(NSHN) - Đã bước sang đầu tháng Chạp, những cánh đào rừng bắt đầu khoe sắc trong sân nhà của các gia đình người Dao trên những sườn đồi, góc núi... của xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Đó cũng là thời điểm bà con nơi đây tổ chức Tết Nhảy.
Các bức tranh là những câu chuyện bằng hình ảnh trong thế giới tâm linh của người Dao được treo tại Tết Nhảy. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, một năm, người Dao có nhiều Tết như: Tết đầu năm, Tết Thanh minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Rằm tháng Bảy, Tết cuối năm, Tết nhảy và các nghi lễ như: Lễ cấp sắc, lễ tạ mả... Trong đó, Tết Nhảy là một trong những Tết vô cùng đặc sắc.Trước mỗi điệu nhảy hoặc múa, những người tham gia thường chuẩn bị chu đáo. Tương truyền, thuở xưa, sau lần hạn hán kinh hoàng, tổ tiên của người Dao quần chẹt đóng thuyền vượt biển tìm miền đất mới. Đang trên cuộc hành trình thì giông tố nổi lên, sức mạnh khủng khiếp như muốn nhấn chìm tất cả. Cả đoàn thuyền bê bát hương ra mui đồng loạt quỳ lạy đất trời, thần linh để được an toàn. Họ hứa nếu được sống sót, họ và con cháu sẽ tổ chức Tết nhảy trong nhiều ngày để tạ lễ. Trên thuyền lúc đó có 12 dòng họ. Để tạ ơn thánh thần, bốn nhánh họ Triệu và 11 họ khác làm Tết nhảy. Họ mổ lợn, giết gà và múa hát suốt trong 3 ngày, 3 đêm để tạ ơn.Các dụng cụ như đao, kiếm bằng tre, gỗ cùng nhiều loại vũ khí tượng trưng khác được người Dao đẽo, gọt, tô mực màu xanh, đỏ và trang trí hoa văn lên để chuẩn bị cho Tết Nhảy. Thông thường, các gia đình người Dao hơn mười năm mới tổ chức một lần, và thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Gia đình tổ chức làm Tết nhảy phải hội đủ các điều kiện như: Không có tang ma, kinh tế thông thuận… Năm nay, gia đình ông Dương Kim Liên và bà Phùng Thị Bình ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì làm Tết Nhảy. Trong suốt 3 ngày, 3 đêm (từ ngày 25 đến 27-12) trong ngôi nhà mới xây của gia đình vang lên những âm thanh rộn ràng, chũm xòe, phùng phèng bên ngọn lửa bập bùng. Mặc dù, Tết Nhảy là Tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng đến chung vui.Ông Dương Kim Liên cho biết: Người Dao rất cẩn trọng trong việc cúng lễ tổ tiên. Dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng phải lo đủ tổ chức một cái Tết Nhảy. Đây là niềm tự hào của bản thân và gia đình. Để chuẩn bị cho Tết Nhảy, gia đình tôi đã chuẩn bị 3 con lợn, gà và cả tạ gạo nếp, thực phẩm từ nhiều tháng trước. Trong suốt 3 ngày Tết Nhảy, ngày nào gia chủ cũng bày biện hơn chục mâm cỗ từ nhà ra sân để khao họ hàng, làng xóm.Tết Nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại vốn văn hóa truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa. Theo bà Phùng Thị Bình, có tất cả 31 lần múa khác nhau. Sau 3 lần múa lại 1 lần bày cỗ ra ăn.Nghi lễ múa rùa.Nghi lễ múa Pịa pen xuất chủ. Mặc dù, Tết Nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng họ tổ chức nhưng nó được cả thôn bản tham gia với một không khí náo nức, rộn ràng, trở thành nghi lễ cộng đồng của cả thôn bản.Trong suốt thời gian 3 ngày, 3 đêm diễn ra Tết Nhảy là sự đan xen giữa các nghi thức cúng tế, nhảy múa rồi ăn uống vui vẻ của cả cộng đồng.