Bỏ súng gươm, lại là người Hà Nội
Sống đẹp - Ngày đăng : 06:40, 24/01/2023
“Hà Nội nuôi tôi lớn“
Một ngày cuối năm, chúng tôi gặp ông Dương Bá Kháng. Người đàn ông sinh năm 1947 với dáng người cao lớn, thoạt nhìn không có gì đặc biệt, ngoài việc ông đi lại hơi vất vả, do chân tập tễnh. Tuy nhiên, chúng tôi đã bất ngờ khi biết sáng nào ông cũng đạp xe khoảng 5km đến một sân thể thao tại quận 3 để “vận động vui vẻ cùng bạn bè”, như lời ông nói.
“Tôi giữ thói quen vận động, thể dục buổi sáng như thế này từ khi còn bé, theo nếp của cha mình. Sau này, thói quen hữu ích đó giúp tôi có một thể trạng rất tốt để có thể hoàn thành những phần việc khó khăn nhất trong thời gian tại ngũ, với vai trò của một phi công chiến đấu”, ông Dương Bá Kháng nói.
Năm 1954, ông Dương Bá Kháng cùng gia đình từ Huế tập kết ra Bắc. Cha của ông là cán bộ, đưa cả gia đình theo đường bộ ra Đồng Hới (Quảng Bình) rồi đi tàu hỏa ra Hà Nội. Gia đình ông được phân một căn hộ tập thể ngay tại Ga Yên Viên, nơi cha ông công tác. “Tôi đã lớn lên ở đây, gắn với tiếng còi tàu, mùi xỉ than, hình ảnh cột khói trắng và tiếng xình xịch, cành cạch của các đoàn tàu đến và rời ga; cả những trận bom đánh phá ga đường sắt đầu mối này nữa”, ông Kháng hồi tưởng.
Cậu học trò đến từ Huế được tiếp nhận vào lớp 1 Trường Tiền Phong rồi học cấp 3 tại Trường Nguyễn Gia Thiều. Với năng khiếu học giỏi các môn tự nhiên, cậu học trò miền Trung nhanh chóng chiếm được lòng tin yêu của thầy cô, bạn bè. Cậu được phân công làm lớp trưởng, bầu làm Bí thư Đoàn khối và là thành viên Ban Chấp hành Đoàn Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều.
Nói về giai đoạn khó quên này, ông Dương Bá Kháng trầm giọng, kể: “Gia đình tôi từ Huế đến, nhưng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bà con xóm giềng, bè bạn… nên nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới và gắn bó với quê hương thứ hai. Cùng với đó, những tấm gương dũng cảm, vượt khó vươn lên của bạn bè, của những người xung quanh tôi trong những năm đầu chiến tranh chống Mỹ đã khiến tôi tự nhủ phải nỗ lực không ngừng để đóng góp sức mình cho đất nước, cho Hà Nội - nơi nuôi tôi lớn và không phụ lòng những người đã yêu thương, đùm bọc tôi và gia đình”.
Năm 1965, ông Dương Bá Kháng là học sinh hiếm hoi của Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều lọt qua vòng tuyển quân của Quân chủng Không quân. Tháng 2-1966, ông cùng 124 thanh niên từ miền Bắc sang Liên Xô học lớp đào tạo phi công chiến đấu khóa 11. Vinh dự hơn nữa, Dương Bá Kháng là một trong 25 người được tuyển chọn để học lái máy bay chiến đấu hiện đại nhất lúc bấy giờ của Không quân Việt Nam, máy bay Mig-21.
“Tôi và đồng đội không lấy đó làm hãnh diện mà chỉ nghĩ vai trò, trách nhiệm của mình sẽ lớn hơn; sẽ phải nỗ lực nhiều hơn… để xứng đáng với sự tin tưởng này. Tôi đã nín lặng lời bày tỏ tình cảm với người bạn gái gần nhà để tập trung cho việc học. Đời chiến binh biết thế nào. Lỡ có chuyện gì, lại khổ người đợi chờ ở hậu phương. Giờ tôi vẫn chưa tìm lại được cô ấy”, ông Dương Bá Kháng tâm sự.
Chỉ kịp học tiếng Nga cấp tốc vài tháng trước khi lên đường, ông Kháng và đồng đội khá vất vả trong thời gian đầu. Tuy nhiên, với nỗ lực không mệt mỏi, những thanh niên đến từ Việt Nam đã khiến các thầy cô và bạn bè Liên Xô đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi lòng quyết tâm và sự tiến bộ nhanh chóng của những chàng trai châu Á gầy mỏng, nhưng ánh mắt luôn rực sáng quyết tâm.
“Cuối tuần, khi các học viên đến từ châu Âu hay vùng Caribe tranh thủ đi chơi, dạo mát và tụ tập bạn bè thì những học viên Việt Nam vẫn rủ nhau ôn bài hay lên thư viện tìm đọc thêm tài liệu, bổ sung kiến thức sau các bài giảng của giáo viên. Các thầy cũng vì thế mà hết lòng chỉ dạy cho chúng tôi. Ngoài dạy chuyên môn, những người Nga còn là anh, chị, là cha mẹ của chúng tôi nữa, theo sát và chia sẻ mọi buồn vui…”, ông Dương Bá Kháng nói, ánh mắt xa xăm hồi tưởng.
Năm 1969, thấy người lính Việt Nam vốn xuất sắc trong học tập, nay bỗng mất “phong độ”, các thầy giáo Liên Xô đã ngay lập tức tìm hiểu. Mãi rồi, Dương Bá Kháng mới chia sẻ: “Ba em mất rồi thầy ơi, từ 3 tháng trước”. “Trời, sao không nói! Đây là việc cần chia sẻ, không phải để giữ trong lòng”, người thầy Liên Xô gắt nhẹ… “Các thầy cho tôi nghỉ tập, đi Sochi tĩnh dưỡng. Khi quay lại trường, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để quyết tâm hoàn thành mọi bài tập khó nhất. Năm 1970, chúng tôi tốt nghiệp. Về nước, tôi được biên chế về Trung đoàn Không quân Sao Đỏ bảo vệ vùng trời Thủ đô và miền Bắc”, ông Dương Bá Kháng kể.
Chiến đấu vì Hà Nội
Quay lại Hà Nội, nơi đã bao bọc và nuôi ông lớn lên, với vai trò là phi công chiến đấu; được trang bị vũ khí là loại máy bay hiện đại nhất - những chiếc Mig-21 - Dương Bá Kháng tự nhủ việc được làm đồng đội với những phi công anh hùng tại đơn vị đã sản sinh ra bao thế hệ phi công chiến đấu xuất sắc của Việt Nam là niềm vinh dự trong đời quân ngũ, nên sẽ phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với những điều lớn lao này.
Lòng quyết tâm ấy đã giúp phi công Dương Bá Kháng bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô cuối năm 1972; giúp ông dũng cảm bảo vệ máy bay khi quyết tâm cất cánh đánh địch và hạ cánh an toàn tại sân bay Đa Phúc từ đường lăn giữa những chằng chịt hố bom, chứ không phải bằng đường cất hạ cánh. Ông xúc động nói: “Tôi đã vinh dự được kết nạp Đảng ngày 27-12-1972, ngay sau khi bắn rơi chiếc máy bay thứ 2 của địch, là một chiếc F4. Một lần nữa, Hà Nội lại là nơi ghi dấu ấn quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào của đời tôi”.
Chiến thắng lịch sử của trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 đã góp phần to lớn tạo đà thắng lợi cho công cuộc thống nhất đất nước của dân tộc. Từ tháng 3-1975, Dương Bá Kháng theo đoàn quân chiến thắng Nam tiến để tiếp quản các căn cứ không quân của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở phía Nam vĩ tuyến 17. Ông cùng đồng đội thu nhận những chiếc A-37 và F-5; khai thác chuyên môn từ các phi công quân đội Sài Gòn và cùng đồng đội lập Phi đội Quyết thắng để các phi công xung kích dùng máy bay địch ném bom Dinh Độc Lập ngay những ngày tháng 4 lịch sử.
“Những máy bay thu lại của địch đã được chúng tôi nhanh chóng làm chủ, khai thác và sử dụng hiệu quả không chỉ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mà còn cả trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia diệt trừ họa diệt chủng nữa”, ông Dương Bá Kháng tự hào nói.
Thấy tôi ngại ngần khi hỏi về “dáng đi tập tễnh”, ông Dương Bá Kháng cười lớn, nói: “Cũng là máy bay đấy. Năm 1983, trong một lần bay huấn luyện Mig-21, máy bay trục trặc, bay nghiêng. Tôi đã được lệnh nhảy dù, nhưng vẫn quyết tâm cứu máy bay, hạ cánh bằng bụng và một bên cánh. Máy bay được cứu, nhưng tôi bị chấn thương cột sống nặng”.
Chấn thương nặng đến mức người phi công vốn gắn bó với bầu trời, phải nghỉ bay, chuyển về làm công tác huấn luyện tại Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1986, ông chuyển ngành sang Văn phòng Trung ương Đảng tại phía Nam và nghỉ hưu năm 2008. “Cậu nhớ nhé! Tôi sinh ra ở Huế và hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tôi là một người con của Hà Nội đấy!”, ông Dương Bá Kháng vỗ vai tôi nói, cười sảng khoái rồi đạp xe lẫn vào dòng người và phương tiện đang cuộn chảy trong chiều cuối năm.