Bên thềm gạch cũ

Hà Nội 360 - Ngày đăng : 08:29, 24/01/2020

(HNMCT) - “Thương xuân­ đứng khóc bên thềm gạch cũ”. Bà ngoại hay quên quên nhớ nhớ của tôi bảo: “Tết năm nay bà nhất định phải sắm một cây đào núi thật nhiều cành nhiều lộc”. Bà đứng ở cái thềm gạch cũ, miệng lẩm nhẩm mấy câu như vậy rồi nhoẻn cười một mình.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Lúc ấy tôi đang bận ngồi vẽ cho các cậu của tôi những mốt thời trang mới nhất của mùa cuối năm.

Ngoài sân gió về ràn rạt. Những cây dâu da xoan vào mùa rụng lá, lá vàng bay từ ngoài ngõ vào đầy cái sân gạch. Gió như đang báo cho tôi biết sắp hết năm. Trên núi xa chắc những cây đào sắp đến kỳ nhú ra những nụ hồng. Bao cỏ cây chênh vênh trên vách đá sắp được thay áo mới. Rừng sẽ xanh thắm lại. Các cậu của tôi sẽ rủ nhau về rộn ràng cùng những làn gió được sinh ra từ nơi rừng xanh núi cao ấy.

Là bà ngoại tôi bảo như vậy.

Sao tôi cứ hay nghĩ đến những cây đào trên núi xa nhỉ? Hay ở những nơi đó có các cậu của tôi trú ngụ?

Tôi hỏi bà:

- Cháu không còn nhớ cậu Nhất cao như bố hay như bà?

Bà ngoại nghiêng cái đầu đã nhiều sợi bạc quay lại nhìn tôi như nhìn một con nhím con:

- Cha bố chị! Sao mà chị nhớ được cậu Nhất được. Ngày cậu Nhất đi, chị còn chưa chui ra khỏi bụng mẹ.

Tôi cãi:

- Dù sao cháu cũng vẫn nhìn thấy cậu Nhất khi cháu còn đang bay bay.

Bà ngoại chỉ cái cây hồng xiêm trước ngõ:

- Cậu Nhất cao ngang chạc cây hồng xiêm nhà mình.

- Vâng cháu biết rồi. Nhưng cháu còn muốn hỏi bà nhiều nhiều nữa...

- Bà biết rồi. Lại hỏi: “Cậu Hai cao bao nhiêu? Cậu Út cao bao nhiêu? Bà bảo luôn cho cháu của bà nhé” chứ gì?

Mắt bà sáng bừng khi nhắc đến các cậu của tôi.

Khi ấy gió về nhiều lắm. Tôi đã kể rồi. Gió chẳng phải là gió đâu. Là các cậu của tôi đang về quanh bà và nô đùa cùng với tôi.

Tôi vẽ cho cậu Nhất hiền lành nho nhã của tôi một bộ vest mới màu xanh dương. Vẽ cho cậu Hai nghiêm nghị lành lạnh của tôi chiếc sơ mi trắng đóng thùng quần tây màu đen. Còn cậu Út, tôi đã được gặp cậu khi tôi còn đang tập đi. Cậu thường đưa tay ra đón tôi chập chững bước tới và cười ròn rã quay tít tôi vài vòng khiến mẹ tôi hoảng sợ phải ngăn cậu lại. Cậu nghịch nhất nhà. Tôi vẽ cho cậu bộ áo phông quần bò, để cậu có thể xỏ đôi giày thể thao ra ngoài tán các cô mặc áo hai dây. Là tôi tưởng tượng thế. Nếu để cô Hồng mà biết tôi thuộc phe cậu, sợ rằng cô Hồng không bế em Dế về chơi với tôi nữa. Tôi đã được nhìn ảnh em Dế trong máy điện thoại của mẹ. Cô Hồng gửi ảnh hai mẹ con về cốt cho bà ngoại tôi thấy em Dế quá giống cậu Út, mà bằng lòng cho cô về làm dâu nhà bà.

Tôi vẽ xong, chạy đến thì thầm với bà ngoại:

- Bà nhất định không được mách cô Hồng nhé. Không là cháu sẽ rất giận bà đấy!

Bà nheo nheo con mắt.

- Ừ bà sẽ không mách đâu. Ai bảo cô Hồng định bỏ cậu Út cháu đi lấy chồng. Hừm! Thật là...

Tôi cất ba bộ quần áo vẽ trên giấy trắng ấy trong ngăn tủ của bà. Tôi nghĩ nhất định sẽ còn gấp những cái máy bay treo lên cành đào mới cùng những bộ quần áo mới này. Các cậu của tôi sẽ mặc quần áo mới, chui vào khoang máy bay, bay theo những làn gió để về nhà.

Bà ngoại tôi lại giở đồ khâu ra. Bà mở tủ lôi ra ba bộ quân phục màu xanh lá cây mà bố tôi bảo đấy là những thứ họ mang về cho bà mỗi khi kèm theo cái giấy báo. Năm nào tôi cũng thấy bà giở mấy bộ quần áo ấy ra, rồi lôi đồ khâu để trên cái thềm gạch. Bà ngồi phệt xuống thềm, vuốt vuốt mấy bộ quần áo, vuốt lâu đến nỗi tôi buồn ngủ quá, nằm thiu thiu bên cạnh. Kim chỉ chẳng mấy khi dùng đến vì áo mấy ai mặc đâu mà bị đứt khuy. Bà thích để đấy mà ngắm những cuộn chỉ màu sặc sỡ tựa như những cánh bướm theo gió mà lăn qua lăn lại trên cái thềm gạch cũ đã nứt nhiều vệt.

Tôi hỏi bà:

- Sao cháu không thấy bà khâu quần áo cho ông ngoại? Bà thiên vị các cậu hơn ông ngoại.

Bà chửi yêu:

- Cha bố nhà chị. Quần áo của ông ngoại bà để trong tủ kia. Người già được con cháu vỗ về có phải động chân động tay gì đâu mà rách quần rách áo. Giờ ai ai cũng quần là áo lượt, khác xưa lắm rồi, lâu rách lắm. Chả phải vá may gì. Khi ông cháu đi, cũng dặn bà không phải may vá gì cho ông nữa. Còn quần áo của các cậu thì mau rách lắm con ạ. Các cậu vất vả gian nan, đi sóng về gió, xông pha trận mạc...

Tôi cãi:

- Các cậu con được phát quần áo mới luôn.

Bà ngoại ngồi ngẩn người trên thềm gạch, nhìn ra đầu ngõ. Miệng lẩm nhẩm: “Con bé nói cũng phải”.

*
*     *

Những ngày cuối năm thật rộn ràng. Ai nấy đều hối hả như sợ thời gian cướp đi hết những thành quả tích trữ cả năm trời. Đường phố đã đông lại càng thêm đông.

Ngày nào bà ngoại của tôi cũng vòng quanh mấy chợ bán hoa đào. Bà nhìn nhìn ngó ngó, chạm tay vào từng cành đào, hỏi giá. Cứ như bà định khuân về cả chợ đào của người ta.

Tôi nghe thấy bố mẹ tôi thì thào với nhau.

- Mẹ chuẩn bị đón dâu về. Bảo làm gì thì phải chiều thôi. Cấm cãi!

Ở lớp, bọn con Giang con Hường bảo tôi: “Nhà mày sắp làm đám cưới âm”. Tôi nóng mặt lắm rồi đấy. Chuyện gì chúng nó cũng hóng được. Nếu tôi là con trai, tôi sẽ đá cho hai con bé ấy mấy phát. Nhưng tôi im lặng.

Thực ra là tôi đang rất giận cậu Út. Vì bà ngoại kể, hồi bà nhận cái giấy báo thứ hai về cậu Hai, bà cố không ngất như lần họ báo tin cậu Nhất, vì khi đó ông ngoại tôi đang ốm. Rồi bà bảo mẹ tôi mua cho bà cái vé để bay đi gặp cậu Út, bắt cậu về nhà làm ruộng nghệ ven sông với bà. Nhưng cậu nhất định không về. Cậu bảo làm thân trai phải biết đó biết đây, phải đeo cái lon oách đã rồi sẽ về trình bà. Mà cậu có về đâu. Cứ thế là đi luôn.

Càng gần cuối năm, hương vị mùa xuân tràn về khắp mọi ngõ ngách. Mọi thứ cứ tưng bừng. Lũ trẻ con chúng tôi háo hức lớn thêm. Tôi sắp đi qua năm thứ bảy của cuộc đời để bước vào tuổi mới.

Tôi học xong, chạy về nhà cất cặp rồi chạy sang nhà bà ngoại.

Hôm nay bà ngoại tôi bảo sẽ gói bánh chưng. Trên cái thềm gạch, bà đã đặt sẵn những cái rá to đựng gạo nếp đã ngâm, đỗ xanh đã đồ chín, rổ thịt thái miếng đều tăm tắp, lá dong đã rửa sạch. Bà ngồi gói bánh, mặt lấm chấm mồ hôi dưới tiết trời se se lạnh. Nom mặt bà hôm nay thật vui. Cái miệng móm mém còn sót lại mấy cái răng lấp lóa như những hạt cườm.

Bà nheo mắt cười với tôi, bảo:

- Sắp cưới cậu Út rồi đấy. Cưới cho cậu Út trước đã. Rồi bà sẽ làm đám cưới âm cho cậu Nhất và cậu Hai.

Họ cứ bảo bà ngoại tôi điên từ sau khi nhận được cái giấy báo thứ ba. Tôi không thấy bà ngoại điên chút nào. Tôi gật đầu nhất trí với kế hoạch của bà. Tôi thấy trên đầu giường bà ngoại có hai bộ quần áo mới. Bà bảo một cho tôi, và một cho em Dế. Ôi, thật là vui. Tôi không thể nhịn được nữa, liền lôi bộ áo dài bà ngoại mua cho ướm thử vào người. Tôi biết các cậu của tôi sẽ vừa ý lắm, vì bà ngoại sắm cho tôi bộ áo dài cách tân bằng lụa màu hồng phấn, y như màu của những cánh hoa đào phai.

*
*    *

Đoàn đón dâu tưng bừng từ sân bay về ngõ nhỏ. Đoàn đi qua những chợ hoa đào và quất vàng. Gió đông vi vút thổi dọc sông Hồng, len lỏi trên những con phố đông chật người xe. Cô Hồng xinh ơi là xinh trong bộ váy cô dâu. Cu Dế và tôi cùng nâng váy cô dâu bước vào sân, bước lên cái thềm gạch cũ để vào nhà.

Cô quỳ lạy trước bàn thờ. Quỳ lạy cùng di ảnh cậu Út của tôi. Cô đã nguyện làm dâu trong nhà, cho dù chỉ là một năm, hai năm hay bao năm nữa, đó là tùy duyên. Cô muốn cu Dế có bà nội.

Mưa xuân bay bay ngoài bầu trời bấy giờ bất chợt hồng lên một màu hoa đào tinh khiết. Những hạt mưa bay nhẹ nhàng như giọt nước mắt của cô Hồng đang rơi xuống bàn tay nhăn nheo của bà ngoại tôi.

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà