Bảo tồn cây dược liệu của người Dao Ba Vì
Lối sống - Ngày đăng : 16:33, 14/03/2023
Nguồn tài nguyên vô giá
Theo Lương y Triệu Thị Dung ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, vùng núi Ba Vì có hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu, để tìm được những vị thuốc quý hiếm ẩn mình trên núi cao đại ngàn, người Dao phải khổ công lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để tìm kiếm những bài thuốc quý. Theo kinh ngiệm được tích lũy từ đời này qua đời khác của người Dao, thuốc được sử dụng theo cách thông thường là sắc thuốc để uống.
“Cùng với sự phát triển của thị trường, người Dao xã Ba Vì đã tự nghiên cứu kết hợp hàng trăm cây thuốc để chế ra một số loại cao chữa được nhiều bệnh khác nhau. Hiện đã có nhiều bài thuốc hữu hiệu được chế biến cho thuận tiện khi sử dụng nhưng vẫn giữ được công dụng của chúng”, Lương y Triệu Thị Dung cho biết thêm.
Không chỉ với những bài thuốc quý giá từ các lương y của địa phương, theo thời gian, sau những chuẩn bị kỹ càng, cuối năm 2021 cùng sự phát triển, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã đầu tư nhà máy sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu khoa học về dược liệu, mang lại những sản phẩm chất lượng, đủ tầm để tiếp cận thị trường thế giới. Lương y Lăng Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn cho biết, với mong muốn nâng cao giá trị các bài thuốc nam của người Dao tại thị trường, Hợp tác xã xây dựng nhà máy quy mô lớn để sản xuất các loại thuốc đa dạng. Vẫn là dược liệu truyền thống song quy trình sản xuất được khép kín hoàn toàn; thay vì đun thuốc trên bếp củi, với nhà máy GMP, thuốc cao của Hợp tác xã được cô đặc bằng nồi nấu chân không kết hợp pha chế trong các bồn hút chân không… tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn chất lượng...
Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lương Văn Hà cho biết, trước đây, đồng bào dân tộc người Dao ở xã Ba Vì sống giữa lưng chừng núi Tản Viên (độ cao từ 600-800m) và sinh kế gắn chặt với rừng. Từ năm 1991, khi Vườn Quốc gia Ba Vì hình thành, nông dân phải di dân tái định cư xuống xuống độ cao dưới 100m (ngoài địa giới của Vườn). Nhờ đó, người Dao Ba Vì đã lưu giữ những tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc rất đa dạng và chế biến trên 60 bài thuốc được Bộ Y tế công nhận. Người Dao có kinh nghiệm cha truyền con nối với nghề làm thuốc. Hiện, cả xã có 301 hộ gia đình theo nghề làm thuốc nam với các hình thức tổ chức kinh doanh: Nhà thuốc gia truyền (1 nhà); hợp tác xã kinh doanh thuốc nam (24 hợp tác xã); còn lại là các hộ kinh doanh cá thể về thuốc nam, kinh doanh nguyên liệu cung cấp cho các nhà thuốc.
Tại vùng núi Ba Vì có khoảng trên 500 loài dược liệu, được phân thành 118 hộ và 321 chi và đều được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị 33 chứng bệnh khác nhau... Do đó, chỉ có trồng và phát triển dược liệu để chế biến thuốc nam mới có thể thoát nghèo; trước đây tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn xã chiếm 60-70%, nhưng đến nay số hộ nghèo chỉ chiếm 1,8%. Nông dân nơi đây đang làm giàu từ nghề trồng và chế biến cây dược liệu.
Giữ gìn và bảo tồn “viên ngọc" quý
Được ví như "viên ngọc" quý của người Dao Ba Vì, hiện nay, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm này đang cạn kiệt và bị đe dọa tuyệt chủng do quá trình thu hái không bền vững trong khoảng thời gian dài. Đa số các hộ làm thuốc có quy mô gia đình nhỏ lẻ nên khó có tiềm lực đầu tư bài bản; sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất đến bào chế, mẫu mã, bao bì và giấy tờ minh chứng chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng...
Để phát triển và bảo tồn các loại thuốc nam quý của địa phương, xã đã triển khai được 5ha trồng và chăm sóc cây thuốc Nam theo hướng an toàn. Việc bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam không chỉ góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân tộc Dao ở Ba Vì mà còn bổ sung vào kho tàng thuốc Nam của cả nước. Hiện nay, người Dao trẻ cũng đã đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng về y học cổ truyền để gìn giữ, phát huy các bài thuốc, cây thuốc quý của dân tộc, nối tiếp nghề của gia đình.
Mới đây, trong buổi làm việc tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nghề làm thuốc nam, tri thức và văn hóa bản địa của người Dao nơi đây xứng đáng được coi như "viên ngọc", thậm chí còn quý hơn! Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cùng chính quyền địa phương và người dân phát triển cây dược liệu. Ngoài ra, các ngành chức năng cùng thảo luận, tháo gỡ khó khăn, mở rộng không gian phát triển cây dược liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thuốc Nam theo chuẩn GMP, tạo nên thương hiệu thuốc Nam của người Dao Ba Vì.