Người giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi duy nhất ở phố cổ Hà Nội
Sống đẹp - Ngày đăng : 08:44, 27/08/2022
Sau hơn 4 thập kỷ thăng trầm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Giang là những nghệ nhân cuối cùng ở phố cổ Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là mỗi dịp Trung thu. Đến nay, món đồ chơi truyền thống này đã dần mai một bởi nhiều loại đồ chơi hiện đại xuất hiện, chính vì thế mặt nạ giấy bồi dần dần ít người tìm mua.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Than, ông bà Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan vẫn cần mẫn tiếp tục nghề làm mặt nạ giấy bồi. Công việc này được ông bà gìn giữ hơn 40 năm qua.
Hình ảnh người giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi duy nhất ở phố cổ Hà Nội:
Hơn 40 năm nay, ông Hòa và bà Lan vẫn giữ nghề truyền thống của ông cha để lại. Đó là tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi mang những giá trị nguyên bản, đơn sơ và mộc mạc nhất của món đồ chơi ngày Tết Trung thu.Để làm ra một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi, phải trải qua nhiều công đoạn công phu.Trước tiên, phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn, rồi tiếp tục các lớp còn lại. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn bồi lên nhau sẽ tạo ra khuôn của chiếc mặt nạ, nên mới gọi là mặt nạ giấy bồi.Mỗi lần tô chỉ được tô một màu, mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được bền.Khi tô màu, người tô cũng cần hết sức cẩn trọng trong từng nét vẽ, có như vậy mới tạo được một chiếc mặt nạ mềm mại, sinh động và có hồn…Mỗi mùa Trung thu, vợ chồng ông Hòa sản xuất được hơn 2.000 chiếc mặt nạ các loại. Giá mặt nạ dao động từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng/chiếc, tùy vào từng loại và kích cỡ, màu sắc.Bà Đặng Hương Lan cũng là một nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi, ngoài làm các công đoạn, bà còn phụ trách khâu bán hàng. Bà Lan cho biết, mỗi dịp trung thu qua, gia đình dành 10 tháng làm các công đoạn từ tạo khuôn cho tới hoàn thiện sơ, còn 2 tháng là chỉ ngồi vẽ và xuất hàng."Nghề này cũng kén chọn người làm vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu, đồng thời phải thật yêu nghề", ông Hòa cho biết.Bên cạnh việc làm đồ chơi cho trẻ em trong những dịp Trung Thu, nhiều năm nay, gian nhà nhỏ của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan còn trở thành một địa chỉ văn hóa để du khách nước ngoài đến trải nghiệm.