Đông Anh: Nông thôn đã mang dáng dấp của đô thị
Lối sống - Ngày đăng : 12:31, 23/03/2023
Tích hợp 2 bộ tiêu chí để thực hiện
Năm 2022, xã Kim Chung có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt từ 12 đến 14%/năm; thu nhập bình quân ước đạt 75 triệu đồng/người/năm. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhuế (xã Kim Chung) Đỗ Trung Ngự cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhân dân được hưởng rất nhiều thành quả, điện - đường - trường - trạm khang trang.
“Trước kia, trong các khu dân cư còn để bậc thềm lấn chiếm lòng đường; xây dựng nông thôn mới nâng cao, chúng tôi vận động người dân xóa bỏ. Ngoài ra, tất cả ngõ, xóm đều có điện thắp sáng, các thôn đều có công viên mini để người dân thư giãn, thể dục. Nông thôn đã mang dáng dấp của đô thị", ông Ngự nói.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, năm 2016, Đông Anh là một trong hai đơn vị đầu tiên của thành phố Hà Nội vinh dự được đón “Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015” của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2018, Thành ủy quyết định chỉ đạo huyện tập trung xây dựng và thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Đông Anh trở thành quận.
Để thực hiện, huyện Đông Anh đã hợp nhất Bộ tiêu chí huyện thành quận và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với các chỉ tiêu của Đại hội đảng bộ huyện đề ra. Việc hợp nhất Bộ tiêu chí cấp huyện, xã được thực hiện theo nguyên tắc: Lấy chỉ tiêu, nhiệm vụ cao nhất ở các bộ tiêu chí để thực hiện và chỉ đạo xây dựng, ban hành 15 đề án thành phần xây dựng huyện thành quận.
Sau khi hợp nhất Bộ tiêu chí cấp huyện và xã, huyện Đông Anh đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn 2021-2025 và từng năm. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng, cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông nông thôn và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế… Việc tích hợp Bộ tiêu chí vừa giúp huyện tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được kinh phí đầu tư.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí giao thông đòi hỏi không chỉ có hệ thống đường liên xã, đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, mà còn phải có hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% số thôn phải có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi…
Kết quả, đến nay, huyện Đông Anh đã hoàn thành 28/31 chỉ tiêu huyện thành quận và 10/13 tiêu chí xã, thị trấn thành phường, đủ điều kiện được công nhận thành quận, thành phường. Đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; có 12 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, huyện đã đạt yêu cầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình số 04 của Thành ủy đề ra.
Phát triển đô thị gắn với bảo tồn văn hóa
Chủ tịch UBND xã Đông Hội Đặng Xuân Thiện cho biết, nằm ở cửa ngõ kết nối giao thông giữa huyện Đông Anh, quận Long Biên đi các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Đông Hội đang phát triển theo hướng đô thị với nhiều dự án được quy hoạch, như: Trung tâm Triển lãm quốc gia quy mô 90ha; Khu đô thị mới Đông Anh quy mô 387ha… Năm 2022, tổng giá trị sản xuất tại Đông Hội đạt khoảng 1.200 tỷ đồng; trong đó, nông nghiệp chỉ chiếm gần 2,4%, còn lại là thương mại, dịch vụ… Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 75 triệu đồng/người/năm.
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Anh, toàn huyện hiện có 98,7% thôn, làng có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn; 68 công viên mini phục vụ đời sống nhân dân; 100% thôn, làng, tổ dân phố có điện chiếu sáng bằng hệ thống đèn led tiết kiệm điện; 95% tuyến phố có điện chiếu sáng đô thị.
Thực hiện đề án trồng và quản lý cây xanh, huyện Đông Anh đã khai thác và quản lý được hơn 155ha đất thuộc quỹ đất công để trồng cây xanh, phục vụ đời sống nhân dân; có 444 ao hồ được lập hồ sơ quản lý, đầu tư đồng bộ và kè sạch đẹp, tạo ra các tiểu công viên xanh - sạch - đẹp trong mỗi thôn, làng. Diện mạo nông thôn ở Đông Anh ngày càng thay đổi theo hướng đô thị, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay, Đông Anh đã và đang trở thành một trong những không gian trọng yếu, có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không quốc gia, gắn kết khu vực đô thị hai bên sông Hồng. Huyện xác định phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng, bởi Đông Anh là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa. Nơi đây nổi tiếng với địa danh Cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt.