Hà Nội, hội họa trên sắc vải
Sống đẹp - Ngày đăng : 08:01, 13/11/2022
Họa sĩ Thanh Thục sinh năm 1960, có 40 năm theo đuổi hội họa. Không sinh ra ở Hà Nội nhưng từ tuổi hoa niên, khi được về Hà Nội theo học mỹ thuật đến giờ, họa sĩ luôn gắn bó với nơi này. Hà Nội đã chứng kiến từng bước trưởng thành trong nghệ thuật, những thăng trầm trong cuộc sống của bà. Đặc biệt, ở nơi đây, những bức tranh cắt vải đã lần lượt ra đời và đến với người yêu nghệ thuật. Không biết đã có bao nhiêu ngày nữ họa sĩ đi khắp các chợ, cửa hàng vải ở Hà Nội để kiếm tìm, tích lũy chất liệu cho các sáng tác. Hà Nội cũng cùng bà thức biết bao đêm, từng chút, từng chút một cắt từng mảnh vải vụn xếp chồng thành lớp lớp hình khối, cảnh vật, con người sống động trên tranh.
Hà Nội cũng là đề tài thường trực trong những sáng tác của họa sĩ Thanh Thục. Trong triển lãm cá nhân đầu tiên và các triển lãm nhóm những năm qua, bên cạnh các bức tranh vải về cỏ cây, hoa lá, chim muông…, họa sĩ Thanh Thục luôn giới thiệu một vài bức về Hà Nội. Nhưng một triển lãm riêng về đề tài Hà Nội bằng chất liệu vải để thể hiện tình yêu, sự tri ân với nơi này là mơ ước của bà, dù xác định, đó là thử thách không đơn giản.
Họa sĩ Trần Thanh Thục kể, bà thường thả bộ lang thang qua những con phố, mắt nghếch lên tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà mang hơi thở đặc trưng của Hà Nội, khe khẽ hát đi hát lại lời của những bài ca Hà Nội, thầm đọc những câu thơ được các nhà thơ chắt chiu từng con chữ về nơi đây. Bà cũng chìm sâu cảm xúc trước những bức họa, bức ảnh của các nghệ sĩ tài ba sáng tác về Hà Nội. Tất cả bồi đắp tình yêu, là nguồn động viên nhưng cũng là áp lực khổng lồ đến mức nhiều lần tưởng như “thổi bay những sắc vải mong manh” của bà, khi sáng tác về Hà Nội.
Nhưng rồi, sự đam mê, miệt mài lao động không ngừng nghỉ nhiều năm liền, đặc biệt từ khi nghỉ hưu (cách đây bảy năm) được dành trọn vẹn thời gian, tâm sức cho tranh vải, niềm mong mỏi đó đã thành hiện thực. Triển lãm “Tôi, Hà Nội và sắc vải” gồm 30 bức tranh. Trong đó, người xem sẽ được thấy hình ảnh Thủ đô cả quá khứ và hiện tại đan xen qua những lớp vải tài tình, từ tàu điện leng keng dọc ngang các con phố, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, cây cổ thụ lá vàng, lá đỏ, góc quán cà phê nhỏ bình yên, thung lũng hoa hồ Tây đến một chiếc xe đạp dựng hờ hững bên hồ…
Họa sĩ Thanh Thục chia sẻ, bức tranh “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” trong triển lãm bà dành nhiều tâm huyết và trăn trở sáng tác nhất. Ý tưởng nảy nở từ một câu hát trong bài “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Nhưng làm sao để thể hiện Thủ đô của ngày ấy và bây giờ trong cùng một nền tranh thì phải mất 3 năm nung nấu và 2 năm cầm kéo, bức tranh mới hoàn thiện. Họa sĩ chọn miêu tả Hà Nội anh dũng trong lửa đạn, với góc trời cháy sáng, bức tường đổ, ở phía xa làm nền cho cảnh những ngôi nhà sáng đèn ấm áp, các thiếu nữ trong tà áo dài trắng, đám trẻ vui chơi… Ở đó, người xem còn thấy tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên…
Là người đồng hành với hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Trần Thanh Thục nhiều năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích bày tỏ sự ngưỡng mộ với đam mê và sức lao động bền bỉ của nữ họa sĩ trên con đường riêng đầy thử thách. Nghệ sĩ Lê Bích nhìn nhận, tranh cắt vải của họa sĩ Thanh Thục ngày càng có chiều sâu, chắt lọc, hài hòa hơn trước. Triển lãm này là sự ấp ủ, chuẩn bị kỹ lưỡng của họa sĩ Thanh Thục và đem đến cho công chúng sắc màu tạo hình khác biệt những hình tượng quen thuộc của Hà Nội.
Được họa sĩ Thanh Thục tỉ mẩn chọn sắc cho từng chi tiết rồi cắt, xếp lớp và dán kỳ công, những bức tranh độc bản, không thể lặp lại về Hà Nội chắc chắn sẽ khiến người xem dừng mắt lâu, khám phá nhiều câu chuyện chất chứa đầy hoài niệm và tràn ngập hy vọng.