Độc đáo chuông Thanh Mai
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 05:34, 13/10/2020
Dòng lạc khoản khắc trên thân chuông Thanh Mai cho biết, quả chuông được đúc vào ngày 20 tháng Ba năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên 14 (năm 798). Chuông có chiều cao 60cm, đường kính miệng 36,5cm, trọng lượng 35,5kg. Hình dáng và phong cách chuông Thanh Mai tương tự như hai quả chuông được đúc về sau là chuông Vân Bản (Hải Phòng), chuông chùa Bình Lâm (Hà Giang) - đều có từ thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) với những đặc điểm nổi bật như: Quai chuông được đúc nổi hình đôi rồng đấu lưng vào nhau; những cánh hoa sen to, nhỏ xen kẽ tạo thành đường viền trên đỉnh chuông.
Tuy nhiên, nghệ thuật thể hiện trên chuông Thanh Mai đơn giản hơn hai chuông kia: Thân rồng không có vảy, cánh sen to được thể hiện hoàn chỉnh, cánh sen nhỏ chỉ được thể hiện bằng một chấm nhỏ. Miệng chuông thẳng liền với thân, không loe và không có hình trang trí như sau này. Đỉnh chuông trang trí nhiều hoa văn mây xoắn xen kẽ với hoa văn hình đồng tiền. Tuy mang phong cách đơn giản nhưng chuông Thanh Mai thể hiện nghệ thuật điêu khắc và đúc đồng đỉnh cao thời bấy giờ.
Đặc biệt, trên thân chuông có khắc một bài minh bằng chữ Hán không có đầu đề, không ghi tên người soạn, người khắc mà chỉ ghi thời gian, lý do đúc chuông và tên 53 người góp tiền cùng những người tham gia đúc chuông. Có một bài kệ 12 câu nói về giáo lý nhà Phật và công dụng tiếng chuông được khắc ở ô phía dưới. Ngoài ra, bài minh văn còn ghi nhiều chức tước phổ biến thời thuộc Đường như: Quý châu, Tấm châu, Ái châu, Biệt tướng, Triết xung, Viên ngoại... và cả những địa danh chỉ tồn tại trong giai đoạn đúc chuông.
Bài minh văn trên thân chuông Thanh Mai được khắc trong một thời gian ngắn, là văn bản khắc lần đầu và duy nhất, cho đến nay vẫn được xem là một trong những văn bản sớm nhất trên đất nước ta, phản ánh khá rõ xã hội, con người thời Bắc thuộc.