Tết về ở huyện vùng cao Ba Vì
Lối sống - Ngày đăng : 22:32, 16/01/2023
Khởi sắc nông thôn mới
Ba Vì là xã vùng sâu, vùng xa nên những năm trước đây thường là huyện có nhiều hộ nghèo nhất Thủ đô. Xã có 3 thôn: Yên Sơn, Hợp Sơn, Hợp Nhất với hơn 500 nóc nhà, chiếm 98% dân số là đồng bào Dao. Từ ngày thực hiện xây dựng nông thôn mới, mảnh đất nơi rẻo cao này thực sự chuyển mình với hạ tầng được Nhà nước hỗ trợ đầu tư khang trang, người dân có sinh kế tốt từ nghề thuốc Nam truyền thống. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, năm 2021, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cuối năm là thời điểm nhiều gia đình người Dao ăn Tết nhảy, Tết tất niên khiến bản Dao Ba Vì trở nên tưng bừng và lung linh bởi những điệu múa, tiếng kèn, chiêng, trống, rộn ràng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, huyện có 7/30 xã miền núi là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh sự phong phú, giàu bản sắc văn hóa thì khu vực miền núi của huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm của các xã khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đều rất thấp. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, hạ tầng nông thôn trên địa bàn các xã từng bước được hoàn thiện. Đến nay, huyện có 100% tuyến đường trục xã, liên xã; trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng được bê tông hóa; các thôn đều xây dựng được nhà văn hóa, trường học, trạm xá khang trang... Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Ba Vì đã đạt 61,5 triệu đồng/người...
Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã quan tâm, chú trọng huy động tối đa nguồn lực với tổng nguồn vốn gần 10.000 tỷ đồng. Nhiều cách làm hay, mô hình mới đã phát huy hiệu quả như Phong trào thi đua “xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” huy động được hơn 64 tỷ đồng (bao gồm hơn 42 tỷ đồng tiền mặt và hơn 22 tỷ đồng vật chất khác). Toàn huyện đã hiến được hơn 206.519m2 đất thổ cư, 903.841,2m2 đất nông nghiệp, hơn 41.000 ngày công lao động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, đến hết năm 2022, huyện đã có 30/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn văn minh đô thị. Đối với 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đến hết năm 2022, huyện Ba Vì có 6 tiêu chí đạt; 3 tiêu chí cơ bản đạt… đủ điều kiện của huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đón Xuân tươi vui
Những ngày cuối cùng của năm cũ Nhâm Dần, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại nhiều xã của huyện Ba Vì ghi nhận không khí chuẩn bị đón Tết của người dân. Trang trại tổng hợp của gia đình ông Chu Trọng Nhung ở xã Vật Lại thời điểm này đã tiêu thụ hết bưởi Diễn và gà đồi cần bán. Ông Nhung cho biết, trang trại của gia đình rộng 12ha, trồng 2.500 cây bưởi, 150.000 cây dứa, 1.000 cây nhãn, nuôi hàng nghìn con gà đồi, 300 con lợn rừng, chưa kể ao cá... Mỗi năm gia đình có doanh thu hàng chục tỷ đồng. Riêng tiền trả công cho công nhân, chi phí đầu tư vào trang trại mỗi năm cũng lên tới hàng tỷ đồng. Tết này, gia đình có 2 sản phẩm chính là bưởi và gà đồi số lượng hàng vạn con, vạn quả đều được tiêu thụ hết. Gia đình đang dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chuồng trại, sẵn sàng tái đàn sau Tết và chăm sóc vườn cây để ra hoa đậu quả vụ mới.
Tương tự, tại vựa thủy sản Vạn Thắng, nhiều hộ dân cũng đã thu hoạch vụ cá cuối năm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Ông Lê Hữu Lập - hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thắng cho biết, gia đình nuôi cá trắm, chép, rô phi. Những năm gần đây, gia đình nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… nên đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống.
Không chỉ với mỗi gia đình, niềm vui trước thềm năm mới lan tỏa trong cộng đồng làng xóm. Những ngày cuối năm Nhâm Dần, nhân dân xã Phong Vân vui mừng khi địa phương khánh thành, đưa vào sử dụng cổng chào của xã với kinh phí xây dựng hơn 1,6 tỷ đồng. Để xây dựng cổng chào, gia đình ông Nguyễn Mạnh Thản – người dân trên địa bàn đã ủng hộ 1,35 tỷ đồng, số tiền còn lại là sự chung sức của 12 tập thể, hơn 20 dòng họ, 924 cá nhân. Chưa kể, có 4 hộ hiến đất với tổng diện tích là 229m2, tiêu biểu như hộ ông, bà: Nguyễn Văn Đăng, Lã Thị Thanh, Ngô Thị Hợp, Chúc Thị Thanh…
Huyện Ba Vì có 7 xã thuộc vùng dân tộc, miền núi giàu bản sắc văn hóa nên Tết ở nơi này luôn mang phong vị riêng. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các xã: Yên Bài, Vân Hòa… những ngày giáp Tết là không khí sôi động, tưng bừng cờ, băng rôn, khẩu hiệu mừng Đảng - mừng Xuân được trang hoàng lộng lẫy. Người dân tộc Mường ở các xã này phát triển nghề trồng chè, chăn nuôi bò sữa, làm dịch vụ du lịch nên kinh tế rất khá. Tết này, gia đình bà Man Thị Thanh ở thôn Bài, xã Yên Bài đã mua được cây đào, cây quất cùng rất nhiều hoa hồng trang trí nhà cửa. Bà Thanh cho biết đã có việc làm tại một khu du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, hai vợ chồng bà vẫn duy trì đồng ruộng, chăn nuôi gà… Cuối năm ăn Tết tất niên, bà mời con cháu, người thân, bạn bè tới dự để cùng nhìn lại năm cũ, đón năm mới với khí thế mới.
Quê hương đổi thay, dòng người hối hả sắm Tết, trang hoàng nhà cửa, ngõ xóm khiến Tết đến nơi rẻo cao Ba Vì như rộn ràng hơn, sung túc hơn...