Giữ gìn và phát triển làng nghề may ở Vĩnh Trung
Lối sống - Ngày đăng : 10:28, 17/03/2023
Trải qua nhiều bước thăng trầm
Đến thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng hôm nay, nhiều người ngỡ ngàng trước một vùng quê ngày càng khởi sắc, đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, góp phần tạo nên vùng quê giàu có, trù phú.
Bà Nguyễn Thị Hường – Trưởng thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng cho biết, nghề may ở thôn Vĩnh Trung không biết có từ bao giờ. Từ xa xưa, thuở chưa có máy may, người dân trong làng đã nổi tiếng khéo tay khâu vá, làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường. Sản phẩm khá đa dạng từ quần áo, khăn đến chăn màn... mang bán ở chợ, phục vụ người dân trong xã và vùng lân cận.
“Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của làng nghề truyền thống Hà Nội nói chung và nghề may Vĩnh Trung nói riêng. Bằng sự nhạy bén với thị trường, người dân trong thôn đã chuyển sang may khẩu trang vải. Thời điểm đó, các máy may tại thôn Vĩnh Trung hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày, hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang vải được đưa ra thị trường tiêu thụ, mở ra hướng đi mới để làng nghề có thể trụ vững, giúp nhiều nhân công của làng nghề thêm việc làm và thu nhập trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Hường cho biết thêm.
Dù trải qua rất nhiều khó khăn vất vả trong phát triển, nhưng đến năm 1998, nghề may bắt đầu phục hồi và phát triển mạnh. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường, những người thợ nơi đây không dừng lại ở việc nâng cao tay nghề mà rất nhiều gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh, trở thành những cơ sở sản xuất có tiếng trên thị trường.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất may tại làng nghề truyền thống Vĩnh Trung nhanh chóng khôi phục, giữ mức tăng trưởng khá, sản phẩm chủ lực là quần áo thời trang, đồng phục, khẩu trang, áo chống nắng, quần áo thể thao…
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, chủ một cơ sở may, chia sẻ, người làm may ở Vĩnh Trung tâm niệm rằng, để có thể thành công, đứng vững trên thị trường bên cạnh hàng loạt công ty may mặc lớn, thì việc chọn chất liệu tốt, giá cả phù hợp là “chìa khóa” để sản phẩm may làng Vĩnh Trung sản xuất đến đâu được tiêu thụ đến đó, không có hàng tồn, giúp người dân yên tâm gắn bó với nghề.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm
Nói về làng nghề may truyền thống của thôn Vĩnh Trung, Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn cho biết, thôn Vĩnh Trung có 1.024 hộ, hầu như nhà nào cũng có máy may, trong đó có trên 40% hộ làm nghề, 30 công ty, xưởng sản xuất với 30-70 công nhân. Nghề may vừa đem đến công việc cho lao động chính vừa là việc làm thêm cho lao động phụ. Người già hay trẻ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất, có thu nhập ổn định. Nhiều gia đình vươn lên khá, giàu, trong thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 68-70 triệu đồng/người/năm. Nhiều người dân vươn lên làm chủ, nhập vải từ nhiều nơi, làm ra sản phẩm tiêu thụ trong cả nước. Những điều này góp phần quan trọng để xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Vừa qua, làng nghề may thôn Vĩnh Trung được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề Hà Nội. Để làng nghề phát triển ổn định, bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân, xã Đại Áng định hướng động viên nhân dân đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xã tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường làng nghề; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao đời sống người dân, để xã Đại Áng ngày càng giàu đẹp văn minh.