Hoài Đức tập trung bảo vệ môi trường làng nghề

Lối sống - Ngày đăng : 07:23, 23/11/2022

(HNM) - Nhiều năm qua, huyện Hoài Đức luôn xác định bảo vệ môi trường làng nghề là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả. Bên cạnh nâng cao chất lượng sống của nhân dân, việc này nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng huyện thành quận trong những năm tới.

Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức).

Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện vẫn xảy ra; một số làng nghề ở các xã Yên Sở, Sơn Đồng, Kim Chung… chưa có địa điểm tập kết chất thải rắn, hoặc có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, toàn huyện hiện có hơn 800 hộ sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, nhưng đa số các hộ xả thải trực tiếp ra hệ thống thu gom chung…

Cụ thể, tại 4 thôn miền bãi của xã Cát Quế tập trung nhiều hộ chăn nuôi, nhưng chưa có quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư, chưa được đầu tư xây dựng điểm xử lý nước thải, dẫn đến ô nhiễm môi trường dân sinh. Mặc dù có những hộ đã đầu tư hầm biogas để thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng thực tế còn nhiều hộ xả thẳng chất thải ra hệ thống thoát nước chung.

Còn tại làng nghề xã La Phù có hai ngành nghề chính là sản xuất bánh kẹo, nước ngọt và hàng dệt kim gồm các sản phẩm quần áo mũ len, tất chân, găng tay, quần áo may sẵn... Do đặc thù hoạt động của làng nghề, các phương tiện tham gia giao thông mật độ dày, nên phát sinh lượng bụi lớn; các cơ sở làm nghề dệt kim, sản xuất bánh kẹo, thực phẩm cũng tạo ra một lượng bụi đáng kể trong quá trình sản xuất, gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí, môi trường. Hiện mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề của xã La Phù khoảng hơn 5 tấn...

Để bảo vệ môi trường làng nghề, Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa cho biết, xã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến và yêu cầu các doanh nghiệp, hộ làm nghề thực hiện các biện pháp xử lý khí thải, bụi và tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Các hộ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi cũng cam kết không gây ảnh hưởng môi trường...

Đáng chú ý, làng nghề La Phù đã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào Quy ước làng văn hóa, góp phần mang lại hiệu quả tích cực nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường làng nghề. Xã cũng tiến hành kiểm tra định kỳ công tác bảo vệ môi trường 1 lần/năm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn…

“Xã đã kiến nghị huyện đề xuất thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tại điểm công nghiệp La Phù; qua đó bảo đảm đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và trở thành phường”, Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa cho biết thêm. 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Cát Quế Trần Văn Long chia sẻ, nước thải của 6 thôn miền làng trên địa bàn xã được thu gom, xử lý qua Nhà máy Cầu Ngà. Bên cạnh việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trình UBND huyện phê duyệt và thành lập tổ tự quản theo quy định, xã đã đề xuất UBND huyện Hoài Đức sớm quy hoạch và đầu tư điểm xử lý nước thải miền bãi, để xử lý toàn bộ nước thải từ các thôn dân cư của xã Cát Quế trước khi xả vào sông Đáy...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, công tác bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Giai đoạn 2021-2026, Hoài Đức thực hiện 119 dự án về môi trường, tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện phối hợp sở, ngành thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, góp phần bảo vệ môi trường nói chung của huyện Hoài Đức.

Ánh Dương