Nghệ sĩ nhân dân Bùi Bài Bình: Người làng ở phố
Sống đẹp - Ngày đăng : 06:10, 25/12/2022
1. Bùi Bài Bình học lớp diễn viên khóa II Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Ngay từ khi mới học năm thứ 2, anh đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời tham gia bộ phim hài “Kén rể”. Vai Trác trong phim tuy chỉ là một vai nhỏ, nhưng khả năng diễn xuất của Bùi Bài Bình đã nhận được lời khen ngợi của thầy cô và bạn bè.
Tốt nghiệp năm 1977, Bùi Bài Bình về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Với diễn xuất nhuần nhuyễn và có nghề, Bùi Bài Bình được các đạo diễn tin tưởng giao cho các vai diễn, chủ yếu là bộ đội, trong nhiều bộ phim đề tài hậu chiến, xây dựng đời sống mới như “Bức tường không xây” (1977), “Những con đường” (1979) “Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh” (1983), “Đêm miền yên tĩnh” (1984), “Thị trấn yên tĩnh” (1986), “Anh và em” (1986), “Phần đời không muốn nhớ” (1989)...
Từ sau khi đất nước thống nhất cho đến suốt những năm 1980, đời sống điện ảnh vô cùng sôi động, mỗi năm, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất 6 - 7 phim, thậm chí có năm làm tới 10 phim. Bùi Bài Bình và các bạn học cùng khóa gồm Vũ Đình Thân, Hữu Mười, Minh Châu, Diệu Thuần, Thanh Quý, Phương Thanh... thỏa sức vùng vẫy trên bầu trời nghệ thuật. Tuy vậy, trong vòng 10 năm từ năm 1990 cho tới năm 2000, thời kỳ phim “thị trường”, còn gọi là phim “mỳ ăn liền”, nở rộ, Bùi Bài Bình hoàn toàn vắng mặt trên màn ảnh lớn. Để vơi bớt nỗi nhớ nghề, anh nhận lời tham gia đóng phim truyền hình và năm 2000 trở lại với điện ảnh bằng một vai diễn xuất sắc trong bộ phim “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
2. Nhân vật ông Hòa trong “Mùa ổi” do Bùi Bài Bình đóng là người đàn ông đã 50 tuổi nhưng ký ức và tâm hồn mãi mãi là đứa trẻ 13. Để có thể hóa thân thành nhân vật vừa có sự ngây ngô đáng yêu của một đứa trẻ vừa có sự vụng về đáng thương của một người đàn ông trung niên, Bùi Bài Bình đã dành vài tháng gặp gỡ, tìm hiểu tâm lý, cuộc sống của những người giống như Hòa ngoài đời. “Họ là những người tốt, nhưng bị người khác lợi dụng và bị xã hội coi thường. Gặp gỡ và tiếp xúc với họ, tôi nhận ra trong cuộc sống, chúng ta hãy nhìn mọi việc một cách đơn giản hơn”, Bùi Bài Bình nói về trải nghiệm của anh với vai diễn trong “Mùa ổi”.
Diễn xuất tinh tế, thể hiện được cái hồn của nhân vật, đặc biệt là trường đoạn ông Hòa với đôi mắt rạng rỡ khi được nhìn cây ổi trong vườn nhà cũ đầy ắp hoài niệm khiến người xem rưng rưng xúc động, Bùi Bài Bình đã được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13, năm 2001. Có thể nói, Bùi Bài Bình đã góp phần mang lại thành công lớn cho “Mùa ổi” và tên tuổi anh cũng được biết đến nhiều hơn kể từ vai diễn ông Hòa “dở người” trong “Mùa ổi”. Giải thưởng ghi nhận tài năng diễn xuất của anh trong bộ phim này chính là tấm giấy thông hành để Bùi Bài Bình trở thành sao hạng A trong các dự án phim truyền hình đình đám trong những năm tiếp theo.
Từ năm 2000, điện ảnh thoái trào, truyền hình lên ngôi, Bùi Bài Bình trở thành “người quen” của màn ảnh nhỏ. Anh mạnh dạn thử sức mình ở dạng vai mới - vai phản diện. Táo bạo xin đạo diễn cho đổi vai công an sang đóng vai tướng cướp - một người có tính cách ngang tàng là Nhị đại ca - trong phim truyền hình “Dòng sông vàng”, kể từ đây, Bùi Bài Bình tiếp tục làm mới bản thân trong các bộ phim đề tài chính luận như trưởng thôn trong “Hương đất” (2005), Tòng trong “Ma làng” (2007) và Khuếnh trong “Gió làng Kình” (2008).
Trong “Ma làng”, bao nhiêu thứ đểu cáng, gian xảo, thủ đoạn của Tòng - một con ma làng theo đúng nghĩa của từ này, đã được Bùi Bài Bình lột tả xuất sắc qua cái liếc mắt, cách cười nhếch mép... Khuếnh - một trưởng thôn trong phim “Gió làng Kình” (được coi là phiên bản thời hiện đại của “Ma làng”) luôn nghĩ đủ thứ mưu kế nhằm xúi bẩy dân làng gây khó dễ cho chính quyền. Để có thể đóng "ra chất nhân vật", Bùi Bài Bình để râu và chải tóc ngôi giữa, mặc trang phục nửa Tây nửa ta cho ra dáng một người có chức sắc và lắm mưu mô. Kết quả là, những vai phản diện “bị cả làng ghét, bị cả nước chửi” này giúp anh tỏa sáng hơn với nghề diễn.
3. Năm 2015, Bùi Bài Bình trở lại với điện ảnh, đảm nhận vai Bác Hồ trong bộ phim “Nhà tiên tri”. Đây là vai diễn mà nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã nhắm cho anh ngay từ lúc viết kịch bản. Và, không cường điệu hóa, không gồng mình cũng không cần phải thật giống về ngoại hình, Bùi Bài Bình đã thể hiện thành công “Nhà tiên tri Hồ Chí Minh” ở cử chỉ, ánh mắt theo đúng với tinh thần “gần với hiện thực lịch sử nhất, đúng với Bác nhất” của tác phẩm. Sau cột mốc này, anh trở thành những ông bố hiền lành, mực thước rất yêu thương gia đình, con cái trong các bộ phim truyền hình tâm lý xã hội lấy chủ đề gia đình như “Chiều ngang qua phố cũ”, “Bến bờ yêu thương”, “Cô gái nhà người ta”, “Hương vị tình thân”, “Anh có phải đàn ông không?”, “Lối nhỏ vào đời”...
Ngoại hình chuẩn “ông bố quốc dân”, vốn sống và kinh nghiệm diễn xuất đã có thừa, có thể nói, ở tuổi này, Bùi Bài Bình chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là có thể lên phim luôn mà không cần phải hóa trang hay chuẩn bị gì nhiều. Bùi Bài Bình rất yêu công việc của mình. Anh cũng chỉ muốn được làm diễn viên bởi như anh nói: “Công việc của người diễn viên nhẹ nhàng hơn vì chỉ phụ trách nhân vật của mình còn đạo diễn phải có trách nhiệm lo lắng cho tất cả mọi người trong đoàn làm phim”.
4. Sinh sống ở con phố trung tâm Hà Nội - phố Tô Hiến Thành, nhưng Bùi Bài Bình lại thích nếp sống yên bình của miền quê, lâu dần thành thói quen khó bỏ. Lối nói chuyện duyên dáng, hài hước ẩn sau vẻ ngoài chừng mực, biết người biết ta, khi rảnh thì rất thích tụ họp bạn bè nhưng khi làm việc thì rất nghiêm túc và giữ tinh thần kỷ luật cao - chính là những mảnh ghép làm nên con người Bùi Bài Bình. Những màu sắc tương phản đó giúp anh có được cái chất riêng của mình, giúp anh thành công trong sự nghiệp với những vai diễn đáng nhớ, những nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ.
Sẽ là thiếu sót nếu ký họa bức chân dung Bùi Bài Bình chỉ đứng một mình. Bởi bên cạnh anh luôn có bà xã Ngọc Thu, hậu phương vững chắc và xinh đẹp, bạn học cùng lớp diễn viên khóa II, người phụ nữ mạnh mẽ, người mẹ can trường trong “Bức tường không xây”, “Mẹ vắng nhà”, “Đàn chim trở về”, “Học trò thủy thần”... Câu chuyện tình yêu của họ không còn xa lạ trên mặt báo. Một phần bởi đó là chuyện tình yêu của những người nổi tiếng, một phần bởi hành trình bên nhau của họ gắn liền với những bước ngoặt của đời sống xã hội, những cột mốc quan trọng của điện ảnh nước nhà.
Năm 2020, Bùi Bài Bình góp mặt trong bộ phim “Tình yêu vô hình” (Việt Nam hợp tác với Trung Quốc) công chiếu trong chương trình Phim Việt Nam đương đại tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Bùi Bài Bình cũng là gương mặt quen thuộc trong các bộ phim truyền hình hấp dẫn, có lượng người xem cao do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, như “Hương đất”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Sóng ngầm”, “Chiều ngang qua phố cũ”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Cô gái nhà người ta”, “Những ngày không quên”, “Hương vị tình thân”, “Lối nhỏ vào đời”...