Khám phá đầm sen lớn nhất Hà thành
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 16:17, 08/06/2020
Cách trung tâm Hà Nội 55km, đầm sen thôn Đức Dương, xã An Phú, huyện Mỹ Đức có lẽ là đầm sen “vô cực” nếu không có những dãy núi đá vôi “bo viền” bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Người dân An Phú bao đời nay gắn bó với ruộng đồng, mỗi năm hai vụ cấy lúa gối trồng sen. Tuy nhiên, để thích ứng với địa hình trũng, ruộng đồng ngập mênh mông vào mùa mưa bão, bà con đang dần chuyển từ trồng lúa sang sen.
Ông Lê Văn Thụy, Bí thư Chi bộ thôn Đức Dương, xã An Phú cho biết, sau hoàn thành dồn điền đổi thửa để xây dựng nông thôn mới vào năm 2007, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng 30ha đồng trũng tại thôn Đức Dương sang trồng sen, bởi lợi ích cả trước mắt và lâu dài, như mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa và dần hình thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Cũng giống như hàng trăm hộ dân khác trong thôn, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chức và chị Trần Thị Hạnh đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để phát triển giống sen hồng của địa phương.
“Trồng sen cầu kỳ và vất vả hơn trồng lúa, nhất là từ tháng 7 trở đi, sau khi hết vụ sen, nhà nào cũng phải huy động tối đa nhân lực để thu hoạch hạt sen, lá sen bán ra thị trường. Vất vả nhưng trồng sen cho thu nhập tốt hơn nhiều so với cấy lúa nên bà con phấn khởi, động viên nhau cùng chuyển đổi cây trồng”, chị Hạnh cho biết.
Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, “hữu xạ tự nhiên hương”, hình ảnh đầm sen rộng lớn ở thôn Đức Dương đã dần lan xa, thu hút đông khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh, nhất là mỗi đợt sen nở rộ.
Anh Chức kể, hè năm 2019 đã có hàng nghìn người tới Đức Dương để ngắm hoa, chụp ảnh. Nhiều bạn trẻ, các cặp đôi chụp ảnh cưới đã chọn đầm sen tuyệt đẹp, khung cảnh bao quanh có núi đồi, ruộng đồng yên ả để ghi lại những khoảnh khắc thanh xuân đáng nhớ.
Với mong muốn hình thành địa điểm du lịch cộng đồng, phục vụ tốt nhất du khách đến tham quan, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa trên vùng quê có đến 70% là người dân tộc Mường, xã An Phú đã huy động nhiều lực lượng, đặc biệt là đoàn viên thanh niên vào cuộc, vận động, hỗ trợ người dân phát triển du lịch bền vững, đúng hướng.
“Du khách về An Phú sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thôn quê yên bình và hương thơm thanh khiết của những đầm sen rộng lớn, thưởng thức các đặc sản quê hương và tìm hiểu về bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường sinh sống trên địa bàn”, anh Trần Văn Thụ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Phú giới thiệu.
Giờ đây, nhờ những đầm sen rộng lớn mang lại thu nhập cao hơn từ 3-4 lần so với trồng lúa, đời sống bà con An Phú đang dần khấm khá hơn. Người dân đã có thêm thu nhập từ chính nghề trồng sen trên quê hương mình, dù đầu ra vẫn còn bấp bênh.
Ông Lê Văn Thụy cho biết, Đảng ủy, chính quyền xã vẫn luôn trăn trở tìm đầu ra cho các sản phẩm từ cây sen cũng như huy động từ các nguồn lực để cải tạo hệ thống đường giao thông nội đồng phục vụ người dân sản xuất, tăng cường quảng bá để những đầm sen rộng lớn tại địa phương được du khách biết đến và tìm về nhiều hơn nữa.
Hình ảnh đầm sen đang nở rộ vào những ngày đầu tháng 6 tại thôn Đức Dương, xã An Phú: