Những danh thắng, nét đẹp văn hóa của Hà Nội
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 11:35, 31/01/2022
Lễ hội Gò Đống Đa vào mùng 5 tháng Giêng hằng năm được coi là lễ hội đầu tiên, mở đầu cho mùa lễ hội của Hà Nội. Hội gò Đống Đa diễn ra với nhiều nghi thức, lễ thức, nhưng một nghi thức không thể thiếu được đó là tục rước rồng lửa nhằm tái hiện lại trận đánh oai hùng của quân Tây Sơn với giặc Thanh.
Lễ hội đền Sóc được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn). Lễ hội nhằm tưởng nhớ và ngợi ca người anh hùng Thánh Gióng có công đánh thắng giặc Ân dưới thời Vua Hùng Vương, đem lại thái bình cho đất nước. Lễ hội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điệu múa bồng ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) tại lễ hội của địa phương vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hai công trình được xây dựng để dạy học và thờ kính Khổng Tử cùng những bậc hiền tài nho học xưa.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu nước đã từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nơi đây.
Khu di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) là một quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bàn. Khu di tích này được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô và cả nước.
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây, chùa có lịch sử gần 1.500 năm (là ngồi chùa lâu đời nhất tại Hà Nội).
Đền Quán Thánh, có từ đời Lý Thái Tổ (1010-1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long xưa.
Ô Quan Chưởng, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long.
Cột cờ Hà Nội là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn.
Hồ Hoàn Kiếm được ví như “trái tim của Thủ đô” với Tháp Rùa…
… và cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn.