Hình tượng Rồng ở Hoàng thành Thăng long
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 07:26, 12/02/2021
Trong thời Lý, hình tượng rồng được đặt tên cho kinh đô của Đại Việt: “Thăng Long” nghĩa là “rồng bay”, báo hiệu điềm lành, sự hưng khởi, phát triển toàn diện của kinh đô và đất nước từ năm 1010. Rồng thời Lý còn mang nhiều biểu trưng cao quý khác: Quyền lực tối cao của hoàng đế, pháp lực vô biên của Phật pháp, sự phồn thịnh của quốc gia.
Ở Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hình rồng dưới dạng tượng tròn, phù điêu trên các loại chất liệu đất nung, gỗ, đá cát, sứ tráng men, kim loại màu vàng. Thư tịch cổ cho biết hoàng đế nhà Lý đã cho đúc tượng rồng bằng vàng đặt trong cung điện. Các nghiên cứu cho thấy hình tượng con rồng được đặt ở các thềm bậc kiến trúc, mái cung điện, chùa tháp...
Tùy từng kiến trúc, vị trí, rồng thời Lý có nhiều biến thể về tư thế, kiểu dáng uốn lượn hoặc các tư thế phối hợp phù hợp với các loại đề tài trang trí khác nhau. Hình tượng rồng thời Lý cầu kỳ nhất, đường nét, bố cục chặt chẽ nhất, hình khối và đường nét được tỉa tót đạt mức độ tinh xảo nhất. Hình tượng rồng thời Lý được chọn lọc cấu trúc từ 22 đến 24 chi tiết như mồm, mũi, má, tai, lưỡi, bờm, râu, mào, mắt, hình chữ S, chữ Omega, thân dạng rắn, vây lưng, khoang bụng, chân, móng, túm lông sau khuỷu chân, đuôi, ngọc báu, mây cuộn...
Bản thân hình tượng rồng là sự tích hợp nhiều yếu tố huyền thoại, nhiều lớp lang lịch sử, văn hóa Việt Nam. Bởi thế, nghệ thuật tạo hình rồng thời Lý là một phức hợp nhiều yếu tố ưu tú nhất, mạnh mẽ nhất từ nhiều con vật thần thoại và một số con vật trong tự nhiên cũng như một số biểu tượng tự nhiên được hình thành qua nhiều đời.
Sang thời Trần, hình tượng rồng được mô phỏng khá nguyên vẹn thời Lý: Các loại hình tượng tròn, phù điêu, chi tiết cấu trúc, các tư thế uốn lượn. Trên cơ sở đó, theo đặc điểm thời đại, rồng thời Trần bắt đầu biến đổi một số chi tiết như thân rồng có xu hướng mập hơn một chút, các chi tiết tô điểm trên hình rồng bắt đầu giảm, không thể hiện thành một họa tiết hoàn chỉnh, nhiều khi chỉ thể hiện bằng các nét vạch, vẽ đơn giản... Mặt khác, các hình tượng rồng thời Trần cũng dần giảm một số yếu tố quan trọng của rồng thời Lý như: Không còn hình chữ S và chữ Omega, nhưng lại thêm cặp sừng trên đầu, và cũng xuất hiện thêm tư thế uốn lượn mới. Trên một ván gỗ thời Trần có chạm ba con rồng cuộn trong ổ tròn có phần thân lượn chéo hình vỏ đỗ.
So sánh chi tiết với thời Lý, rồng thời Trần hiện rõ phong cách nghệ thuật của một thời đại thiên về xu hướng khỏe mạnh, phóng khoáng, giản lược một số chi tiết nhưng vẫn không kém phần bay bướm, uyển chuyển, do đó cũng đa dạng hơn.
Rồng thời Lê sơ tiếp nối dáng rồng thời Trần. Dưới một triều đại thịnh trị và hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á thế kỷ XV, hình tượng nghệ thuật điêu khắc Lê sơ được kết tinh ở bộ thành bậc trang trí rồng ở thềm bậc đá chính điện Kính Thiên có niên đại năm 1467. Rồng chính điện Kính Thiên dài 4,07m, thân không có vảy; dáng tròn, thon, uốn lượn hình sin đều đặn; bộ đầu gần kiểu đầu rồng thời Trần nhưng dáng vẻ oai nghiêm hơn bởi nhiều chi tiết cấu trúc như trán, mũi, mắt, sừng... được phóng to hơn, khối nổi cao hơn và sâu hơn, bộ râu được tỉa tót chi tiết, 5 móng rồng khỏe mạnh quắp lại trong tư thế đang vuốt râu hoặc nắm chặt viên ngọc báu. Tất cả tạo nên dáng vẻ uy nghi, đường bệ, biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế. Các cung điện và đồ gốm cao cấp thời Lê sơ đều sử dụng hình tượng rồng 5 móng với vô số biến thể minh chứng một kinh đô hoa lệ và giàu có bậc nhất trong lịch sử kinh đô Thăng Long.
Sang thời Mạc, bối cảnh lịch sử đặc biệt với sự tồn tại của hai vương triều (nhà Mạc và nhà Lê Trung hưng). Do nhà Mạc có hai kinh đô nên việc xây dựng kinh đô Thăng Long không có điều kiện tập trung như trước. Do vậy, các di vật có hình rồng thời Mạc ở Thăng Long tương đối ít. Tuy nhiên, chứng tích khảo cổ ở Thăng Long cho thấy rồng thời Mạc vẫn mang nhiều đặc điểm Lê sơ. Đặc biệt, rồng Mạc trên cơ sở rồng truyền thống đã biến đổi mạnh mẽ với nhiều nét mới: Dáng đơn giản và có lối thể hiện tự do nhất; khi hoàn chỉnh, uy nghiêm như hình rồng trên một kim sách (một loại thư tịch cổ, được làm từ kim loại quý) thời Mạc Cảnh Lịch, khi lượn dài trên gạch ốp hoặc hơi đểnh đoảng trên đầu ngói. Còn trên gốm thì dáng rồng càng tự do hơn, các chi tiết chỉ mang tính ước lệ. Rồng Mạc ở Thăng Long - Hà Nội dường như đã phân biệt khá rõ giữa nét cung đình và nét dân gian.
Dẫu sao, rồng thời Mạc đã tạo được phong cách riêng nhưng vẫn có sự tiếp nối liền mạch trong phổ hệ rồng thiêng Đại Việt, để sang thời Lê Trung hưng, rồng biến đổi cực kỳ mạnh trên phạm vi cả nước. Rồng thời Lê Trung hưng phân rõ hai dòng nghệ thuật: Dòng nghệ thuật cung đình thể hiện rõ ở kinh đô Thăng Long, dòng nghệ thuật dân gian thể hiện rõ tại đình, chùa, đền, miếu ở làng xóm. Rồng trở lại dáng kiểu rất khỏe, cấu trúc chặt chẽ, từng chi tiết được miêu tả tỉ mỉ, tính quyền uy trở lại với các chân rồng năm móng. Yếu tố thời đại thể hiện rõ trên dáng rồng có khúc uốn đơn giản hơn, số lượng khúc uốn ít hơn, xuất hiện những cụm mây đao mác khỏe khoắn, vươn dài.
Tuy nhiên, rồng trang trí trên bia tiến sĩ Văn Miếu thời Lê Trung hưng không có dáng vẻ uy nghiêm như rồng ở điện Kính Thiên. Còn ở các di tích xóm làng thì rồng là một sự sáng tạo không có giới hạn, muôn hình vạn trạng và mang nhiều dáng vẻ, nhiều tư thế mang tính dân gian, gần gũi, thân thiện với đời sống của người dân lao động.
Vào thời Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, hình tượng rồng tập trung ở Huế. Còn ở Thăng Long, điện Kính Thiên vẫn sử dụng hai hình tượng rồng đá của thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng. Các hình rồng trang trí trên cổng hành cung và điện Long Thiên đều gần gũi với hình rồng ở kinh đô Huế từ kiểu dáng, tư thế, vị trí và những chi tiết cấu trúc đặc trưng.
Tóm lại, rồng Việt Nam, rồng Thăng Long có lịch sử lâu đời, mỗi thời kỳ đều có đặc điểm sáng tạo khác nhau nhưng luôn là hình tượng cao đẹp, biểu trưng cho nguồn gốc, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc.