèn lệnh cho dân ở các huyện ven kinh kỳ khởi công đắp thành, mở ra 8 cổng và các cửa ô tả hữu rồi chia quân lính tới túc trực canh giữ. Ngày nay, thành ấy còn lại di chỉ dài 7.762 tầm, với 21 cửa ô” (Bắc thành dư địa chí).
Mặc dù các văn bản trên đều nói có 21 cửa ô, nhưng thực tế thống kê tổng hợp từ các nguồn cũng như trên các bản đồ, chỉ xác định được 18 cửa ô và vị trí của 17 cửa ô. Có lẽ cần nghiên cứu thêm để tìm ra nguyên nhân của sự chênh lệch này. Trong bản đồ tỉnh thành Hà Nội 1831 là Hoài Đức phủ toàn đồ do Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ, được Trần Huy Bá vẽ lại và chú giải bằng chữ quốc ngữ năm 1956, chỉ có 16 cửa ô.
Nhưng theo cuốn Thăng Long cổ tích khảo (lưu tại Viện Hán Nôm), có thêm hai cửa ô nữa là Trung Liệt (Ông Tượng) và Nhân Hòa (Hàng Dê). Trong bản đồ 1866 chỉ còn 15 cửa ô, con số này lặp lại trên bản đồ Hà Nội 1885 do người Pháp lập năm 1902, và được ghi chú bằng chữ quốc ngữ. Cũng năm này, tấm bản đồ do Phạm Đình Bách vẽ lại hiện trạng năm 1873 có danh sách 15 cửa ô bằng song ngữ và có đánh số. Có lẽ việc chỉ còn 15 cửa ô là do nhà Nguyễn đã chia lại địa giới hành chính, sáp nhập một số phường và vì thế, cửa ô cũng mất theo.
Năm 1890, tấm bản đồ bằng tiếng Pháp còn đánh dấu một số cửa ô sót lại như: Porte Mandarine (Ô Đồng Lầm), Porte du Roi (Ô Chợ Dừa), Porte de Sontay (Ô Cầu Giấy), Porte de Hué (Ô Cầu Dền)... Cùng với Ô Quan Chưởng, đây là số ít địa danh có chữ “ô”. Về hình thức của các cửa ô, cơ bản có hai loại: Loại có cửa vòm bên trên là lầu gác (Ô Quan Chưởng), và loại chỉ có hai trụ biểu cùng hai cánh cổng gỗ mở vào.
Ngày nay, tên của các địa danh xưa có chữ “ô” đứng trước vẫn còn, nhưng chỉ hai địa danh còn chữ “ô” là phố Ô Quan Chưởng và đường Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên, với lịch sử, Hà Nội xưa vẫn có 21 cửa ô.