Phố nghề truyền thống góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 13:28, 23/04/2023
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống
Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội, tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển. Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.
Thông qua mỗi sản phẩm thủ công, chúng ta có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức, là “sứ giả” cho hoạt động giao lưu văn hóa. Vấn đề đặt ra là làm sao để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưu chuộng. Sáng tạo sản phẩm mới phải dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống. Việc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo yếu tố kỹ - mỹ thuật, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế có thể được coi là giải pháp căn cốt.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Muốn sáng tạo từ di sản phải có cơ sở dữ liệu
Các bạn trẻ bây giờ rất sáng tạo, nhưng để có thể sáng tạo từ di sản, họ cần phải có cơ sở dữ liệu làm nền tảng sáng tác. Hệ thống dữ liệu này sẽ giúp những nghệ sĩ sáng tạo biết đâu là phần cứng cần giữ lại, đâu là phần mềm có thể thỏa sức sáng tạo, để từ đó tận dụng tối đa nguồn lực di sản như là một động lực tiếp thêm sức mạnh cho sự sáng tạo, tạo nên những sản phẩm có bản sắc riêng của dân tộc. Theo Đề án Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, quận Hoàn Kiếm có khoảng 200 nghề truyền thống nằm trong danh mục loại hình di sản văn hóa truyền thống. Đây là kho dữ liệu chưa được nhiều người biết tới, vì thế, quận Hoàn Kiếm cần sớm tập trung xây dựng thành một hệ thống dữ liệu thống nhất, cập nhật thường xuyên, được chia sẻ một cách rộng rãi và dễ dàng tiếp cận để các nghệ nhân, nhà thiết kế, doanh nghiệp trẻ có thể khai thác các giá trị đó và tạo nên những giá trị mới.
Đáng mừng là chủ đề sáng tạo luôn được các nhà thiết kế, nghệ nhân trẻ hưởng ứng, tìm tòi thông qua nhiều dự án thiết kế lấy cảm hứng từ di sản, nghề thủ công truyền thống. Điều đó cho thấy Hoàn Kiếm đã phát huy được sức trẻ trong cộng đồng và sự kết nối liên ngành trong lĩnh vực di sản, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý về di sản, các nhà nghiên cứu di sản và những người đang kinh doanh, khai thác dựa trên giá trị di sản. Đó là sự tiếp cận và sáng tạo liên ngành cần có.
Tuy nhiên, biên độ giữa sáng tạo và không sáng tạo đôi khi cần phải có những quy chuẩn, định hướng và cần phải có các tiêu chí, những quy tắc, thậm chí cần có Bộ quy tắc về sáng tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố nghề, nghề thủ công truyền thống trên địa bàn quận và thành phố Hà Nội một cách bền vững.
Ông Đinh Công Tài, Giám đốc Sale and Marketing Công ty TNHH Hanoia:
Khu phố nghề Hoàn Kiếm có thể trở thành “làng nghệ thuật truyền thống”
Lấy nền tảng là các giá trị truyền thống của Việt Nam từ nguồn gốc chất liệu tới thông điệp và cảm hứng sáng tác, nhưng mỗi sản phẩm của Hanoia đều đòi hỏi sự sáng tạo trong thiết kế phom dáng, họa tiết, màu sắc phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách đương thời. Sáng tạo là một quá trình không ngừng nghỉ tìm tòi và trau dồi. Vì lẽ đó, để sản phẩm ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng và có đời sống lâu dài hơn, đội ngũ thiết kế, phát triển mẫu của chúng tôi luôn làm mới mình bằng cách thử nghiệm để tìm ra những sản phẩm phù hợp với hướng đi của mình.
Là một thương hiệu thủ công, đặt yếu tố con người lên hàng đầu trong mỗi thiết kế nên một trong những định hướng được Hanoia đưa ra ngay từ ngày thành lập là kết hợp với các xưởng, làng nghề và nghệ nhân thủ công ở mọi miền đất nước. Tuy lấy sản xuất thủ công làm cốt lõi, nhưng Hanoia luôn nỗ lực thổi vào nghề truyền thống một luồng gió mới từ các thiết kế đương đại của mình. Với mong muốn mỗi sản phẩm đi sát hơn với đời sống thực tế và để thế hệ trẻ dễ dàng tiếp nhận giá trị truyền thống, chúng tôi nhận thấy cách duy nhất là đưa ra một ngôn ngữ thiết kế đủ tính hiện đại và ứng dụng thực tế cho mỗi sản phẩm.
Con đường để tạo nên giá trị cho sản phẩm thủ công Việt phải xuất phát từ việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nghệ thuật để tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ nhân có thể sống và làm nghề một cách đúng nghĩa. Chỉ có như vậy, các nghệ nhân và làng nghề truyền thống mới tồn tại và từ đó, nghệ thuật của ông cha truyền lại mới trường tồn. Để làm được điều đó, quận Hoàn Kiếm cần kết hợp với các nhà thiết kế trẻ, có thẩm mỹ và phong cách đương đại nhằm đem đến đời sống mới cho các sản phẩm truyền thống đang dần trở nên kém hấp dẫn đối với khách hàng trẻ, kém cạnh tranh và hạn chế về đầu ra. Bên cạnh đó, khu phố cổ Hà Nội cần được nghiên cứu để trở thành một “làng nghệ thuật truyền thống” để liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh..., tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề.
Không đơn thuần là kinh doanh, mô hình trải nghiệm cần được mở rộng, từ art gallery tới không gian cà phê nghệ thuật, trải nghiệm xem nghệ nhân thực hiện các bước trong quy trình sản xuất sản phẩm thủ công... Cần có sự kết hợp với các nghệ sĩ tên tuổi, sử dụng chất liệu và nghệ thuật truyền thống làm tư liệu sáng tạo, tạo nên những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật nhằm tạo sự nhận biết và đánh giá đúng với tinh hoa nghệ thuật truyền thống.