Núi Hàm Lợn chốn hoang sơ thú vị
Đi đâu - Xem gì - Ngày đăng : 14:58, 03/10/2021
Cung đường trekking lý tưởng
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, chỉ mất khoảng 1 giờ di chuyển theo đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, du khách sẽ tới núi Hàm Lợn. Đây là ngọn núi cao nhất trên dãy núi Độc Tôn nối liền với dãy Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Do nằm trong khu vực rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn nên phong cảnh nơi đây khá hoang sơ, khí hậu mát mẻ, không gian trong lành, thoáng đãng. Bởi vậy, không ít du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đã chọn núi Hàm Lợn làm điểm tham quan, dã ngoại vào dịp cuối tuần.
Để trekking núi Hàm Lợn, du khách có hai lựa chọn, phụ thuộc vào sở thích và điều kiện sức khỏe. Cung đường thứ nhất khá an toàn, dễ đi với con đường mòn đất đỏ có độ dốc thoai thoải dẫn lên tới đỉnh. Du khách sẽ đi qua một khu rừng thông xanh rì, thoang thoảng hương tinh dầu của gỗ và lá thông, dưới chân là thảm lá dày mang lại cảm giác êm ái, thoải mái. Mỗi mùa, nơi đây lại mang một vẻ đẹp riêng. Vào mùa xuân, cây cối thay lá, bao phủ toàn bộ khu rừng là màu xanh non căng tràn nhựa sống. Mùa hè, sắc tím hoa sim bạt ngàn rừng núi. Mùa thu, hoa keo trổ vàng từng chùm đu đưa trong gió. Chớm đông, cả khu rừng bồng bềnh trong sắc trắng của lau...
Cung đường thứ hai dành cho những người ưa trải nghiệm mạo hiểm. Du khách sẽ men theo con suối chảy từ đỉnh núi, nhiều đoạn bị chắn ngang bởi những tảng đá lớn. Có những đoạn, du khách phải vượt qua những bụi cây rậm rạp, đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng để bảo đảm an toàn. Thời gian di chuyển theo cung đường này kéo dài 3 - 4 giờ. Tuy vất vả nhưng phần thưởng cho những người chinh phục được đỉnh núi là không gian yên bình cùng tiếng chim hót véo von. May mắn hơn, du khách sẽ được ngắm hoàng hôn buông xuống.
Du khách Trần Giang Quân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là người “nghiện” trekking, ưa các hoạt động mạnh. Dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến tôi không thể đi lại như trước. Vì thế, trước đợt dịch thứ 4, tôi và bạn bè đã tranh thủ 2 ngày cuối tuần để trekking núi Hàm Lợn. Tôi khá bất ngờ, không thể nghĩ rằng giữa Hà Nội ồn ào, sôi động lại có một nơi hoang sơ, thú vị đến thế”.
Khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái
Không chỉ là địa điểm lý tưởng cho những tín đồ ưa hoạt động thể thao mạo hiểm, núi Hàm Lợn còn là địa điểm cắm trại, dã ngoại ưa thích của nhiều bạn trẻ. Dưới chân núi có hồ Núi Bàu quanh năm nước xanh trong vắt, phẳng lặng như tấm gương soi bóng mây núi, tạo nên khung cảnh thanh nhã như bức tranh thủy mặc. Vào mùa nước cạn, nơi đây là địa điểm hoàn hảo để cắm trại qua đêm. Du khách có thể hạ trại ngay trên những doi đất sát mép hồ và thưởng thức tiệc nướng BBQ bên bạn bè. Ngoài ra, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động khác như chèo SUP (ván đứng), chèo thuyền kayak hay câu cá thư giãn... Nhờ những trải nghiệm thú vị và phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi Hàm Lợn và hồ Núi Bàu ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, được nhiều người biết đến.
Hiện nay, một số hộ dân sinh sống ở khu vực xung quanh núi Hàm Lợn đã chuyển hướng sang kinh doanh các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch, cắm trại tại đây. Chị Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng Trang Thiều Camping chia sẻ: “Gia đình tôi có đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết cho hoạt động dã ngoại như lều, thảm lót, túi ngủ, bếp nướng, thực phẩm tươi, đồ uống... để phục vụ nhu cầu của du khách. Mỗi khi cho khách thuê đồ, chúng tôi đều nhắc nhở khách phải có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan và thu gom rác đúng nơi quy định. Những đoàn không thể thực hiện việc này, chúng tôi sẽ hỗ trợ, thu 10 nghìn đồng/người. Chúng tôi luôn xác định rằng muốn có sinh kế bền vững từ phát triển dịch vụ, du lịch thì phải bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên nơi đây”.
Trong hành trình tham quan, khám phá núi Hàm Lợn, du khách có thể kết hợp thăm một số điểm đến lân cận như hồ Đồng Đò, hồ Hoa Sơn, thung lũng Xanh - hồ Kèo Cả, núi Đôi, Việt Phủ Thành Chương hay Khu du lịch sinh thái Bản Rõm... Đây đều là những điểm đến lý tưởng và là nền tảng để huyện Sóc Sơn đẩy mạnh việc phát triển mô hình du lịch sinh thái đầy tiềm năng.