Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số
Lối sống - Ngày đăng : 12:35, 23/03/2023
Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50 dân tộc sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc nhằm hỗ trợ, chăm lo cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chỉ còn 0,53% (tính đến cuối năm 2021). Thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc, miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc xã khu vực I).
Trong giai đoạn 2021-2022, huyện Quốc Oai được thành phố Hà Nội bố trí 235,5 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn cho 2 xã miền núi Phú Mãn và Đông Xuân. Trong đó, Đông Xuân là xã thuộc vùng dân tộc miền núi của huyện Quốc Oai. Đây là một trong hai xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô không có hộ nghèo. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm nhiều hơn. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, xã Đông Xuân còn triển khai nhiều giải pháp lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm cho biết, được sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai, xã Đông Xuân đã thành lập các đội văn nghệ, đội cồng chiêng tại 7/7 thôn và thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ cộng đồng.
Còn tại huyện Thạch Thất, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay cả 3 xã đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng chia sẻ, cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, để lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, huyện còn xây dựng riêng đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số”. Trong năm 2022, huyện tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, tổ chức ngày hội thể thao cho đồng bào 3 xã miền núi...
Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND Thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Trong giai đoạn I từ 2021 - 2025, Thành phố dự kiến bố trí kinh phí đầu tư cho 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 2.100 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư công là 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp gần 500 tỷ đồng. Đến nay, Thành phố đã bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng kết cấu hạ tầng là 935,700 tỷ đồng cho 81 dự án, đã hoàn thành trên 30 dự án, tỷ lệ giải ngân đạt trên 92% kế hoạch. Nguồn vốn sự nghiệp mà Thành phố bố trí là 5,879 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 100% theo kế hoạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, thời gian qua, Thành phố đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo bền vững như trợ cấp hằng tháng cho đối tượng không có khả năng thoát nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, chi phí học tập. Thành phố còn hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo và 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Mặc dù vậy, trong năm 2022, theo Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Phúc Hải, bên cạnh những kết quả đạt được thì một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND. Việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở một số địa phương chưa thực sự sát sao trong kiểm tra, đôn đốc nên chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, có dự án việc lập quy hoạch không sát thực tế nên phải điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư. Các danh mục dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp các đơn vị, địa phương chậm lập, phê duyệt, đề xuất đề án, dự án với UBND thành phố để có cơ sở cấp vốn thực hiện.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở vùng dân tộc thiểu số còn khoảng cách xa so với thu nhập bình quân chung toàn thành phố. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2023 là tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố, đảm bảo đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng nhằm tích cực hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố.
Từ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, huyện đã xác định năm 2023 là năm tăng tốc để phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng là thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đồng thời triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố đảm bảo đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng.
Để thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 253/KH-UBND, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và thành phố đảm bảo đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng. Cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn.
“Cần đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói riêng” - đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu.