Bồi đắp giá trị văn hóa cho vùng đất cổ
Hà Nội 360 - Ngày đăng : 06:37, 13/06/2020
Vượt qua gian khó
Hoa đã khoe sắc, nhịp sống đã sôi động và nụ cười đã trở lại với người dân Mê Linh. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đến thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh khi địa phương này được dỡ bỏ cách ly sau 28 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập” do dịch Covid-19. Dẫn khách đi thăm vườn hoa hồng 5 sào của gia đình, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng xóm Chợ, thôn Hạ Lôi vui mừng kể: “Nếu chăm sóc tốt thì chỉ hai tuần nữa lứa hoa này sẽ cho thu hoạch. Trong thời gian cách ly dài ngày vừa qua, toàn thôn bị phong tỏa, nghề trồng hoa bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều diện tích hoa phải cắt bỏ do không bán được. Khó khăn là vậy, song ngay sau khi dỡ bỏ cách ly, người dân Hạ Lôi bắt tay ngay vào sản xuất. Giờ đây, cuộc sống của người dân trong thôn đã trở lại bình thường”.
Còn lão nông Nguyễn Văn Tuấn trồng 3 mẫu hoa hồng và hoa ly phấn khởi cho hay: “Trong cơn đại dịch mới thấy hết được tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của người dân Hạ Lôi. Dịch qua đi, ai nấy đều thể hiện ngay tình yêu của mình đối với cây hoa. Không phụ công người chăm sóc, tưới tắm, chỉ sau một thời gian ngắn, các vườn hoa Mê Linh đã khoe sắc. Chợ hoa đã họp trở lại, hoạt động giao thương được tổ chức, hoa Mê Linh tiếp tục tỏa đi muôn nơi…”.
Nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa, ông Bùi Mạnh Tiến, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh nhớ lại: “Hơn 20 năm trước, những cây hồng Đà Lạt đầu tiên được trồng xuống cánh đồng Mê Linh vốn xưa nay chỉ canh tác lúa. Từ một vài hộ ban đầu, dần dần nghề trồng hoa thu hút hầu hết người dân trong xã tìm hiểu, học hỏi và làm theo”. Theo ông Tiến, bây giờ người Mê Linh đã am tường tập tính các loài hoa và có kỹ thuật trồng rất tốt. Chỉ riêng hoa hồng bây giờ cũng có hàng chục giống, đủ cả các giống hồng Pháp, Hà Lan, Italia...
Điều dễ thấy nhất phía sau nụ cười của người trồng hoa Mê Linh là sự nỗ lực lớn lao. Chắt chiu từng đồng vốn để sưu tầm, lựa chọn, nâng niu từng cây giống, rồi đổ biết bao mồ hôi trên đồng ruộng, thấp thỏm theo dõi cây sinh trưởng, đo đếm từng thời khắc đến ngày thu hoạch, thế mà phải “khoanh tay” nhìn hoa héo rũ bởi dịch Covid-19… Qua gương mặt, ánh mắt người làng hoa có thể nhận thấy ngoài niềm đam mê nghề nghiệp còn hàm chứa phẩm chất hy sinh. Nhiều người chia sẻ rằng, những ngày cách ly vừa qua đã rèn cho họ tinh thần vượt khó, dấn thân với nghiệp trồng hoa.
Làng hoa - điểm đến du lịch
Mê Linh tự hào là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa cách đây gần 2000 năm. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa nơi đây đã ghi dấu những chiến công hiển hách của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Thôn Hạ Lôi, làng Mê Linh (sau này trở thành xã Mê Linh) chính là quê hương của Hai Bà Trưng, có đền thờ Hai Bà Trưng cùng thân quyến…
Nhiều người dân Mê Linh vẫn nhớ, hồi năm 1995 cả xã mới chỉ có 2ha trồng hoa, sau đó nghề trồng hoa phát triển, diện tích cũng như sản lượng tăng dần theo tháng năm. Đáng nói, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, huyện Mê Linh được sáp nhập vào Hà Nội, vùng đất cổ này có nhiều chuyển biến rõ nét. Hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện mạnh mẽ, các di tích được chỉnh trang, kinh tế - xã hội cũng như đời sống văn hóa - tinh thần, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy những trầm tích văn hóa của quê hương, người dân nơi đây ngày càng biết cách tận dụng tiềm năng đất đai để mở rộng nghề trồng hoa. Diện tích hoa giờ đã tăng gấp trăm lần so với thời điểm hơn hai chục năm trước. Theo ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, xã Mê Linh hiện có 242ha trồng hoa, chủ lực là cây hồng Pháp, tiếp đó là hoa hồng thế và các loại cúc, ly. Riêng thôn Hạ Lôi trồng 210ha. Để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, người dân Mê Linh đã thuê đất ở các xã bên cạnh, với tổng diện tích khoảng 90ha để trồng hoa…
Phát huy truyền thống của quê hương Hai Bà Trưng, người Mê Linh luôn chịu khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Hiện, có hơn 30 hộ dân ở Mê Linh đã đến các tỉnh Lào Cai, Sơn La thuê đất trồng hoa, phát triển kinh tế gia đình. Trong số những người đã lan tỏa thương hiệu hoa Mê Linh đến những vùng đất xa xôi có anh Nguyễn Văn Tám.
Tình cờ gặp nhau ở chợ hoa Mê Linh, anh Tám chia sẻ: “Hiện gia đình tôi thuê hai mẫu đất trồng hoa hồng, hoa ly tại Sa Pa mang lại hiệu quả cao. Điều này cho thấy đây là lựa chọn đúng đắn. Chúng tôi quyết tâm mang thương hiệu của làng đi xa hơn nữa!”.
Không chỉ trồng hoa để bán, những năm gần đây, nhiều vườn hoa ở Mê Linh đã trở thành điểm đến thu hút giới trẻ tham quan, chụp ảnh... Có nhiều nhà vườn trồng hoa rộng 4.000-5.000m2 kết hợp điểm tham quan du lịch, vừa để quảng bá thương hiệu, bán hàng, vừa tăng tính kết nối cộng đồng. Khách du lịch trong và ngoài nước tìm về Mê Linh để khám phá vẻ đẹp yên bình của vùng quê với những cánh đồng rực rỡ sắc màu cũng ngày một đông hơn.
Qua trò chuyện, các chuyên gia kỹ thuật và người dân địa phương được biết, dẫu làng hoa Mê Linh đã phát triển nhiều với những cánh đồng hoa bạt ngàn hương sắc, nhưng sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy được coi là làng hoa “trẻ” của Thủ đô, nhưng Mê Linh rất giàu tiềm năng để phát triển hơn nữa nghề trồng hoa gắn với phát triển du lịch.
"Để phát huy thế mạnh này, các cơ quan chức năng của thành phố và huyện Mê Linh đang nỗ lực triển khai các chương trình phát triển du lịch tại Mê Linh, như: Xây dựng phương án quy hoạch các nhà vườn trồng hoa theo mùa, cánh đồng trồng rau công nghệ cao, khu du lịch sinh thái tại Khu đô thị Long Việt…", Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô thông tin. Ngoài ra, thời gian tới, các ngành chức năng của huyện Mê Linh phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các điểm “du lịch về nguồn” tại những nơi có cảnh quan đẹp như “Đồi 79 mùa xuân”, Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng kết nối với một số điểm du lịch tại tỉnh Vĩnh Phúc, hoặc kết hợp một số điểm du lịch trải nghiệm nghề trồng hoa, trồng rau ngay trên địa bàn huyện.