Thu gom, xử lý rác thải ở ngoại thành: Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 14:26, 15/12/2020
Những “điểm sáng”
Những năm qua, nhiều xã, thị trấn ở ngoại thành Hà Nội đã chủ động chọn cách thu gom, xử lý rác phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Thiêm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hương, đơn vị làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Quốc Oai từ tháng 12-2010, cho biết: Xã Nghĩa Hương có 3 thôn, dân số trên 8.000 người, đã nỗ lực “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2013. Trên địa bàn xã có 3 điểm tập kết, xử lý rác thải ở 3 thôn, đều cách khu dân cư trên 1km, có tường bao kín. Toàn bộ các khâu vận chuyển, phơi rác và đốt rác tại bãi rác đều do hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đảm nhiệm. Rác được tãi thành lớp mỏng trên mặt đất; ngày nắng thì tranh thủ phơi, sau đó thì xử lý tại chỗ bằng cách đốt cháy.
Thực tế ở Nghĩa Hương cho thấy, nhờ duy trì tốt việc thu gom và xử lý rác tại chỗ nên có thể khẳng định cả 3 bãi rác của 3 thôn đều bảo đảm không bị lấp đầy trong cả chục năm tới. Được biết, chính quyền và người dân ở đây có sự đồng thuận cao trong công tác bảo vệ môi trường. Nguồn phí thu gom rác được minh bạch: 80% chi cho người vận chuyển rác gắn với yêu cầu 2 ngày vận chuyển rác một lần, 10% chi cho việc xử lý rác, 10% chi cho việc khơi thông cống rãnh trong xóm ngõ. Theo ông Thiêm, sự thay đổi về nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đã dẫn đến những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân hiện vượt mức 40 triệu đồng/người/năm.
Ở xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), nơi đi đầu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, môi trường sống được cả chính quyền và người dân quan tâm chăm lo. Theo ông Đỗ Thế Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Giáo, rác được thu gom, vận chuyển đến nơi quy định rồi được xe của Công ty Môi trường đô thị vận chuyển đi, bảo đảm không tồn đọng, không rơi vãi. Nhân dân trong thôn nhất trí đưa nội dung thu gom rác đúng quy định là một tiêu chí bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa.
Tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), công tác vệ sinh môi trường do các tổ tự quản (thành lập từ năm 2013) của Hội Liên hiệp Phụ nữ đảm nhiệm. Bình quân mỗi tổ phụ trách gần 40 hộ, thực hiện tổng vệ sinh 2 buổi/tuần. Rác thải từ các gia đình được thu gom, chở ra bãi rác của thôn nằm cách xa khu dân cư. Nước thải sinh hoạt và chăn nuôi cũng không còn tù đọng trong các kênh rãnh trong xóm ngõ. Ông Bùi Trung Đông, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã, đánh giá: Mô hình Tổ tự quản rất có lợi cho việc bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Còn tại thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Sóc Sơn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, đơn vị, trường học biết thời gian thu gom rác thải sinh hoạt. Các hộ dân để rác trong khuôn viên nhà mình, khi có kẻng hoặc loa thông báo thì mới mang ra xe thu gom. Thời gian đầu, do chưa quen nên còn tình trạng đổ rác không theo giờ, không để rác vào túi kín hoặc các thùng chứa, thậm chí vẫn còn tình trạng để rác ra lòng đường, vỉa hè... nên việc thu gom còn chậm, ảnh hưởng đến quy trình cơ giới hóa.
Trước thực trạng trên, UBND thị trấn đã yêu cầu các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị ký cam kết sắp xếp thời gian bỏ rác đúng giờ; khi bỏ rác phải bỏ trực tiếp lên phương tiện thu gom. Hộ gia đình, cá nhân, cơ quan đơn vị nào không bỏ rác kịp sẽ phải để lại trong khuôn viên, đến ngày hôm sau mang ra xe thu gom, tuyệt đối không để rác ra đường phố, ngõ xóm. Sau một thời gian tuyên truyền, người dân trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Toàn bộ khối lượng rác sau khi thu gom đều được vận chuyển ngay về khu xử lý tập trung nhằm hạn chế số điểm tập kết gây ô nhiễm môi trường, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Ông Lê Xuân Quang, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1 thị trấn Sóc Sơn cho biết: Để duy trì nền nếp công tác này, UBND thị trấn giao cho các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm đối với những cá nhân, tập thể cố tình không chấp hành quy định, đồng thời biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể tích cực.
Cần nỗ lực, quyết liệt hơn
Nhờ tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, tình hình môi trường Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ngày càng tăng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong khâu xử lý sau thu gom.
Theo quan sát của phóng viên, trong những ngày qua, tại khu vực nông thôn, ngoại thành của Hà Nội vẫn còn nhiều điểm tập kết rác tạm, rác “chờ”. Dọc đường dẫn lên đại lộ Thăng Long còn không ít bãi rác tự phát, bãi vật liệu phế thải tồn đọng lâu ngày. Ven đường 70 đoạn qua xã An Khánh (huyện Hoài Đức), bên cạnh những túi rác, xe rác “chờ” là đống rác cháy dở tạt khói ra đường, nước từ rác thải đọng thành vũng. Trên đường vào xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) có không ít bãi rác tạm mà theo người dân phản ánh thì đã có từ lâu.
Tại xã miền núi Minh Quang (huyện Ba Vì), có khi xe chở rác “quên” lịch cả tuần, gây bức xúc cho nhân dân địa phương... Mặc dù đánh giá cao sự chủ động, đồng thuận của người dân các địa phương trong việc tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về lâu dài, người dân không nên xử lý rác thải tại chỗ bằng cách đốt hay chôn lấp.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải là số lượng rác thải mà là ở tỷ lệ chôn lấp hiện vẫn lên tới 90%, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác ở mức rất thấp. Việc chôn lấp rác chỉ giúp giải quyết được một phần của vấn đề, hơn nữa còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nước, không khí...
Tiến sĩ Trần Thiện Cường (khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng phải nhanh chóng khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng này, đồng thời có biện pháp đảm bảo 100% rác sinh hoạt phát sinh phải được thu gom trong ngày. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, dự kiến từ tháng 1-2021, Nhà máy đốt rác phát điện tại khu xử lý rác Nam Sơn sẽ được vận hành. Rác thải hữu cơ được đốt để sản xuất điện, số còn lại có thể tái chế sử dụng. Muốn vậy, phải làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn như hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.
Để đạt được mục tiêu xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, cần tăng cường kết nối tâm sức cộng đồng để tất cả cùng nỗ lực hành động vì môi trường trong lành, bền vững. Các cấp, ngành chức năng cần quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra; giám sát chặt chẽ đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển rác thực hiện những cam kết trong hợp đồng, bảo đảm yêu cầu về khối lượng, chất lượng; tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong quét hút, thu gom, vận chuyển rác...
Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện khâu phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Bên cạnh việc nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cũng cần học tập, áp dụng những biện pháp hiệu quả, văn minh mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã, đang thực hiện vì sự phát triển bền vững Thủ đô.
Một trong các giải pháp khắc phục tình trạng tồn đọng rác thải ở khu vực nông thôn Hà Nội hiện nay là các huyện phải chủ động hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp với đặc điểm của địa phương; bảo đảm mỗi xã có tối thiểu 1 - 2 điểm tập kết rác thải được xây dựng đúng quy định, quy hoạch, bảo đảm cự ly vận chuyển hợp lý, khoa học.
Các cơ quan hữu trách cũng đang xây dựng kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn theo hướng: Phân chia địa bàn các huyện thành nhiều vùng khác nhau để áp dụng phương thức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt phù hợp kết hợp với việc phân loại tinh tại các trạm trung chuyển nhằm tăng hiệu quả xử lý, tái chế rác thải, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi chôn lấp.
Khi đó, rác hữu cơ có thể đưa về các nhà máy xử lý phân vi sinh, còn rác vô cơ được thu hồi và đưa về các khu tái chế hoặc đốt rác phát điện... Khi triển khai thành công các giải pháp này, vấn đề tồn đọng rác thải ở khu vực nông thôn sẽ được giải quyết triệt để, bảo đảm môi trường trong sạch.