Nghê Việt và cảm hứng sáng tạo
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 17:17, 13/02/2021
Khả năng biểu cảm “độc nhất vô nhị”
Thế kỷ XXI, người ta thường nhấn mạnh đến sự sáng tạo. Thậm chí có cả một ngành công nghiệp non trẻ, tuy mới ra đời nhưng ở một số quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản... có doanh thu hơn cả ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất ô tô, đó là ngành Công nghiệp sáng tạo (Creative Industries).
Năm 2019, vinh dự cho Hà Nội và cũng thật tự hào khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Chính nguồn lực di sản hùng hậu của Thủ đô ngàn năm văn hiến đã giúp Hà Nội có được danh hiệu này.
Con nghê được cho là linh vật trong văn hóa của người Scythia (gọi là suangi). Nghê (tức Toan nghê) đã lan truyền sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Hàn Quốc và Triều Tiên hiện vẫn bảo lưu điệu múa nghê.
Trong những di sản nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội, nghê là con vật được sáng tạo nhiều nhất, đa dạng về chất liệu, vị trí, công năng và thần thái biểu cảm. Có thể khẳng định, đó là con vật linh mang đến cho cho ta nhiều cung bậc cảm xúc nhất.
Từ vàng, bạc, đồng, đá, gỗ, vải, đất - những chất liệu đã được dùng để tạo tác nghê. Xét về vị trí, nghê xuất hiện từ thấp tới cao, từ ngoài cổng vào tới hậu cung. Nghê ở thành bậc, nghê hóa cối cửa là những con nghê xuất hiện ở vị trí thấp nhất, rồi nghê xuất hiện trên những mảng chạm ô sáng, lá gió, trên các cấu kiện của vì nóc. Nghê ngồi trên cột trụ bên trên bờ nóc là vị trí cao nhất của nghê. Nghê rất đa dạng về nhiệm vụ, lúc đội tòa sen (nghê tòa), lúc đội bảng văn; nghê hóa nghiên mực, nghê đỡ mái hiên; nghê cạnh hương án; nghê đỡ chân vua... Rất ít người biết rằng, Bảo vật quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Phú Thọ) có hai con nghê nằm phủ phục đỡ hài cho Mẫu. Nhưng có lẽ, chính thần thái, khả năng biểu cảm của dung mạo mới tạo nên đặc trưng độc nhất vô nhị của nghê.
Câu nói: “Cười như nghê” được dùng để biểu thị sự vui vẻ, hoan hỷ. Trên minh văn của quả chuông chùa Thầy có từ thời Lý đã nhắc tới “Khánh hỷ đăng nghê” (những con nghê vui vẻ nhảy múa), cho nên, ngay từ thời Lý đã thấy những con nghê hớn hở ở thành bậc (hiện vật tìm thấy ở khu vực Quần Ngựa, nay trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).
Nguồn cảm hứng sáng tạo
Hình tượng hoan hỷ, biểu cảm vô cùng đa dạng, rất tình và cũng rất đời của nghê đã truyền cảm hứng sáng tạo tới các nhà thiết kế, họa sĩ, kiến trúc sư. "Hội quán di sản" của nhóm Trần Thanh Tùng đã đồng hành cùng dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đưa nghê lần đầu ra thế giới qua một sản phẩm lưu niệm có hình con nghê từ nguyên mẫu đôi nghê đá trong nhà thờ Nguyễn Huy Tựu do danh nho Nguyễn Huy Oánh lập nên.
Bắt nguồn từ tình yêu với nghê, nhóm kiến trúc sư của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Modul đã thiết kế và xây dựng chuỗi sản phẩm nghỉ dưỡng mang thương hiệu Nghê, bắt đầu từ Nghê House Hội An. Nghê House là một điểm dừng chân, một bảo tàng nhỏ giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về nghê Việt khi đến với Hội An (Quảng Nam). Tiếp theo Nghê House, Nghê Prana Villa and Spa Hội An cũng đã hoàn thành.
Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ IV (2014 - 2019) đã khẳng định sự trở lại “lợi hại hơn xưa” của nghê Việt trên nhiều phương diện sáng tác, ở các hạng mục: Thiết kế sáng tạo, sản phẩm trang trí, sản phẩm ứng dụng. Nhà thiết kế Lê Quý Hải đã đoạt giải Ba với sự có mặt của logo Nghê Villa. Ứng dụng hình ảnh nghê đưa vào trang phục thì có bộ sưu tập của nhà thiết kế Lý Thị Viễn Thông được giải Khuyến khích, hạng mục Thiết kế sáng tạo.
Nguyễn Viết Lợi, nghệ nhân trẻ tài hoa của mảnh đất làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng có sản phẩm bộ giỏ tích nắp gắn nghê, chẳng những đặc sắc bởi hình dáng ấm giỏ tích với quả sơn son thường thấy trên các ban thờ mà còn bởi hình ảnh nghê nhỏ nhắn hoan hỷ, đúng như câu “Cười như nghê”. Bên cạnh đó là sự góp mặt của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Trần Nam Tước với nhóm sản phẩm mang hình ảnh nghê trên bờ nóc. Ở cột tứ trụ đình làng Bát Tràng có đôi nghê do ông cung tiến.
Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, không thể không nhắc đến mẫu sáng tác linh vật SEA Games 31 của nhà thiết kế Trần Hoài Đức. Mẫu linh vật nghê cười của anh được Ban tổ chức chọn vào vòng chung kết, cùng với linh vật hổ và sao la.
Về hoạt động diễn xướng, điệu múa Nghê do Trần Hậu Yên Thế phỏng dựng từ các tư liệu mỹ thuật đã rộn ràng ở đình Kim Ngân, Hội xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2020, náo nức tại sự kiện triển lãm Ống thở tại tòa nhà VUUV (phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng) vào ngày 6-6-2020.
Dù chưa thật đa dạng về chất liệu nhưng đó là những tín hiệu lạc quan để tin tưởng vào sự hiện diện của nghê trong đời sống đương đại. Kể từ sau triển lãm năm 2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nghê tiếp tục hiện diện ở các bảo tàng hàng đầu khác. Nghê không còn là linh vật bị gạt ra rìa trong văn hóa Việt Nam hôm nay. Trong buổi ra mắt sách Nghê Việt tinh tuyển tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa qua, có thể thấy hình tượng nghê đang dần tạo nên một “hệ sinh thái nghê” trong văn hóa Việt.