Xây dựng cuộc sống xanh ở Ứng Hòa
Lối sống - Ngày đăng : 06:41, 02/12/2022
Dung dịch tẩy rửa từ rác
5 năm nay, chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn Phí Trạch (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) đều đặn hằng ngày đi thu gom các loại vỏ hoa quả như cam, bưởi, dứa… mang về nhà để lên men, rồi ủ thành nước tắm, nước giặt, nước rửa bát, lau sàn nhà, nhà vệ sinh và nhiều bề mặt vật dụng khác. Ngoài ra, cũng từ các loại phế phụ phẩm rau, củ, quả, chị Oanh còn chế ra các loại dung dịch giúp khử trùng chuồng trại chăn nuôi, ao cá. Chị còn lập công thức chế tạo, in thành nhiều bản, phát cho mọi người cùng làm. "Cách đây gần chục năm, tôi giúp việc cho gia đình người Nhật Bản sang công tác tại Việt Nam. Tôi đã được vợ chồng họ hướng dẫn cách ủ phế phụ phẩm từ rau, củ, quả thành dung dịch có ích. Từ đó, tôi đi thu gom các loại quả thải loại để làm. Ngoài sử dụng, cho, tặng, tôi còn bán ra thị trường các loại nước rửa bát, lau sàn nhà từ các loại phế phụ phẩm và được nhiều người ủng hộ", chị Oanh chia sẻ.
Câu chuyện biến rau, củ, quả bỏ đi thành dung dịch lau sàn, rửa bát, thậm chí là giặt quần áo, làm nước tắm của chị Nguyễn Thị Oanh đã lan tỏa mạnh tại địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa Ngô Thị Duệ, để giúp người dân thay đổi thói quen, Hội đã triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”. Mô hình được thí điểm triển khai tại 3 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022 gồm: Hòa Xá, Hòa Phú, Đông Lỗ. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa phối hợp với Hội Nông dân huyện Ứng Hòa, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Trạm Xanh Ứng Hòa tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt; phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tham gia, giám sát việc triển khai mô hình. Những hộ tham gia mô hình được cấp phát 2 thùng chứa chất thải có nắp đậy, dán nhãn phân loại hoặc hình ảnh minh họa; được cấp phát men vi sinh để xử lý rác thải theo quy định. Đến nay, Ứng Hòa đã triển khai mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn" tới hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn.
Lan tỏa nếp sống văn minh
Thời gian đầu, việc triển khai mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn" trên địa bàn huyện Ứng Hòa gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân chưa có thói quen phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, nhiều khi đổ lẫn các loại thức ăn thừa có vị mặn vào dẫn tới việc ủ men vi sinh hiệu quả không cao. Với phương châm "Làm đâu - chắc đó", huyện phân công cứ một cán bộ cơ sở hướng dẫn 10 hộ gia đình. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật phân loại và xử lý rác tại nguồn thành phân bón sao cho hiệu quả thì mọi thắc mắc và vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đều được tháo gỡ kịp thời.
Từ thực tế cách làm tại địa phương và qua học tập kinh nghiệm lẫn nhau, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) đã hướng dẫn thành công nhiều hộ dân tạo men vi sinh tại gia đình. Theo ông Nguyễn Văn Nha, Trưởng thôn Ngọc Trục, xã Đông Lỗ, công thức gồm men tiêu hóa, men rượu, sữa chua, chuối chín, đường mía, cám gạo, qua 3 bước cơ bản nuôi men, cấy men, pha men đến khi tạo được loại dung dịch chuẩn thì phun vào các vùng có mùi hôi như thùng rác. Trong vòng 5 phút, thùng rác hết mùi là đạt yêu cầu. Với cách hướng dẫn chi tiết, cầm tay chỉ việc và đồng hành của cán bộ, đến nay nhiều gia đình trong thôn đã có sẵn men vi sinh tự làm để biến các loại rác thải hữu cơ thành dung dịch tưới cây, làm phân bón cho cây trồng tại vườn nhà, bón ruộng hoặc làm thức ăn chăn nuôi, tùy điều kiện từng gia đình.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) Trịnh Xuân Thanh cho hay, qua thời gian làm điểm hiệu quả, đến nay mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn" đã lan tỏa tới cả 4/4 thôn trong xã với đông đảo các hộ gia đình tham gia. Việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ tạo ra lượng lớn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt mà môi trường xung quanh ngày một xanh, sạch, đẹp nhờ hạn chế rác thải, nước thải; địa phương giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí cho công tác bảo vệ môi trường...
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, "Phân loại rác thải tại nguồn" là mô hình hiệu quả. Sự chung tay của các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân, lan tỏa nếp sống văn minh vì sức khỏe cộng đồng... Hy vọng, các hoạt động này tiếp tục lan tỏa tới 100% thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn, tạo cuộc "cách mạng xanh" trong bảo vệ môi trường ở nông thôn.