Thị trường nội địa - thêm cơ hội lớn cho làng nghề của Phú Xuyên
Lối sống - Ngày đăng : 16:11, 22/03/2023
Từ 2-3 năm nay, nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề của Phú Xuyên chuyển hẳn sang sản xuất phục vụ thị trường trong nước thay vì xuất khẩu như trước đây. Nhiều người nhận định, thị trường nội địa cũng là mảnh đất “màu mỡ”, nhiều tiềm năng không kém thị trường xuất khẩu. Nếu song hành được thì làng nghề sẽ hưng thịnh hơn rất nhiều...
Anh Bùi Xuân Lợi, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ ở xóm Cầu Gầm (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên) cho biết, cơ sở của gia đình anh sản xuất hộp tiết kiệm, tráp đựng quà cùng hàng trăm mẫu quà tặng mini khác nhau và mẫu mã thay đổi theo tháng. Cơ sở cũng có nhiều mẫu hàng được công nhận 3 sao, 4 sao trong Chương trình OCOP của thành phố.
"Chúng tôi bán buôn cho điểm bán hàng lưu niệm trong cả nước và cá nhân bán hàng online… Nhiều mẫu đẹp như: Khay đựng trà, hộp tiết kiệm, hộp đựng đồ trang sức… làm không đủ bán. Trong khi các cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu chững lại, mình mới vào nghề nên chọn thị trường trong nước. Khi lựa chọn phân khúc này cũng nghĩ lợi nhuận không cao, do giá thành hạ nhưng bù lại lượng hàng tiêu thụ ổn định, các đơn đặt hàng vừa với quy mô sản xuất. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... cũng giúp cho việc tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều", anh Lợi nói.
Chia sẻ về bí quyết thâm nhập thị trường nội địa đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, anh Bùi Xuân Lợi, cho biết: Vòng quay, tuổi đời của một mẫu hàng bán trong nước không kéo dài, nghĩa là vừa lo sản xuất lô hàng này xong, mình đã phải chuẩn bị mẫu hàng mới để chuẩn bị “lên sóng”. Đơn cử như mỗi ngày gia đình tôi xuất đi vài trăm chiếc hộp tiết kiệm bằng gỗ, loại này bán rất chạy, nhiều công ty, doanh nghiệp còn gắn logo, thương hiệu làm quà tặng. Nhưng không vì thế mà tôi sản xuất ồ ạt mà bắt đầu chuyển sang các mẫu hộp đựng trang sức, đồng hồ… phối kết hợp gỗ với đồ da, gỗ với vải, gỗ với mạ vàng, đồng… Các món hàng này độc, lạ, giá vừa túi tiền của nhiều người.
Tương tự, tại làng nghề cỏ tế xã Phú Túc, anh Nguyễn Văn Quân, chủ cơ sở chuyên sản xuất đồ cỏ tế, mây tre đan phục vụ thị trường nội địa cho hay, hiện các loại giỏ quà, lẵng hoa, khay để bàn, làn đi chợ… được rất nhiều người sử dụng. Trước đây, các loại hàng hóa phục vụ thị trường nội địa chỉ sôi động vào dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu quà tặng tăng cao, nhưng nay thì làng nghề làm quanh năm không hết việc...
Anh Quân cho biết, đã có thời gian dài, các doanh nghiệp trong ngành tập trung sản xuất sản phẩm xuất khẩu, xem nhẹ và không đánh giá cao thị trường trong nước. Nguyên nhân, một phần do hệ thống phân phối tại thị trường nội địa còn ít, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, nhiều người chưa biết bán sản phẩm cho ai, hàng hóa bị tồn đọng, luân chuyển chậm… dẫn tới thị phần hàng mây, tre tại thị trường nội địa còn khiêm tốn…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề chuyển hướng tiếp cận bán hàng online trên nền tảng Zalo, Viber, Facebook... Thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ mặt hàng tự làm, chào giá, bán trên nhóm và nhờ thành viên trong nhóm kết nối với khách hàng… Việc tiêu thụ vì thế nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân, đối với nhiều làng nghề, hiện nay, việc giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ quốc tế tốn kém, các doanh nghiệp ít kinh nghiệm tìm hiểu thị trường nước ngoài, chưa thông thạo các công ước quốc tế, hạn chế hiểu biết nhu cầu thị trường và tiếp cận với đối tác nước ngoài… Trong khi đó, tiềm năng tiêu thụ tại thị trường trong nước đối với sản phẩm đồ gỗ, mây, tre, cói rất lớn. Với cách "đi bằng cả 2 chân" giúp các làng nghề sôi động, đa dạng hàng hóa với nhiều phân khúc thị trường - đây là tín hiệu đáng mừng. Thời gian tới, huyện Phú Xuyên tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất tốt, xây dựng sản phẩm OCOP cho các làng nghề, nâng tầm chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường nội địa.