Niềm tự hào ẩm thực của làng Cự Đà
Món ngon Hà Nội - Ngày đăng : 05:32, 06/06/2020
Muốn có nồi canh ngon, trước hết phải chọn được dọc mùng tươi, thân to, dài, sau đó rửa sạch và thái mỏng. Nhựa của dọc mùng khá ngứa, vì vậy, trước khi nấu phải sơ chế kỹ. Đầu tiên, người ta bóp dọc mùng đã thái mỏng với muối trắng để loại bỏ nhựa trong thân cây, sau đó rửa sạch bằng nước vài lần. Nhựa dọc mùng tuy không độc nhưng khá ngứa, nếu làm không kỹ có thể hỏng cả nồi canh.
Ngoài dọc mùng, sườn lợn là nguyên liệu không thể thiếu. Trước tiên, người ta trần qua sườn để loại bỏ tạp chất và mùi hôi; sau đó rang sườn với cà chua, để vị và màu đỏ của cà chua ngấm vào sườn cho đẹp mắt rồi cho nước vào đun sôi.
Muốn tạo vị chua cho món canh dọc mùng, người ta cho thêm chút dấm gạo làm từ nếp cái hoa vàng để tạo ra vị chua đặc biệt khác với sấu, chanh hay muỗm... Dọc mùng được cho vào cuối cùng khi chuẩn bị tắt bếp bởi dọc mùng rất nhanh chín, nếu cho vào sớm sẽ bị nhão, mất vị; dọc mùng nấu hơi tái sẽ giòn và ngọt hơn.
Bát canh dọc mùng khi được múc ra có thể cho thêm một chút hành khô, hành lá, mùi tàu và một chút mì chính. So với những nơi khác, món canh dọc mùng nấu dấm ở Cự Đà có sự khác biệt nhờ dấm gạo - loại gạo nếp cái hoa vàng trồng trên đất Cự Đà. Ngoài làm dấm gạo, nếp cái hoa vàng còn được làm tương. Tương Cự Đà bao năm nay vẫn nức tiếng xa gần về hương vị thơm ngon đặc biệt không nơi nào sánh bằng.
Nhiều gia đình ở Cự Đà trồng dọc mùng thành ruộng để cung cấp cho các nhà hàng bởi đây là món không thể thiếu của du khách khi thưởng thức ẩm thực tại đây. Không chỉ nấu với sườn, dọc mùng còn được nấu cùng cá, chân giò - những món ăn bổ dưỡng và phù hợp với thời tiết oi bức trong những ngày hè. Nhiều năm qua, món canh dọc mùng nấu dấm vẫn được người dân lưu giữ bí quyết và truyền cho các thế hệ sau bởi đó là một trong những món ăn làm nên niềm tự hào ẩm thực của riêng Cự Đà.