Khảo cổ ký ức Hà Nội qua mùi và vị
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 08:28, 30/12/2021
Tập tản văn “Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời” của Vũ Thế Long được bắt đầu từ chuyện uống nước lọc. Giản đơn như uống nước lọc thì có gì để mạn đàm? Hóa ra có rất nhiều, ví như cầm cả chai nước tu ừng ực là điều cấm kỵ ở các gia đình người Hà Nội. Ví như người ta không dùng vỏ chai đã đựng nước mắm hay đựng dầu hỏa để chứa nước đun sôi để nguội, cho dù đã rửa sạch đến đâu. Ngay cả cái phễu chuyên để rót nước nguội vào chai cũng được để riêng, không dùng để rót các thứ nặng mùi khác như rượu, mắm...
Từ chuyện uống nước lọc, Vũ Thế Long dẫn người đọc đến với ẩm thực Hà Nội xưa, những mong “may ra có chút lợi ích gì chăng cho công cuộc tìm hiểu và bảo tồn văn hóa ăn uống của người Hà Nội”.
Cho nên, ông viết các đồ uống từ chè tươi, chè hạt, chè Tàu, nước vối cho đến chuyện bia, rượu, cà phê và cả... nước canh. Ông viết từ những món ăn “đặc” Việt với phở, riêu cua, xôi lúa, chả rươi cho đến kiểu ăn “nhập khẩu” với cơm Tàu, bột mỳ Nga, bánh ga tô Pháp. Và cả trong những chuyến “phiêu lưu” như khi được “theo mẹ đi chợ Đồng Xuân”, khi được bố chở xe đạp đến thăm cầu Long Biên mà ngắm cảnh Hà Nội từ giữa sông Hồng, hay khi về quê ngay bên ngoại thành Hà Nội, biết bao món ăn thức uống của ký ức tuổi thơ như còn vương vất hương vị cho mãi đến bây giờ dù mấy chục năm đã trôi qua. Là bát chè sen dì mua cho ăn để đợi mẹ rảnh tay đi sắm Tết, là cơm nắm muối vừng đạp xe theo bố vượt cầu sang Bắc Ninh xem hát quan họ, là chùm dâu da xoan chua chua ngọt ngọt, là rổ ổi chín thơm lừng khi đi tàu điện xuống thăm vườn cây của cụ.
Món ăn của ký ức khi đã qua lăng kính thời gian bao giờ cũng nhuốm thêm một tầng hương và vị, khiến người ta da diết nhớ về. Như Vũ Thế Long nhớ về món rượu nếp của bà, món riêu cua của mẹ hay một que kem Hà Nội mà những ngày đi sơ tán, đứa trẻ Hà Nội nào cũng khát thèm. Nhớ về những món ăn một thời, ấy là Vũ Thế Long “nhớ những ngày Hà Nội thiếu đói, gian khổ nhưng thơ mộng và thân thương biết mấy”. Với ông, ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới hôm nay.
Tản văn “Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời” do Chibooks và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản.